BẮC GIANG – Với phương châm ”nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, mô hình “Dân hiểu, dân tin, an ninh chủ động” của Phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh Bắc Giang) đã góp phần giải quyết các vụ việc phức tạp phát sinh.
Đưa pháp luật đến với người dân
Nhớ lại thời điểm bắt đầu thực hiện mô hình, Thượng tá Lý Văn Đồng, Trưởng Phòng An ninh nội địa chia sẻ: Năm 2018, Bắc Giang bước vào giai đoạn phát triển mạnh, nhiều công trình, dự án được triển khai liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất. Qua đánh giá nguyên nhân phát sinh các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện nhận thấy có một bộ phận người dân chưa được tuyên truyền, giải thích cặn kẽ quy định về chính sách, pháp luật có liên quan; một số quyền lợi chính đáng của người dân chậm được xem xét, giải quyết thấu đáo dẫn đến bức xúc.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh) gặp gỡ người dân vùng công giáo xã Châu Minh (Hiệp Hòa). |
Từ việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vận dụng phương châm “Lấy dân làm gốc” của Bác Hồ, Phòng đã tham mưu thực hiện mô hình “Dân hiểu, dân tin, an ninh chủ động”. Mục đích cốt lõi được xác định là “phải nói cho dân hiểu, phải làm để dân tin, từ đó giúp cho công tác bảo đảm an ninh được chủ động”.
Để “nói cho dân hiểu”, cán bộ, chiến sĩ đã kiên trì bám địa bàn, nắm chắc chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để tuyên truyền, giải thích cặn kẽ. Mới đây, cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2) hoàn thành đã tháo gỡ điểm nghẽn nhiều năm trên tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang.
Mô hình “Dân hiểu, dân tin, an ninh chủ động” được lựa chọn vinh danh toàn quốc trong Chương trình “Hồ Chí Minh – Hành trình khát vọng 2023” do Ban Tuyên giáo Trung ương vừa tổ chức đầu tháng 11. Chương trình nhằm tôn vinh, cổ vũ các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. |
Tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn người dân đã nhường mặt bằng cho dự án mở rộng cầu. Để có mặt bằng sạch thi công, Phòng An ninh nội địa đã nắm tình hình, phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền đến người dân có nhà, có đất thuộc diện GPMB về đơn giá đền bù, chính sách bồi thường thu hồi đất; quy định ở mỗi tỉnh, mỗi dự án cụ thể là khác nhau, tỉnh Bắc Giang khác Bắc Ninh.
Hay như khi thi công cầu, một số hộ dân thôn Nam Ngạn, xã Quang Châu (Việt Yên) phản ánh nhà ở, công trình bị ảnh hưởng do rung lắc, có vết nứt nên đề nghị tạm dừng thi công. Cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh nội địa đã cùng với các đơn vị liên quan gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân, đưa ra phương án giải quyết, tạo sự đồng thuận cao. Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Châu Minh – Mai Đình (Hiệp Hòa), quy mô 207,45 ha thuộc địa phận 3 xã: Châu Minh, Mai Đình và Hương Lâm ban đầu cũng gặp vướng mắc.
Mặc dù chính quyền đã giải quyết, trả lời đơn theo đúng trình tự pháp luật nhưng nhiều hộ dân không đồng thuận, gửi đơn lên tỉnh, T.Ư. Trước tình hình đó, Phòng An ninh nội địa đã thành lập Tổ công tác trực tiếp ăn, ở cùng người dân để nắm tâm tư, nguyện vọng. Qua đó cho thấy bà con phản ứng là do chưa hiểu đúng về chủ trương phát triển KCN và các quy định về thu hồi đất, bồi thường GPMB. Tổ Công tác đã tham mưu, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu và ủng hộ triển khai dự án theo đúng kế hoạch.
Nói đi đôi với làm
Không chỉ nắm tình hình an ninh trật tự, tuyên truyền giải thích pháp luật cho bà con, Phòng An ninh nội địa còn “3 cùng” với nhân dân, “nói phải đi đôi với làm” một cách rõ ràng, thiết thực. “Làm để dân tin” chính là thể hiện điều đó. Việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tích cực tham mưu giải quyết bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, kiên quyết đấu tranh, xử lý hành vi, việc làm trái quy định pháp luật đã tạo được niềm tin của nhân dân với lực lượng công an và chính quyền.
Vụ việc tranh chấp gần 400 ha đất lâm nghiệp giữa hai thôn láng giềng Khe Táu, xã Yên Định (Sơn Động) với một số hộ dân thôn Vách Gạo, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn) là một điển hình. Vụ việc kéo dài nhiều năm dẫn đến việc hàng trăm người dân tập trung, khiếu kiện, chặt phá cây, thường trực nguy cơ xảy ra xô xát giữa người dân hai thôn, thậm chí đã có hành vi giữ người trái pháp luật. Trước tình hình trên, Phòng An ninh nội địa đã lập Tổ công tác xuống địa bàn phối hợp nắm tình hình, kiên trì tiếp xúc với tinh thần “còn 1% vẫn phải tuyên truyền, giải thích”.
