Sáng 30/7, Chính phủ phối hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Tại điểm cầu chính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và một số sở, ngành liên quan.
Báo cáo về tình hình tổ chức triển khai thi hành một số luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 Nghị quyết; cho ý kiến lần đầu về 11 dự án luật, xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác.
Đến nay, nhiều dự án luật đã được các bộ, ngành, địa phương cơ bản hoàn thiện Kế hoạch triển khai thi hành để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Để kịp thời đưa các luật, Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 đi vào cuộc sống, công tác chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến, giáo dục pháp luật các luật, Nghị quyết đã được chú trọng thực hiện. Về triển khai xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết.. Các bộ, ban, ngành chủ động phối hợp cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát và gửi thông báo đến HĐND, UBND cấp tỉnh những nội dung luật, Nghị quyết giao cho chính quyền địa phương quy định chi tiết để kịp thời xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và tổ chức triển khai thi hành các luật, pháp lệnh một cách đồng bộ, hiệu quả…
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe quán triệt về triển khai thi hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Ban chấp hành trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; triển khai thi hành Luật Đất đai; Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ;…
Đây là các nội dung bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, với nhiều chính sách mới, quan trọng, dự kiến sẽ tác động tích cực đến việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy sự phát triển kinh tế gắn với sự bền vững của chính sách an sinh, xã hội; thể chế hoá kịp thời một trong ba đột phá chiến lược được xác định tại văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện cơ sở pháp lý với các cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế – xã hội cho Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành phố.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phối hợp của Chính phủ, các bộ, ban, ngành với các địa phương trong triển khai tổ chức triển khai thi hành một số luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật trong tình hình hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm để từ đó kiểm tra, đôn đốc, khen thưởng kịp thời, xử lý trách nhiệm đảm bảo rõ ràng, công minh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện 5 đẩy mạnh, gồm: Đẩy mạnh xây dựng Luật đảm bảo tiến độ đề ra. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn; nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện trong quá trình xây dựng pháp luật. Đẩy mạnh rà soát hệ thống quy phạm pháp luật. Đẩy mạnh cơ chế phân cấp phân quyền hợp lý, phù hợp, khả thi, có hiệu quả trong các cơ quan trong hệ thống chính trị và tổ chức thực hiện pháp luật. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để người dân biết, dân hiểu, dân làm và dân hưởng ứng.
Các địa phương rà soát những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, tổng hơp gửi về Chính phủ để nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban hành quy định phù hợp với thực tiễn. HĐND tỉnh và UBND tỉnh phối hợp trong xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật; chủ động xử lý các phát sinh theo quy định của pháp luật tại địa phương./.
Thảo My
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/quan-triet-trien-khai-thi-hanh-mot-so-luat-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-khoa-xv