BẮC GIANG – Với người lành lặn, việc mưu sinh hằng ngày đã vất vả, với người khuyết tật (NKT) còn khó khăn gấp bội. NKT hoàn toàn có quyền hành nghề kiếm sống hợp pháp, tuy nhiên hiện nay có nhiều hoạt động của họ ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và nguy cơ bị dụ dỗ, lợi dụng để trục lợi.
Nhọc nhằn kiếm sống
Hình ảnh quen thuộc ở các ngã ba, ngã tư, chợ dân sinh, quán ăn trên địa bàn TP Bắc Giang, huyện Việt Yên, Hiệp Hòa… thời gian gần đây là những người khiếm thị, vận động khó khăn đi mời chào mua hàng hoặc đẩy loa hát để xin tiền. Có mặt tại các ngã tư Xương Giang – Quang Trung – Vương Văn Trà, Hùng Vương – Lê Lợi, chợ Hà Vị (TP Bắc Giang) hoặc ngã tư đường tỉnh 295B – đường vành đai IV (Việt Yên)… trong nhiều ngày, chúng tôi ghi lại một số hình ảnh thường xuất hiện 1-2 người khiếm thị, khuyết tật chân tay, đứng ven đường chìa tay xin tiền.
Một trường hợp NKT xin tiền tại khu vực chợ Hà Vị, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang). |
Họ có cái loa nhỏ để phát nhạc, có thể hát được, bộ quần áo cũ rách và gương mặt khắc khổ. Những người này chỉ đứng tại đây vào giờ cao điểm buổi sáng (6 giờ 30 phút đến khoảng 8 giờ) và chiều (16 giờ đến 20 giờ), lúc đông người qua lại, sau một vài tiếng lại chuyển chỗ khác để xin tiền.
Đơn cử như tại ngã tư Xương Giang – Quang Trung – Vương Văn Trà thuộc địa bàn phường Trần Phú (TP Bắc Giang), cách vài ngày lại có NKT đứng xin tiền tại điểm đèn tín hiệu giao thông. Khi đưa về trụ sở UBND phường Trần Phú để làm rõ, anh T.V.Q (SN 1989) ở huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) cho biết, bản thân bị khiếm thị, không có nghề nghiệp ổn định, hiện đang thuê trọ ở huyện Việt Yên.
Để di chuyển từ chỗ ở đến khu vực xin tiền, anh Q phải trả tiền cho người chạy xe ôm, mỗi chuyến đi, về dao động từ 150-160 nghìn đồng, như vậy mỗi ngày có 2 ca đi làm, anh mất ít nhất 300 nghìn đồng tiền xe ôm. Nếu như hôm nào kiếm được ít hơn số tiền đó thì không có gì để ăn, trả tiền trọ và các chi phí khác. Trường hợp đi các huyện xa hơn hoặc sang tỉnh Bắc Ninh thì tiền xe ôm có thể lên đến 220-250 nghìn đồng cho mỗi chuyến đi, về.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, chúng tôi tiếp cận được khu nhà trọ của những NKT ở khu vực tổ dân phố Đồn Lương, thị trấn Bích Động (Việt Yên). Khu nhà có 3 dãy với khoảng 25 phòng nằm cuối ngõ, khuất sau nhiều gia đình khác. Mỗi phòng chỉ rộng vài mét vuông, đủ kê một cái kệ, phía trên có ván làm giường, khu vệ sinh kiêm bếp nấu ăn. Hầu hết các phòng đều cho NKT thuê, giá thuê từ 300 nghìn đồng/tháng, điện nước tính ngoài.
Nhà trọ chật hẹp của những NKT tại thị trấn Bích Động (Việt Yên). |
Tiếp cận vợ chồng anh Q và chị L đang thuê trọ ở đây, được biết chị L mắt bị mờ, gần như không nhìn thấy gì, đang ốm nằm ở phòng trọ, anh Q sau một tai nạn từ chàng trai khỏe mạnh trở thành người không tự chủ được vận động, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vợ giúp. Hai người đều từ nơi khác đến, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn. Dù không thể tự đi lại bình thường nhưng không còn cách nào khác, anh Q vẫn phải tìm đến những khu vực đông người để bán mấy đồ lặt vặt kiêm “ca sĩ” để vợ ở nhà với những cơn đau đầu, nhức mắt triền miên. Thỉnh thoảng khi chị L khỏe sẽ phụ giúp anh Q.
Được biết, những căn phòng chật hẹp, ẩm thấp, thiếu ánh sáng ở khu trọ là nơi cư ngụ của nhiều cặp vợ chồng khuyết tật, có đôi chưa cưới nhưng nương tựa cùng nhau kiếm sống.