Các cán bộ, chiến sĩ đã vận động người dân không đòi hỏi những nội dung không chính đáng, không có căn cứ theo quy định pháp luật; quan tâm đề xuất chính quyền xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phục vụ đời sống dân sinh. Qua nắm bắt, Tổ công tác đã kiến nghị Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước, xây cầu theo mong ước của người dân từ nhiều năm, làm nhà văn hóa, điều chỉnh quy hoạch bãi rác ở vị trí phù hợp để không làm ảnh hưởng đến người dân.
Đồng thời, Phòng An ninh nội địa đã tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao tại thôn, tu sửa nhà ở cho gia đình chính sách, trang bị dụng cụ tập luyện ở khu vui chơi chung; động viên, phát huy vai trò người uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền con, cháu, người thân và người dân hiểu được bản chất vụ việc, từ đó nhận thức đúng và chấp hành các quy định của pháp luật, đồng thuận với biện pháp giải quyết của chính quyền. Vụ tranh chấp đã được giải quyết triệt để, không gây thiệt hại lớn về người và tài sản, không để lại mâu thuẫn trong nhân dân. Đến nay, khu đất đã được giao cho người dân tiếp tục sản xuất, phát triển kinh tế rừng.
Tin tưởng vào các cán bộ, chiến sĩ công an, người dân đã tích cực cung cấp thông tin giúp lực lượng nắm chắc tình hình, đánh giá đúng bản chất vụ việc để tham mưu giải quyết và triển khai công tác an ninh một cách chủ động. Qua đó góp phần hạn chế tối đa biện pháp cưỡng chế, phòng ngừa, ngăn chặn đối tượng xấu móc nối, lôi kéo, kích động người dân gây phức tạp về an ninh trật tự. Từ khi triển khai mô hình đến nay, Phòng An ninh nội địa đã tiếp cận, vận động gần 8.500 lượt công dân chấp hành pháp luật, không tham gia khiếu kiện đông người, vượt cấp ở tỉnh và T.Ư.
Cử các tổ công tác nắm tình hình, tuyên truyền về chính sách, pháp luật tại 82 điểm, vụ việc tiềm ẩn phức tạp. 31 điểm đã đưa vào kế hoạch cưỡng chế song nhờ sự tham gia tích cực của lực lượng công an, các hộ liên quan đã chủ động thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng, không phải cưỡng chế. Phòng đã tham gia bảo vệ thi công hàng chục dự án phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh, không để phát sinh “điểm nóng”.
Đây là điểm mới trong tư duy nghiệp vụ, cách làm của lực lượng công an theo hướng “gần dân, hiểu dân, trọng dân”, xóa bỏ khoảng cách giữa người dân với công an và chính quyền trong giải quyết các vụ việc phức tạp. Việc triển khai mô hình còn giúp xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ công an trong lòng nhân dân.
Bài, ảnh: Thu Phong
Tận tụy vì dân phục vụ
BẮC GIANG – Năm 2022, Công an huyện Lục Ngạn triển khai xây dựng mô hình “Công an xã, phường, thị trấn Thân thiện – Phục vụ – Kỷ cương”. Quá trình thực hiện đã siết chặt kỷ cương, phát huy tinh thần tận tụy vì dân phục vụ trong lực lượng công an nhân dân ở cơ sở.
Công an Bắc Giang: Nhân lên những việc làm vì dân
(BGĐT) – Thực hiện phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”, trong lực lượng công an toàn tỉnh Bắc Giang xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương, việc làm vì nhân dân phục vụ.
Bình dị những việc làm vì dân
(BGĐT) – Thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã có những việc làm tuy nhỏ bé, bình dị nhưng ý nghĩa, được người dân ghi nhận, gửi thư cảm ơn.
Xây dựng lực lượng công an thân thiện, vì dân phục vụ
(BGĐT) – Từng xếp thứ 47 về chỉ số cải cách hành chính (CCHC) nên việc tăng 31 bậc so với năm 2020, xếp thứ 16/63 tỉnh, TP của Công an tỉnh Bắc Giang được đánh giá là bước tiến vượt bậc, nỗ lực của cả tập thể và mỗi cán bộ, chiến sĩ.
tin tức bắc giang, bắc giang, Nói dân hiểu, làm dân tin, Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh bắc giang, cán bộ, chiến sĩ công an , giải phóng mặt bằng, Khu công nghiệp