Năm nay thành phố Chí Linh lần đầu tiên tổ chức Festival Chí Linh-Hải Dương 2023. Với sản phẩm mới này cùng với các hoạt động của Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc, Chí Linh khát vọng tạo “bệ phóng” cho du lịch “cất cánh”.
Chí Linh là vùng địa linh nhân kiệt, nơi quần cư của 15 dân tộc anh em như Kinh, Tày, Thái, Hoa, Khơ me, Mường, Nùng, Mông, Dao, Sán Dìu… Trong dặm dài lịch sử, Chí Linh không chỉ là vùng đất quy ẩn, dưỡng nhàn của các bậc cao nhân, hiền sĩ mà còn là nơi sản sinh nhiều nhân tài cho đất nước ở mọi thời đại. Đây cũng là vùng đất tập trung các di tích lịch sử – văn hóa, lễ hội đặc sắc và phong phú về thể loại, bao gồm di tích Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và di tích gắn với tín ngưỡng dân gian, tiêu biểu như Côn Sơn, Kiếp Bạc, Phượng Hoàng, Chí Linh bát cổ.
Mỗi di tích, thắng cảnh của vùng đất này đều gắn liền với những nhân vật, sự kiện lịch sử, những truyền thuyết, những huyền tích của các bậc thánh nhân, liệt nữ, của cả nhân thần và thiên thần trong tâm thức người Việt. Đây là tài sản vô giá của ông cha truyền lại, là nguồn lực nội sinh to lớn của thành phố Chí Linh trong thực hiện khát vọng phát triển quê hương.
Khí tốt non sông sẵn đúc nên
Rõ ràng cảnh đẹp sách ghi truyền
Làng thơ ngâm thưởng nay như trước
Tạo hóa sắp bày cảnh tự nhiên
Từ miền đất quy ẩn của các cao nhân, hiền sĩ…
Kiếp Bạc từ lâu đã trở thành điển tích trong lịch sử và ghi dấu những chiến công lừng lẫy của người Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, người được nhân dân suy tôn là Đức Thánh Trần.
Theo cuốn Di tích và Danh thắng Hải Dương, Kiếp Bạc thời Trần thuộc hương Vạn Kiếp, lộ Lạng Giang, nay thuộc xã Hưng Đạo (Chí Linh). Kiếp Bạc có dãy núi Rồng hình tay ngai bao lấy một thung lũng trù phú và thơ mộng. Đây cũng là nơi diễn ra các trận đánh nổi tiếng trong lịch sử kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2 và lần 3 của quân dân nhà Trần thế kỷ XIII.
Xét về địa thế, từ Kiếp Bạc có 6 đường sông và đường bộ, tiến lui đều thuận như về Thăng Long, ra biển, lên Bắc, xuống miền đồng bằng. Các thung lũng nối liền với sông Lục Đầu có thể tập kết hàng chục vạn thủy quân bộ, hàng ngàn chiến thuyền. Từ đỉnh núi Nam Tào, Bắc Đẩu có thể quan sát một miền rộng lớn, núi sông, làng mạc bao la, tàu thuyền ngược xuôi tấp nập. Vì thế đây không chỉ là cảnh quan hùng vĩ mà còn là một vị trí quân sự quan trọng.
Sau khi đánh tan quân Nguyên, Trần Hưng Đạo sống những năm tháng thanh bình và mất tại Kiếp Bạc. Do có công sức cống hiến cho dân tộc, ngay lúc sinh thời Trần Hưng Đạo đã được người dân lập đền thờ gọi là Sinh từ. Đền thờ ông sau được tôn tạo tại một khu đất ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc.
Một số hình ảnh về khu di tích Kiếp Bạc.
