BẮC GIANG – Khoảng hơn một tháng nay, người dân một số xã trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) rủ nhau vào rừng khai thác tổ ong vang (ong vàng) để bán sáp cho các điểm thu mua với giá cao. Giá sáp ong tăng cao dẫn đến nguy cơ người dân khai thác tận diệt.
Theo anh Nguyễn Đô, chủ một điểm thu mua sáp ong ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn), mỗi ngày cơ sở của gia đình mua được hơn chục kg sáp ong có giá từ 1 đến 1,2 triệu đồng/kg với điều kiện sáp ong phải được phơi khô, tổ không bị nát vụn. Số sáp ong trên được người dân trong huyện đi rừng lấy về bán, nếu có số lượng hàng lớn (hơn 1 kg trở lên), anh Đô sẽ đến tận nhà thu mua.
Một điểm thu mua sáp ong vang tại thị trấn Chũ. Ảnh CTV |
Còn theo một số người chuyên thu mua sáp ong ở các xã Đèo Gia, Biên Sơn, Tân Lập, Tân Sơn (Lục Ngạn), để gom đủ hàng với số lượng lớn, họ thường phải đi sang các xã lân cận, thậm chí lên huyện Sơn Động, xuống Lục Nam để tìm hàng.
Thời gian này, anh Chu Văn Phú ở xã Biên Sơn cùng một số người trong xã thường xuyên đi rừng tìm kiếm tổ ong mang về bán cho các cơ sở thu mua. Anh Phú cho biết: “Chưa có năm nào thương lái thu mua cả sáp ong như năm nay. Trước đây khi lấy ong về, mọi người chỉ lấy nhộng, còn phần sáp thì bỏ đi. Nay nhộng ong được tách riêng bán cho các nhà hàng làm thực phẩm với giá từ 350 đến 400 nghìn/kg, sáp ong tích trữ khi nào được khoảng 1 kg sẽ có người đến tận nhà thu mua. Nhiều thời điểm sáp ong vang bán được hơn 1,5 triệu đồng/kg. Chúng tôi nghe mọi người truyền tai nhau, sáp ong được các thương nhân bán sang Trung Quốc để bào chế thành thuốc, song thực hư thế nào chưa rõ”.
Tổ ong vang được người dân tìm thấy. Ảnh CTV |
Theo anh Phú, ong vang khá lành, không hung dữ như ong bò vẽ hay ong bầu, ong đất nên chỉ hơi có khói là chúng bay tản khỏi tổ nên dễ dàng đánh bắt. Chúng thường làm tổ ở tầm thấp trong các bụi cây, có tổ làm ngay trong vườn vải. Sau khi đã tách nhộng ra khỏi tổ còn lại phần sáp rất nhẹ nên để gom được một kg cần rất nhiều tổ, nhiều ngày đi rừng tìm kiếm.
Sáp ong vang được thu gom chờ bán. Ảnh CTV |
Việc lấy ong đã mang lại nguồn thu nhập đối với một số người. Mặc dù vậy, theo cơ quan chức năng, việc khai thác ồ ạt sáp ong có nguy cơ tận diệt, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái cũng như vụ ong năm sau.
Ông Từ Quốc Huy, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang cho biết: “Thời gian qua, tình hình người dân địa phương bắt, mua bán tổ ong diễn ra trên địa bàn một số huyện. Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tăng cường nắm bắt thông tin, khuyến cáo người dân tuyệt đối không được chặt phá cây rừng, đốt thực bì để bắt ong; không lấy ong một cách tận diệt làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của đàn ong và đến môi trường sinh thái, sự đa dạng sinh học của các loài trong tự nhiên”.
Nguyễn Hưởng
Mật ngọt từ thuần hoá ong rừng
(BGĐT) – Nhiều năm qua, anh Trần Văn Tế (SN 1980), dân tộc Sán Chí, thôn Lạnh, xã Lệ Viễn, huyện Sơn Động (Bắc Giang) thuần hóa ong rừng về nuôi lấy mật. Nhờ vậy, gia đình anh thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Nữ giám đốc 8X và ước mơ đưa mật ong rừng xuất ngoại
(BGĐT) – Năm 2010, khi đang làm nhân viên lễ tân kiêm hướng dẫn viên du lịch ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai), Vũ Thị Thảo (SN 1985), quê ở xã Vô Tranh, huyện Lục Nam (Bắc Giang) quyết định bỏ việc đi buôn nông sản. 10 năm long đong khởi nghiệp từ con số 0, giờ đây Thảo là Giám đốc Công ty TNHH Mật ong Tân Kéo, thôn Ao Vè, xã Vô Tranh (Lục Nam). Thảo đang nỗ lực đưa mật ong rừng ra thị trường nước ngoài.