BẮC GIANG – Thực hiện chính sách sắp xếp, bố trí công việc cho cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở, các địa phương trong tỉnh đã khắc phục khó khăn, bố trí lại công việc phù hợp với năng lực, chuyên môn cho đội ngũ này. Ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Sắp xếp phù hợp
Từ năm 2018, tỉnh Bắc Giang tổ chức sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở theo hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực, bảo đảm chất lượng công tác vì theo quy định của T.Ư, năm 2024 sẽ không còn hai chức danh này.
Theo Sở Nội vụ, toàn tỉnh có 431 cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở cần sắp xếp, bố trí lại chức danh, công việc. Sau khi chính sách được ban hành, các địa phương tích cực tuyên truyền về chủ trương, mục đích để cán bộ công chức khuyến nông, thú y nắm được.
Cán bộ thú y xã Đồng Tâm (Yên Thế) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc dê sinh sản cho người dân. |
Việc bố trí theo hướng ưu tiên cán bộ khuyến nông, thú y cấp xã có tiêu chuẩn, chuyên môn phù hợp làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện thiếu biên chế; tuyển dụng vào làm công chức cấp xã đối với các chức danh còn thiếu và có chuyên môn phù hợp hoặc bố trí đảm nhiệm các chức danh cán bộ chuyên trách cấp xã.
Kết quả đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết xong 208 trường hợp (tự nguyện làm đơn xin nghỉ việc, nghỉ hưu trước tuổi và sắp xếp công việc khác); còn lại 223 trường hợp (trong đó có 88 cán bộ khuyến nông và 135 cán bộ thú y) tiếp tục giải quyết trong thời gian tới.
Tại huyện Lạng Giang có 42 cán bộ khuyến nông, thú y, đến nay đã bố trí việc làm cho 31 người, còn 11 trường hợp tiếp tục sắp xếp trong năm 2024. Phần lớn cán bộ được tuyển dụng vào làm công chức cấp xã đối với các chức danh còn thiếu và có chuyên môn phù hợp. Như ở xã Hương Sơn, cán bộ thú y được bố trí sang làm công chức địa chính-xây dựng-nông nghiệp-môi trường xã; cán bộ khuyến nông vừa được tuyển dụng làm công chức xã Thái Đào (cùng huyện). Các cán bộ này đều học thêm chuyên ngành phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc.
Xã Tân Thanh (Lạng Giang) đã bố trí xong hai chức danh. Cán bộ thú y vừa thi tuyển làm cán bộ văn hóa xã. Chị Đặng Thị Sâm là cán bộ khuyến nông xã Tân Thanh từ năm 2009. Sau khi có chủ trương tinh gọn lại lực lượng, chị được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã giới thiệu, bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã từ năm 2022.
Chị Sâm chia sẻ: “Khi đảm nhiệm vai trò mới, tôi có nhiều thuận lợi vì sẵn kiến thức về nông nghiệp từ trước. Sau gần hai năm, tôi đã chủ động tham mưu, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế như trồng nấm, chanh leo, chăn nuôi bò sinh sản; đồng hành với bà con trong phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm hiệu quả sản xuất”.
Theo chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đang từng bước sắp xếp, bố trí lại công việc cho đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y song thực tế vẫn gặp khó khăn. Một số huyện còn nhiều cán bộ chưa được bố trí lại chức danh như Lục Ngạn, Lục Nam mỗi địa phương còn 30 người; huyện Yên Thế còn 24 người… Khi bố trí, sắp xếp xong, các địa phương thiếu cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất; theo dõi dịch bệnh, tiêm phòng, đặc biệt là trong khâu giám sát, cập nhật thông tin đàn vật nuôi, dự báo và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.
Công tác quản lý chuyên ngành thú y, khuyến nông do Phòng Nông nghiệp và PTNT hoặc Trung tâm Dịch vụ – Kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện thực hiện. Tuy nhiên, hầu hết cán bộ tại các đơn vị này đều kiêm nhiệm nhiều việc khác nên ảnh hưởng phần nào đến chất lượng công việc.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp khi không còn chức danh cán bộ khuyến nông, thú y xã, những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã lập danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước ở một số lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp…
Nội dung này quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả theo ngành dọc, chuyên môn ở từng bộ phận. Hằng năm, Sở đều tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực khuyến nông, thú y; nhất là việc nắm bắt thông tin, phòng ngừa dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.
Hiện toàn tỉnh đã bố trí, sắp xếp lại chức danh, công việc cho 208 cán bộ khuyến nông, thú y; còn lại 223 trường hợp (trong đó có 88 cán bộ khuyến nông và 135 cán bộ thú y) tiếp tục giải quyết trong thời gian tới. |
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã hướng dẫn 9 xã xây dựng nông thôn mới thành lập tổ khuyến nông cộng đồng (theo tiêu chí 13.5 của bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025). Các thành viên là lãnh đạo, cán bộ công chức xã; đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương; đại diện hợp tác xã, doanh nghiệp. Thay thế cán bộ khuyến nông cấp xã, các thành viên trong tổ có nhiệm vụ tư vấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; hỗ trợ xây dựng kế hoạch sản xuất, tập huấn kỹ thuật, liên kết nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản.
Liên quan đến hoạt động thú y, ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, với số lượng gia súc, gia cầm lớn trong khi lực lượng cán bộ thú y mỏng, đơn vị xác định phòng hơn chống để tạo lá chắn bảo vệ đàn vật nuôi, giảm sức ép công việc cho con người. Hằng năm, Chi cục tăng cường quản lý, phòng dịch; kịp thời phát hiện, xử lý vật nuôi mắc bệnh, hạn chế lây lan, bùng dịch.
Phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng nghiêm ngặt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục duy trì 104 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đồng thời xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn cổ điển trên địa bàn huyện Tân Yên (giai đoạn 2025-2030); xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại động vật trên địa bàn TP Bắc Giang (giai đoạn 2026-2030).
Bài, ảnh: Mạc Yến
Tiến sĩ Thú y Lê Văn Dương: Góp sức phát triển chăn nuôi
(BGĐT) – “Nhờ những lứa lợn, đàn gà của bố mẹ mà tôi được đến trường. Vì thế, khi lớn lên, tôi luôn mong muốn được học ngành thú y”, Tiến sĩ Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y chia sẻ câu chuyện đến với nghề như thế. Khi giúp nông dân phòng, trị bệnh thành công, thu được thành quả từ chăn nuôi, anh thấy đó là niềm hạnh phúc, có thêm động lực gắn bó với công việc.
Bắc Giang: Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong hoạt động thú y
(BGĐT) – Bắc Giang là tỉnh có quy mô và tổng đàn chăn nuôi đứng tốp đầu cả nước. Tuy nhiên, do chưa kiện toàn hệ thống quản lý chuyên ngành thú y nên hiện một số địa phương đang thiếu nhân lực thú y cấp huyện, xã gây nhiều trở ngại trong quản lý vật nuôi, dịch bệnh và phát triển chăn nuôi.
Sắp xếp, bố trí cán bộ, khuyến nông, thú y cơ sở,sản xuất nông nghiệp, khắc phục khó khăn