(BGĐT) – Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện còn một số huyện, ngành chức năng và chủ đầu tư nhiều cụm công nghiệp (CCN) trong tỉnh Bắc Giang do doanh nghiệp (DN) làm chủ đầu tư chưa quyết liệt triển khai các công việc liên quan. Hệ quả là chậm tiến độ thực hiện các dự án, hạn chế thu hút nhà đầu tư thứ cấp.
Nhiều dự án chậm, gia hạn
Toàn tỉnh hiện có 54 CCN, tổng diện tích gần 2,19 nghìn ha. Hiện tại, có 30 CCN đã đi vào hoạt động, bao gồm 14 CCN do UBND các huyện, TP làm chủ đầu tư và 16 CCN do DN làm chủ đầu tư. Qua rà soát, hầu hết các CCN do DN làm chủ đầu tư đều chậm giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Khảo sát tại huyện Hiệp Hòa cho thấy, địa phương có số CCN nhiều nhất với 10/54 CCN. Hiện, 6/10 CCN đã cơ bản hoàn thành GPMB, hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư và đi vào hoạt động (CCN Đức Thắng lấp đầy 100%; CCN Đoan Bái đã lấp đầy 100% diện tích cũ, đang GPMB phần diện tích mở rộng; các CCN: Việt Nhật, Hà Thịnh, Hợp Thịnh, Thanh Vân cơ bản hoàn thành GPMB và đã có nhà đầu tư đăng ký, tỷ lệ lấp đầy hơn 80%), 4 CCN đang trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính và tiến hành GPMB (Đoan Bái – Lương Phong 1, Đoan Bái – Lương Phong 2, Jutech, Danh Thắng – Đoan Bái).
Phối cảnh CCN Hà Thịnh (Hiệp Hòa). |
Cụ thể, CCN Đoan Bái – Lương Phong 1, diện tích 49,98 ha, hiện mới đang được kiểm kê, quy chủ, thông báo thu hồi đất và chi trả bồi thường cho người dân. CCN Đoan Bái – Lương Phong 2 mới bồi thường GPMB 21,5 ha trên tổng số 75 ha. CCN Jutech mới chi trả bồi thường phần diện tích hơn 60 ha trên tổng số 75 ha. CCN Danh Thắng – Đoan Bái mới được thành lập, đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý. Các CCN: Đoan Bái – Lương Phong 1, Đoan Bái – Lương Phong 2, Jutech đều chưa được xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trong khi đó theo kế hoạch, tháng 6/2023 chủ đầu tư CCN này phải xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư. Còn các CCN đã đi vào xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư như: Việt Nhật, Hà Thịnh, Hợp Thịnh, Thanh Vân vẫn còn nhiều diện tích chưa GPMB xong. Nguyên nhân là do người dân chưa đồng thuận, đòi giá đền bù cao vì vậy các CCN này đều phải điều chỉnh tiến độ thực hiện.
Theo Sở Công Thương, không chỉ các CCN tại huyện Hiệp Hòa mà nhiều CCN khác như: Mỹ An (Lục Ngạn), Tiên Hưng, Vũ Xá (Lục Nam), Đại Lâm, Nghĩa Hòa (Lạng Giang), Đồng Đình, Lăng Cao (Tân Yên), Dĩnh Trì (TP Bắc Giang)… cũng đang chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra từ 4-7 năm. Nhiều CCN như: Mỹ An, Đại Lâm, Dĩnh Trì… phải điều chỉnh tiến độ thực hiện. Việc chậm tiến độ thực hiện các dự án CCN đã hạn chế thu hút nhà đầu tư thứ cấp, gây lãng phí nguồn lực.
Kiểm điểm sát sao
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, ngày 23/1/2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN do DN làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu xác định cụ thể các công việc, mốc thời gian hoàn thành; phân công trách nhiệm cho cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp đối với các sở, cơ quan, địa phương, đơn vị và chủ đầu tư để triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng 25 CCN do DN làm chủ đầu tư; định kỳ tổ chức kiểm điểm đánh giá và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ. Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay 4/25 CCN hoàn thành GPMB, đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư. 12/25 CCN đã GPMB hơn 50% diện tích, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư. 9/25 CCN đang GPMB, thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.