Cách Kiếp Bạc chừng 5 km về phía tây nam là núi Côn Sơn. Nếu đền Kiếp Bạc gắn với tên tuổi người Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo thì Côn Sơn được biết đến là chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm và là nơi lưu dấu cuộc đời vị Anh hùng dân tộc – Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Núi Kỳ Lân, tức Côn Sơn, dân gian quen gọi là núi Hun cao gần 200m, dài trên 1 km thuộc xã Chi Ngại, huyện Phượng Sơn thời Trần, nay là phường Cộng Hòa (Chí Linh). Khi nhắc tới Côn Sơn, mọi người thường nhớ tới Nguyễn Trãi, tuy nhiên ít người biết rằng Côn Sơn vốn là thái ấp của Quan tư đồ Trần Nguyên Đán (ông ngoại của Nguyễn Trãi). Trần Nguyên Đán là người ưu ái với sự nghiệp đất nước, có tài văn võ, hiểu biết thời thế. Vào thời Long Khánh, Trần Nguyên Đán dựng động Thanh Hư trên núi Côn Sơn để làm nơi lui nghỉ.
Thuở nhỏ, Nguyễn Trãi được ông ngoại nuôi dạy ở động Thanh Hư. Năm 1400, Nguyễn Trãi (hiệu là Ức Trai) thi đậu Thái học sinh tức Tiến sĩ. Sau khi giặc Minh mượn cớ xâm lược nước ta, Nguyễn Trãi đã tìm đến với nghĩa quân Lam Sơn dâng “Bình Ngô Sách”, phò tá Lê Lợi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống giặc cứu nước. Ông đã góp công lớn vào sự thành công của cuộc khởi nghĩa, đồng thời trở thành bậc khai quốc công thần của triều hậu Lê.
Một số hình ảnh tại đền thờ Nguyễn Trãi bên trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc.
Đất nước thanh bình, Nguyễn Trãi trở lại Côn Sơn. Từ đấy, tuy làm quan đầu triều nhưng phần lớn thời gian ông sống ở Côn Sơn. Cũng tại đây, vị anh hùng cùng toàn bộ gia tộc mắc vào vụ án oan lịch sử “Lệ Chi Viên” và bị kết án tru di tam tộc. Hơn 20 năm sau, ông được Vua Lê Thánh Tông minh oan và tôn vinh “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”. Nguyễn Trãi được tôn vinh là Anh hùng Dân tộc và được UNESCO tôn vinh là Anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất.
Ngày nay, danh thắng Côn Sơn ở nơi có địa hình núi cao, phía trước có hồ lớn, bên phải có bãi rễ xanh tươi. Đây cũng là khu vực rừng đặc dụng; ngoài cây thông chủ đạo còn có trúc, chuối rừng, sim, mua và các cây dược liệu… không khí quanh năm mát mẻ. Đến Côn Sơn, du khách không chỉ nghe thấy âm thanh của tiếng thông reo mà còn có tiếng róc rách của suối, tiếng líu lo của chim tạo nên bản giao hưởng của núi rừng Côn Sơn hùng vĩ.
Danh thắng Côn Sơn – chốn “tùng lâm đẹp đẽ”.
Cách Côn Sơn khoảng 6 km về phía đông nam là núi Phượng Hoàng thuộc đất Kiệt Đặc, nay là phường Văn An. Đây là nơi Chu Văn An, nhà giáo mẫu mực thời Trần treo áo từ quan về dựng nhà dạy học và sống những năm tháng cuối đời.
Theo sách Di tích và danh thắng Hải Dương, sau khi dâng sớ chém 7 nịnh thần, gọi là “Thất trảm sớ” nhưng không được vua chấp nhận, ông bèn trả mũ áo từ quan đi chu du thiên hạ. Đi đến vùng đất Chí Linh thấy núi Phượng Hoàng có rừng thông bát ngát, suối trong rì rào, ông đã ở lại, dựng nhà ven sườn núi để dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách lưu lại cho hậu thế. Thầy giáo Chu Văn An được tôn vinh là “Vạn thế sư biểu” tức người thầy của muôn đời.
Lễ khai bút, tục xin chữ tại đền thờ Chu Văn An thể hiện truyền thống hiếu học, trọng trí tuệ của dân tộc ta.
