Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.
Đồng chí Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cùng các đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: Doãn Tấn |
Cùng với đó, Quốc hội thảo luận về: Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương). Thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, mặc dù nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng với nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, việc điều hành ngân sách đạt nhiều kết quả khả quan.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị quan tâm, tập trung xem xét kỹ hơn một số vấn đề. Cụ thể, tình hình thu ngân sách nhà nước ước hoàn thành dự toán nhưng thực chất vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thu nội địa giảm so với dự toán. Điều này cho thấy, tình hình kinh tế còn khó khăn được phản ánh qua cơ cấu thu ngân sách nhà nước. Mặt khác, thu ngân sách nhà chịu nhiều ảnh hưởng từ các chính sách miễn, giảm thuế phí nhưng báo cáo của Chính phủ chưa có đánh giá định lượng, hiệu quả của các chính sách này đối với nền kinh tế.
Về chi ngân sách nhà nước, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng dự kiến thực hiện chi ngân sách nhà nước thể hiện được nỗ lực của Chính phủ, song vẫn cần lưu ý một số vấn đề như: Về phân bổ giao dự toán chi đầu tư phát triển, báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ nguyên nhân chưa giao hết kế hoạch vốn đã được quyết định. Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển trong 8 tháng năm 2023 đã có những cải tiến tích cực cao hơn so với cùng kỳ của năm 2022 nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cần tiếp tục có giải pháp cụ thể, quyết liệt, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện cam kết tiến độ giải ngân; nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác chuẩn bị đầu tư…
Phiên họp buổi sáng được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tại phiên họp, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là một trong số 9 dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Tại kỳ họp trước, cơ bản các ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xử lý nợ xấu, tăng cường phòng ngừa rủi ro, nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát, nâng cao năng lực của các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn, lành mạnh ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cần xử lý kịp thời, đầy đủ, đúng quy định kết quả rà soát VBQPPL
Chiều 31/10, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tham luận tại hội trường về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo TTXVN