Bắc Giang hiện có 54 CCN, tổng diện tích gần 2,19 nghìn ha. Trong đó, 14 CCN do UBND các huyện, TP làm chủ đầu tư; 40 CCN còn lại do DN làm chủ đầu tư. |
Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân dẫn đến các CCN thực hiện chậm là do việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, bồi thường GPMB, giao đất, cho thuê đất, đầu tư hoàn thiện hạ tầng chậm. Việc kiểm tra, đôn đốc, báo cáo, đề xuất biện pháp chỉ đạo định kỳ hằng tháng chưa được Sở Công Thương thực hiện thường xuyên, liên tục. Các sở, ngành, cơ quan liên quan chưa tập trung, tích cực triển khai các nội dung công việc như: Lập quy hoạch chi tiết, báo cáo đánh giá tác động môi trường, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Nhà đầu tư chưa thực sự tích cực phối hợp với các địa phương, sở, ngành chức năng thực hiện dự án.
Trước thực tế trên, ngày 31/5/2023, UBND tỉnh tiếp tục ban hành kế hoạch số 93/KH-UBND về việc thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN do DN làm chủ đầu tư. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện 12 CCN thành lập trước năm 2022 gồm: Hà Thịnh, Đoan Bái, Đoan Bái – Lương Phong 1, Đoan Bái – Lương Phong 2, Jutech (Hiệp Hòa); Trung Sơn – Ninh Sơn (Việt Yên); Đại Lâm, Nghĩa Hòa (Lạng Giang); Đồng Đình, Lăng Cao (Tân Yên); Lan Sơn, Tiên Hưng (Lục Nam). Với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, UBND cấp huyện và chủ đầu tư, đến nay một số CCN như: Tiên Hưng, Nghĩa Hòa, Trung Sơn – Ninh Sơn… việc GPMB đã có nhiều chuyển biến. Ông Lê Thế Hùng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 595 (chủ đầu tư CCN Trung Sơn – Ninh Sơn) thông tin, hiện người dân địa phương đã nhận đền bù GPMB được 25 ha trên tổng số 75 ha. Đơn vị phấn đấu đến tháng 7/2024 sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, thu hút đầu tư từ tháng 9/2024.
Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc phối hợp giữa chủ đầu tư với các sở, ngành, đơn vị chức năng, UBND cấp huyện trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất chưa chặt chẽ. Do đó, chủ đầu tư các CCN cần bám sát đơn vị liên quan, nắm chắc các quyết định, kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của huyện, tỉnh để kịp thời đề xuất bổ sung phê duyệt kế hoạch sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại các CCN.
Cùng đó, Sở Công Thương đề nghị UBND các huyện, TP phối hợp với chủ đầu tư các CCN tích cực tuyên truyền đến người dân, đẩy nhanh tiến độ bồi thường GPMB; chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị cấp huyện căn cứ vào quy định pháp luật, trình tự các bước thực hiện, kế hoạch tiến độ triển khai đầu tư các CCN của tỉnh. Đồng thời lập kế hoạch, phương án cụ thể triển khai xây dựng hạ tầng các CCN trên địa bàn. Chủ đầu tư các CCN bám sát tiến độ thực hiện các công việc được giao, đề xuất những khó khăn vướng mắc để có phương án giải quyết kịp thời; định kỳ trước ngày 25 hằng tháng báo cáo kết quả thực tiến độ thực hiện CCN đầy đủ với Sở Công Thương.
Bài, ảnh: Thế Đại
Giải phóng mặt bằng, cụm công nghiệp, UBND huyện, Việt yên, Yên Dũng, Lục Nam, phối hợp, quy định, rõ ràng, trách nhiệm, tiến độ