“Để quyết định khởi tố một vụ án, quyết định khởi tố một bị can, đặc biệt áp dụng biện pháp ngăn chặn là cực kỳ nghiêm trọng”, lãnh đạo Ban Nội chính nói về việc khởi tố, bắt giam ông Lưu Bình Nhưỡng.
Ông Lưu Bình Nhưỡng. |
Thông tin về việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng được Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên đưa ra trong cuộc họp chiều 22/11 của Ban Nội chính Trung ương, thông báo kết quả cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Vụ việc ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc Cưỡng đoạt tài sản là vấn đề được phóng viên đặt ra.
Trả lời câu hỏi về việc này, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, vụ án liên quan ông Lưu Bình Nhưỡng đang được các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình trực tiếp thụ lý giải quyết.
Vụ án này chưa thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, theo lời Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Khẳng định các cơ quan chức năng đang thực hiện theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật trong vụ án liên quan ông Lưu Bình Nhưỡng, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương nói thêm, ông Lưu Bình Nhưỡng là người có nhiều ý kiến ở các diễn đàn khác nhau.
“Những đóng góp tốt của ông Lưu Bình Nhưỡng chúng ta phải ghi nhận, nhưng những vi phạm cũng phải xử lý. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã quyết định xử lý, cần tin có căn cứ”, ông Yên nói.
Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, pháp luật có quy định rất chặt chẽ, nhất là pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự. Để quyết định khởi tố một vụ án, quyết định khởi tố một bị can, đặc biệt áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam, là cực kỳ nghiêm trọng.
“Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định rất chặt chẽ, không một cơ quan nào có thể tự thực hiện. Toàn bộ hoạt động của cơ quan điều tra được Viện kiểm sát cùng cấp kiểm soát trực tiếp, toàn diện và chịu trách nhiệm về việc phê chuẩn”, ông Yên nói.
Về khó khăn, vướng mắc, ông Yên cho biết cần phải xin hướng dẫn của các cơ quan tiến hành tố tụng. Những vấn đề khác sẽ được các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm xử lý, chỉ đạo xử lý theo đúng quy định của Nhà nước, tổ chức.
Ông Yên cho biết thời gian tới sẽ có thêm nhiều thông tin hơn về vụ việc để hiểu nhiều chiều, đánh giá công tâm, khách quan, đúng bản chất sai phạm.
Hôm 14/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng (60 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Ông Nhưỡng là Phó Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông bị bắt để điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Quá trình bắt, khám xét, cảnh sát đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (37 tuổi, thường gọi là Cường “Quắt”), đối tượng hình sự có 3 tiền án, trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Cường “Quắt” cùng đàn em được xem là băng nhóm xã hội phức tạp ở Thái Bình, thực hiện nhiều hoạt động trái pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Ngày 28/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích và Gây rối trật tự công cộng; khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam 5 đối tượng, trong đó có Cường “Quắt” cùng đồng bọn.
Ngày 17/5/2023, Cường “Quắt” bị khởi tố thêm tội danh Cưỡng đoạt tài sản.
Công an tỉnh Thái Bình cho biết, khi biết một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác cát tại mỏ cát ven biển xã Thụy Trường (huyện Thái Thụy), Cường “Quắt” và đồng bọn đã tự ý xác lập quyền sử dụng trái phép các bãi triều để gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác được hoặc bán lại một phần cho Cường với giá rẻ hơn giá thị trường, chiếm đoạt của các doanh nghiệp hàng tỷ đồng.
Ông Lưu Bình Nhưỡng sinh năm 1963, tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông có bằng tiến sĩ luật, từng là giảng viên Đại học Luật Hà Nội, giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật Kinh tế. Ông Lưu Bình Nhưỡng nguyên là Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp; Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Năm 2018, ông Lưu Bình Nhưỡng được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban dân nguyện đến nay. |
Vụ ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt: Cường “quắt” là ai?
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội vừa bị Công an tỉnh Thái Bình bắt với cáo buộc cưỡng đoạt tài sản. Cơ quan điều tra cho biết, ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt khi lực lượng chức năng điều tra mở rộng vụ án Cường “quắt” (Thái Bình) cưỡng đoạt tài sản.
Theo Dân trí
Phó ban Nội chính Trung ương, bắt ông Lưu Bình Nhưỡng, vụ án Phạm Minh Cường , Cường “Quắt”