Ngày nay, nơi ông sống những năm tháng cuối đời đã được hậu thế xây dựng đền thờ mang tên ông và trở thành khu di tích Phượng Hoàng, hằng năm thu hút hàng vạn khách du lịch.
Từ đỉnh cao của Côn Sơn nhìn về phía tây bắc 10 km có khoảng núi rừng hùng vĩ, trên độ cao khoảng 250 m thấp thoáng một công trình kiến trúc cổ kính, đó chính là chùa Thanh Mai. Đây là ngôi chùa gắn liền với đệ nhị tổ của thiền phái Trúc Lâm là Pháp Loa tôn giả. Cùng với hệ thống các chùa thuộc cánh cung Đông Bắc như: Yên Tử – Quỳnh Lâm – Côn Sơn – Báo Ân và Vĩnh Nghiêm, chùa Thanh Mai là một đại danh lam, một trung tâm phật giáo thời Trần.
Trong chùa có 7 tấm bia văn có giá trị, trong đó nổi bật là Thanh Mai Viên Thông tháp bi. Đến với chùa Thanh Mai không chỉ là tìm về cửa Phật mà còn tìm về với thiên nhiên. Thanh Mai là một trong những vùng còn giữ được diện tích rừng tự nhiên lớn nhất của Hải Dương với hai loại cây trám và dẻ cùng nhiều loại gỗ quý như lim, sến, lát.
Ngoài ra, tại thành phố Chí Linh còn có đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ – người phụ nữ đầu tiên và duy nhất đỗ tiến sĩ trong thời phong kiến Việt Nam và đền thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư… cùng nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng khác.
… đến lợi thế tiềm năng riêng có
Bên cạnh khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, Chí Linh còn có 10 di tích được xếp hạng quốc gia, 20 di tích xếp hạng cấp tỉnh và mỗi năm có 101 lễ hội truyền thống.
Để phát huy lợi thế này, địa phương đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch thành phố Chí Linh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Từ khi thực hiện đề án (tháng 6/2021) tới nay, thành phố Chí Linh đã dành hơn 418,9 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông, trùng tu tôn tạo các di tích, các điểm đến du lịch, các khu vui chơi, xây dựng các công trình phụ trợ phát triển du lịch. Địa phương quan tâm xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp thực tế như du lịch tham quan, du lịch lễ hội, du lịch thể thao kết hợp giải trí và du lịch công vụ, hội nghị, hội thảo. Hiện thành phố đã có 32 sản phẩm OCOP gắn liền các điểm di tích như mật ong Chí Linh, gạo nếp cái hoa vàng An Lạc, gà đồi Chí Linh…
Hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch ngày một hấp dẫn. Đó là những tiền đề để thành phố Chí Linh phát huy lợi thế về du lịch.
Thành phố có 35 cơ sở lưu trú với hơn 500 phòng nghỉ, trong đó có 1 khách sạn 3 sao và 2 cơ sở lưu trú cho du khách; 16 điểm dừng chân kết hợp giới thiệu sản phẩm phục vụ khách du lịch, 55 cơ sở dịch vụ ăn uống thuộc cấp thành phố quản lý. Với điều kiện cơ sở vật chất đó, du lịch Chí Linh cơ bản đáp ứng nhu cầu du khách.
Điểm nhấn rõ nhất thể hiện quyết tâm của Đảng bộ TP Chí Linh là quy hoạch vùng lõi phát triển du lịch trong quy hoạch chung thành phố tầm nhìn đến năm 2040. Cụ thể, vùng phát triển du lịch tâm linh sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn di sản văn hóa quốc gia đặc biệt có quy mô 7.510 ha thuộc địa phận các phường, xã Cộng Hòa, Lê Lợi, Hưng Đạo, Văn An, Hoàng Tân, Chí Minh, Phả Lại, Cổ Thành, Bắc An.
TP Chí Linh cũng đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời tích cực tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại vừa giúp giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, vừa là cơ hội để quảng bá các sản phẩm du lịch địa phương.
