Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đồng ý bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có viên chức giáo viên.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục ngày 15/8. |
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về việc rà soát các văn bản, đề án do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2023.
Theo đó, liên quan đến việc sửa Nghị định 115/NĐ-CP/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Nghị định 115/NĐ-CP/2020 hiện hành quy định cả hai hình thức thi và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Nay bỏ hình thức thi thăng hạng thì Bộ Nội vụ cần tiếp tục rà soát, tiếp thu ý kiến bộ, ngành, địa phương, chỉnh lý dự thảo nghị định, bảo đảm thực hiện thống nhất quy định xét thăng hạng, bảo đảm quyền, lợi ích của đội ngũ viên chức hoạt động chuyên ngành, tránh phát sinh vướng mắc khi thực hiện.
Với hướng sửa đổi này, Bộ Nội vụ cần tiếp tục hoàn thiện phương án, trình Chính phủ xem xét, quyết định. Đây là vấn đề đông đảo giáo viên, trong đó có ngành giáo dục Hà Nội quan tâm.
Vừa qua, gần 2.500 giáo viên mầm non, phổ thông ở Hà Nội đã gửi thư kiến nghị lên Bộ GD&ĐT cùng Sở GD&ĐT đề đạt nguyện vọng bỏ thi thăng hạng. Cùng với đó, hơn 4.100 giáo viên thuộc nhiều cấp học trên địa bàn Hà Nội đang làm hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II cũng có tâm thư về vấn đề này.
Theo quy định, giáo viên hiện được chia thành ba hạng chức danh nghề nghiệp. Mỗi hạng được chia thành nhiều bậc lương. Mỗi hạng có bậc lương tương ứng với mức phụ cấp cụ thể. Hạng I là hạng cao nhất.
Các địa phương có quyền chọn hình thức thi hoặc xét thăng hạng cho viên chức của mình, trong đó Hà Nội chọn hình thức thi.
Cụ thể, giáo viên ở Hà Nội phải trải qua bốn bài thi gồm kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học và nghiệp vụ chuyên ngành. Với giáo viên còn dưới 5 năm công tác, môn ngoại ngữ được miễn.
Đông đảo giáo viên Hà Nội cho rằng hình thức thi thăng hạng gây thiệt thòi cho những người có tuổi nghề cao, giàu kinh nghiệm và thành tích, có nhiều năm cống hiến nhưng yếu kỹ năng ngoại ngữ và tin học. Việc này gây áp lực không cần thiết khi mà năng lực chuyên môn của những giáo viên có bề dày kinh nghiệm này đã được khẳng định qua quá trình công tác.
Về vấn đề này, trong công văn gửi các tỉnh, thành ngày 15/8, Bộ GD&ĐT cho rằng đề xuất của giáo viên bỏ hình thức thi thăng hạng là có căn cứ. Bộ cũng cho biết đã bày tỏ quan điểm ủng hộ với đề xuất từ Bộ Nội vụ là sửa Nghị định số 115/2020/NĐ-CP theo hướng bỏ hình thức thi và giữ lại hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Tuy nhiên, trong khi Nghị định 115 chưa sửa thì Bộ GD&ĐT cho biết mình không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng và cũng không thể đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng.
Dự kiến có thêm 3 đại học vùng
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự kiến sẽ hình thành thêm ba đại học vùng ở Tây Nguyên, Đồng bằng Nam Bộ và phía Tây miền núi phía Bắc.
“Nhà quay 360 độ trong bể nước” tại Bắc Giang
BẮC GIANG – Ông Nguyễn Văn Lượng (SN 1957) ở tổ dân phố số 2, phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang (Bắc Giang) là chủ công trình “nhà quay trong bể nước”. Công trình này gây “sốt” cộng đồng mạng những ngày gần đây.
PV (tổng hợp)
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, bỏ thi thăng hạng viên chức, thi thăng hạng viên chức, viên chức giáo viên