BẮC GIANG – Với lợi thế về đất đai, huyện Lục Nam đã hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung thuận lợi cho đưa cơ giới hóa vào sản xuất đại trà. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng và giá trị của nông sản được nâng lên.
Đôi tay thoăn thoắt buộc từng bó hành, chị Nguyễn Thị Lân, thôn Va, xã Đông Phú chia sẻ: “Gia đình tôi trồng hơn 1ha hành, hiện với giá thu mua tại ruộng là 11.000 đồng/kg, ước vụ này thu nhập hơn 200 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cấy lúa”. Không riêng gia đình chị Lân, những ngày này, trên khắp các cánh đồng trải dài ở xã Đông Phú, người dân tập trung thu hoạch hành. Đây cũng là một trong những cây trồng chủ lực vụ đông của bà con.
Người dân xã Đông Phú thu hoạch hành. |
Ông Đào Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Toàn xã hiện có 250 ha trồng hành, 180 ha khoai tây và gần 100 ha cây ngắn ngày khác. Nhận thấy nhu cầu thị trường đối với cây rau màu chế biến tăng cao, năm nay, người dân mở rộng diện tích trồng cây vụ đông. Với gần 550 ha rau màu chế biến, rau an toàn, ước thu về 93 tỷ đồng, tăng hơn 10 tỷ đồng so với năm ngoái”.
Trước đây, trên diện tích đất nông nghiệp, đất đồi, người dân xã Huyền Sơn chủ yếu trồng lúa, ngô, hiệu quả kinh tế thấp thì nay xã đã chuyển đổi trồng cây vụ đông có giá trị. Với hơn 150 ha na, mỗi năm toàn xã thu khoảng 35 tỷ đồng. Nhờ áp dụng biện pháp rải vụ, kỹ thuật thụ phấn nhân tạo đã góp phần nâng cao năng suất và kéo dài thời gian thu hoạch nên khâu tiêu thụ thuận lợi. Còn ở xã Bảo Sơn, ngoài vùng trồng dứa 170 ha, mấy năm gần đây, xã mở rộng diện tích trồng đào huyền (40ha), ổi (40ha) mỗi năm mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng.
Ông Dương Công Định, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung là chủ trương, động lực để huyện thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao; tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là những sản phẩm OCOP chủ lực.
Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm, huyện đã xây dựng được 1 chỉ dẫn địa lý Na dai Lục Nam, 13 nhãn hiệu tập thể và 20 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. |
Từ định hướng trên, chính quyền địa phương đã chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển hàng hóa tập trung quy mô lớn. Được biết, với hơn 2,1 nghìn ha đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa đã tạo điều kiện để huyện xây dựng 33 cánh đồng mẫu lớn; 38 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Nhờ vậy, quy mô sản xuất một số loại cây trồng có thế mạnh đã tăng nhanh, tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa chủ lực tập trung theo quy hoạch và theo lợi thế từng xã.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam, toàn huyện hiện trồng hơn 1,5 nghìn ha na, sản lượng hơn 14 nghìn tấn/năm, doanh thu mỗi năm từ na đạt khoảng hơn 400 tỷ đồng -đứng đầu tỉnh về diện tích và sản lượng. Bên cạnh đó, Lục Nam còn hình thành các vùng trồng nhãn với diện tích 750 ha; vùng trồng dứa hơn 400 ha và 13 vùng sản xuất rau màu chuyên canh quy mô gần 3 nghìn ha. Các sản phẩm nông nghiệp không chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.
Nhằm mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp tập trung, huyện khuyến khích các hình thức liên kết, hình thành vòng tròn khép kín, bền vững. Quan tâm hỗ trợ các HTX gắn với phát triển một số sản phẩm chủ lực ở địa phương như: Na dai, dứa, nhãn; hành lá, dưa leo, khoai sọ; tập huấn nâng cao trình độ quản lý gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, đồng thời tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng.
Đơn cử như HTX Dưa leo quê Lục Nam, sau 3 năm thành lập, mỗi năm tiêu thụ khoảng 7 nghìn tấn nông sản, như dưa leo, khoai tây, khoai sọ, hành… cho người dân trong xã và các địa phương lân cận. HTX đang duy trì hợp đồng cung cấp dưa leo với sản lượng 20-30 tấn/ngày cho Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu G.O.C, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang); ký hợp đồng tiêu thụ tại TP Hà Nội và các tỉnh miền Trung.
Để tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện Lục Nam chú trọng các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là HTX nông nghiệp; khuyến khích tích tụ ruộng đất, thuê lại ruộng đất của người dân hoặc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để hình thành vùng tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ mở rộng, phát triển mới các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh các sản phẩm chủ lực, đặc trưng theo Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu.
Bài, ảnh: Vân Anh
Đòn bẩy cho HTX nông nghiệp
BẮC GIANG – Bắc Giang hiện có hơn 1,1 nghìn hợp tác xã (HTX), trong đó hơn 65% là HTX nông nghiệp. Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích HTX thuộc lĩnh vực này.
Việt Yên: Đầu tư hạ tầng duy trì vùng sản xuất nông nghiệp tập trung
(BGĐT) – Là huyện có nhiều khu công nghiệp, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) phát triển nông nghiệp theo hướng duy trì, hỗ trợ vùng sản xuất tập trung. Đồng thời nhân rộng mô hình sản xuất an toàn, tạo sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
tin tức bắc giang, bắc giang, Lục Nam, xây dựng nông thôn mới, vùng sản xuất nông nghiệp, Sản xuất nông nghiệp tập trung, tăng hiệu quả kinh tế, sản xuất đại trà, cây trồng vụ đông