Nhờ đó, du lịch Chí Linh đã có những bước tiến mới. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Chí Linh đã đón 820.891 lượt khách. Tổng doanh thu lĩnh vực du lịch trên địa bàn từ khi triển khai đề án ước đạt hơn 489,6 tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch. Thu nhập từ du lịch từng bước được nâng cao, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. 8 tháng năm 2023, doanh thu từ lĩnh vực du lịch của thành phố ước đạt 200 tỷ đồng, thu hút gần 1 triệu lượt du khách.
Festival Chí Linh-Hải Dương 2023 – “Bệ phóng” phát triển du lịch
Nửa thế kỷ nay, nhất là từ khi khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc trở thành ngày hội lớn của cả nước. Một sự trùng hợp hiếm có, bắt đầu ngày hội Kiếp Bạc (16/8 âm lịch) là kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Trãi, kết thúc hội đền là ngày mất của Trần Hưng Đạo (20/8 âm lịch). Vì thế, ngoài lễ hội xuân như đa số các địa phương trong cả nước, Chí Linh còn ghi dấu ấn đậm nét với du khách nhờ Lễ hội mùa thu Côn Sơn- Kiếp Bạc.
Năm nay, với mong muốn tiếp tục thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành trong thực hiện khát vọng phát triển thành phố Chí Linh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, Chí Linh sẽ lần đầu tiên tổ chức Festival Chí Linh-Hải Dương 2023 song hành cùng thời gian diễn ra Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc.
Với chủ đề “Tinh hoa hội tụ – Khát vọng tỏa sáng”, Festival Chí Linh – Hải Dương 2023 sẽ diễn ra trong 11 ngày, từ ngày 24/9 – 4/10/2023 (từ 10/8 đến 20/8 năm Qúy Mão) tại 3 địa điểm là Quảng trường Sao Đỏ, Khu di tích Quốc gia Đền Mẫu Sinh – Đền Thánh Hóa và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc.
Là lễ hội văn hóa du lịch đặc biệt quan trọng, Festival Chí Linh – Hải Dương 2023 được tổ chức thành chuỗi sự kiện.
Đồ họa 8 chương trình trong khuôn khổ Festival Chí Linh – Hải Dương 2023.
Thông qua các hoạt động Festival Chí Linh – Hải Dương 2023, Chí Linh mong muốn tạo sản phẩm du lịch mới; giới thiệu, quảng bá mạnh mẽ thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, giá trị lịch sử – văn hóa, tín ngưỡng, danh nhân, điểm đến du lịch, tiềm năng, lợi thế khác biệt, nổi trội, chiến lược phát triển thành phố Chí Linh…
Lãnh đạo thành phố và nhân dân Chí Linh mong muốn, Festival sẽ trở thành sản phẩm du lịch mang tính đột phá, tạo bệ phóng cho kinh tế du lịch Chí Linh phát triển, là điểm nhấn thu hút các nhà đầu tư. Nếu được tổ chức thành công, Festival Chí Linh-Hải Dương 2023 sẽ trở thành “thỏi nam châm” hút khách du lịch về với Chí Linh nhiều hơn, để mỗi mùa Trung thu, du khách sẽ nhớ tới, tìm về Chí Linh để tham dự Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc – một chuỗi hoạt động tâm linh và đồng thời sau khoảng trầm mặc, uy linh của lễ hội, du khách lại được hoà mình vào không khí lễ hội đường phố náo nhiệt, sôi động.
Chắc chắn cả du khách, cả người dân Chí Linh đều được lợi ích kép khi Festival Chí Linh-Hải Dương 2023 được tổ chức. Du khách được “một công đôi việc”, vừa tham gia các hoạt động tâm linh tại lễ hội, vừa được hòa mình vào không khí lễ hội đường phố. Chí Linh sẽ hút khách hơn, giữ chân du khách lâu hơn. Và khi kinh tế du lịch phát triển, người dân Chí Linh chính là những người được thụ hưởng. Bởi thế đông đảo người dân Chí Linh đều háo hức, tích cực tham gia chuẩn bị cho lễ hội du lịch đặc biệt này.
Theo báo Hải Dương