Phòng ngừa vi phạm an ninh trật tự
Hoạt động của những NKT đứng xin tiền, bán hàng rong, hát kiếm tiền… tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông, làm mất mỹ quan. Những điểm nút giao thông, ngã ba, ngã tư họ đứng hành nghề thường có mật độ giao thông lớn. Nhiều người đứng sát dòng xe cộ để bán hàng nguy cơ mất an toàn cao. Họ cũng là đối tượng yếu thế, dễ bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi, kiếm tiền từ lòng thương cảm của người khác. Bên cạnh đó, đường phố, các khu đô thị, dân cư cũng bị ảnh hưởng do hình ảnh nhếch nhác, chèo kéo bán hàng, xin tiền.
NKT đi xe ôm đến các khu vực đông người để hành nghề kiếm tiền. |
Là cán bộ nhiều lần giải quyết nạn ăn xin, bán hàng rong không đúng nơi quy định, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Phú không lạ những trường hợp đã nêu. Trao đổi với chúng tôi, ông Thắng nói: “UBND phường liên tục yêu cầu công an và các lực lượng khác tuần tra địa bàn, khi phát hiện những NKT do xe ôm đưa đến để bán hàng, hát kiếm tiền… không đúng nơi quy định đều yêu cầu đưa về phường để xử lý, ký cam kết không tái phạm. Tôi trực tiếp gọi hỏi nhiều người, họ đều thừa nhận từ tỉnh khác đến hoạt động”. Theo ông Thắng, vì thẩm quyền của cấp phường hạn chế nên chỉ có thể tuyên truyền, giáo dục pháp luật và đẩy đuổi những người này ra khỏi địa bàn.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nghiêm Xuân Tuấn, Phó trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, Sở đã giao phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các huyện, TP phối hợp với lực lượng công an và chính quyền cơ sở rà soát, đưa các đối tượng vào cơ sở trợ giúp xã hội hoặc đưa về gia đình, nơi cư trú. Thủ tục, trình tự, các bước tiếp nhận được rất đơn giản, miễn phí hoàn toàn nhưng NKT hành nghề ăn xin, bán hàng rong luôn tìm cách trốn tránh, không hợp tác. Thấy bóng dáng cán bộ chức năng tiếp cận là lẩn trốn, với lý do ở ngoài được tự do kiếm tiền, không bị quản lý gò bó như trong trung tâm bảo trợ xã hội.
Qua làm việc với đại diện Công an huyện Việt Yên được biết, cơ quan công an nắm được những khu vực có nhà trọ của NKT, đa số đến từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Lạng Sơn, Điện Biên, Hà Giang, Thanh Hóa… Bước đầu chưa phát hiện những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, tuy nhiên, Công an huyện tiếp tục theo dõi, bám sát địa bàn, đối tượng, kịp thời xử lý khi có vi phạm.
Để giải quyết tốt vấn đề trên, thiết nghĩ cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, đoàn thể, cơ quan chức năng trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NKT để họ có ý thức chấp hành quy định về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và tự bảo vệ bản thân. Nếu phát hiện có hành vi dụ dỗ, lợi dụng NKT để chăn dắt, ăn chặn, cơ quan công an cần kiên quyết xử lý.
Nhóm PV Nội chính
Trần Việt Hùng- Chàng trai khuyết tật giàu nghị lực
BẮC GIANG – Vượt qua những mặc cảm, tự ti, anh Trần Việt Hùng (SN 1996) ở thôn Chi Lễ, xã Mỹ Thái (Lạng Giang) không đầu hàng số phận, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và đóng góp tích cực cho phong trào thanh niên tại địa phương.
Hơn 160 VĐV tham gia Giải Thể thao truyền thống người khuyết tật tỉnh Bắc Giang
(BGĐT)-Sáng 24/6, Sở Lao động–Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Giải Thể thao truyền thống người khuyết tật tỉnh Bắc Giang lần thứ XXI năm 2023. Tới dự có đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố.
Tặng xe lăn cho người khuyết tật huyện Tân Yên
(BGĐT) – Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Bắc Giang, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Tân Yên vừa tổ chức tặng xe lăn cho người khuyết tật trên địa bàn huyện Tân Yên.
tin tức bắc giang, bắc giang, an ninh trật tự, hành nghề ăn xin, hành nghề kiếm sống hợp pháp,người khuyết tật, bán hàng rong, xin tiền nơi công cộng, ngã ba, ngã tư, chợ dân sinh,