Ngày 29/3, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị xúc tiến thu hút lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đồng chí Phan Thế Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang và đồng chí Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành liên quan của hai tỉnh và một số doanh nghiệp (DN) tuyển dụng lao động.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn thông tin những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 và những định hướng phát triển của tỉnh Bắc Giang. Đồng chí cho biết những năm qua, Bắc Giang đã phát huy tốt tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt 13,6%/năm, năm 2023 đạt 13,45%. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong nền kinh tế tăng từ 47% năm 2020 lên 58,8% năm 2023.
Tỉnh hiện có 9 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, cơ cấu ngành công nghiệp trên 60%, tỷ lệ lấp đầy trong các KCN đạt 76%; theo quy hoạch đến năm 2030 tỉnh có 29 KCN. Chủ trương của tỉnh là sắp xếp các đơn vị hành chính, tăng tỷ lệ đô thị hóa, phấn đấu Bắc Giang thành trung tâm công nghiệp xanh, bền vững, thu hút các DN công nghệ cao, công nhân làm việc trong môi trường hiện đại, thân thiện. Tỉnh định hướng tương lai sẽ trở thành trung tâm phát triển công nghệ bán dẫn. Đồng chí nhấn mạnh trong quá trình phát triển, tỉnh Bắc Giang đã nhận được sự đồng hành, ủng hộ, chia sẻ của các tỉnh, trong đó có tỉnh Hòa Bình.
Những năm qua, hoạt động thu hút đầu tư phát triển DN của tỉnh đạt kết quả tốt. Số DN không ngừng gia tăng, đến nay có trên 9.500 DN đang hoạt động, tạo công ăn việc làm cho trên 306.000 lao động. Lao động làm việc tại tỉnh Bắc Giang đến từ 30 tỉnh, thành phố, trong đó tỉnh Hòa Bình có gần 3.000 lao động.
Để người lao động tại các tỉnh, thành phố đến làm việc và gắn bó lâu dài với Bắc Giang, trong những năm qua, các cấp chính quyền cùng DN đã tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng nhà ở cho người lao động; có các chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non ở các KCN. Các DN trong KCN đã có khu ký túc xá có thể đáp ứng cho 30.000 cho người lao động; tại các huyện có KCN đã xây dựng gần 3.000 nhà trọ, với 48.186 phòng trọ có thể đáp ứng cho trên 90.000 lao động; toàn tỉnh đã triển khai 15 dự án nhà ở xã hội, sau khi hoàn thành sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở cho công nhân các khu, CCN trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, để công tác giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho công nhân, người lao động tại tỉnh Bắc Giang được thực hiện có hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động ở các tỉnh, thành phố có nhu cầu đến Bắc Giang làm việc, đảm bảo nguồn lao động cho các DN, tỉnh Bắc Giang mong muốn tỉnh Hòa Bình tăng cường hợp tác về nguồn lao động. Công tác tuyển dụng sẽ được các DN cùng các cơ quan chức năng của tỉnh đồng hành. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Hòa Bình quan tâm phối hợp, hỗ trợ với các sở, ngành của tỉnh Bắc Giang để tổ chức thành công hội nghị xúc tiến thu hút lao động; tăng cường tuyên truyền về nhu cầu tuyển lao động, điều kiện, chế độ đãi ngộ, số lượng cần tuyển dụng của các DN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến người dân, DN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Đồng chí khẳng định tỉnh Bắc Giang cam kết sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, DN tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện đầy đủ các quy định, chế độ đãi ngộ cho người lao động từ các tỉnh, thành phố và tỉnh Hòa Bình đến làm việc tại Bắc Giang để người lao động yên tâm làm việc gắn bó lâu dài với Bắc Giang.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn thông tin với Đoàn công tác tỉnh Bắc Giang về tình hình phát triển kinh tế – xã hội và thực trạng thị trường lao động của tỉnh.
Đồng chí cho biết hiện nay lực lượng lao động của tỉnh Hòa Bình khoảng trên 500.000 người. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 19.500 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61%. Hàng năm, số lao động bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm trên 10.000 người/năm, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN, hợp tác trên địa bàn tỉnh khoảng trên 4.000 lao động/năm. Số còn lại lao động tự tạo việc làm hoặc đi làm việc các tỉnh khác. Mỗi năm số lao động của tỉnh đi làm việc ngoài tỉnh dao động khoảng từ 9.000 – 10.000 lao động.
Xuất phát từ thực trạng lao động việc làm của tỉnh, trong những năm qua lao động của tỉnh Hòa Bình phối hợp cung ứng lao động, giới thiệu việc làm với các tỉnh có nhiều KCN, DN. Hiện nay, có khoảng 150.000 lao động của tỉnh Hòa Bình đang làm việc tại các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh tỉnh ngoài. Riêng tỉnh Bắc Giang có gần 3.000 lao động tỉnh Hòa Bình đang làm việc.
Để tăng cường xúc tiến thu hút lao động giữa hai tỉnh, đồng chí để nghị tỉnh Bắc Giang có các chính sách thu hút hỗ trợ người lao động tỉnh ngoài đến Bắc Giang làm việc trong đó có lao động của tỉnh Hòa Bình để người lao động gắn bó lâu dài với DN như hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội và ưu tiên trường hợp gắn bó lâu dài, có chính sách riêng đối với lao động có con nhỏ; chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp trong quá trình cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến người lao động làm việc tại tỉnh Bắc Giang. Đối với các DN của tỉnh quan tâm thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động; có chính sách nâng lương, hỗ trợ nhà ở; tiếp tục sử dụng lao động sau 40 tuổi trở lên với nữ và sau 45 tuổi trở lên đối với nam.
Buổi chiều cùng ngày, UBND hai tỉnh Bắc Giang và Hòa Bình tổ chức hội nghị xúc tiến thu hút lao động làm việc tại các DN tỉnh Bắc Giang. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với 10 điểm cầu các huyện, thành phố của tỉnh Hòa Bình.
Tại hội nghị, đại diện các DN: Công ty TNHH Dosung Vina, Công ty Cổ phần nhân lực AMA, Công ty TNHH Luxshare, Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thông tin về nhu cầu tuyển dụng, các chế độ, chính sách liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, hỗ trợ đi lại, nhà ở… của người lao động. Đồng thời, mong muốn đón nhận và có cơ chế hỗ trợ riêng để nhiều lao động của tỉnh Hòa Bình đến làm việc.
Liên quan đến các chế độ, chính sách, công tác tuyển dụng, hội nghị đã nghe các ý kiến trao đổi của các địa phương của tỉnh Hòa Bình, trong đó đề xuất cử cán bộ đầu mối để rà soát số liệu, đánh giá, dự báo lao động, định kỳ cung cấp thông tin về lao động đang làm việc tại tỉnh Bắc Giang; đề nghị các DN tỉnh Bắc Giang có các chính sách đãi ngộ đối với lao động của tỉnh; phối hợp tốt hơn trong công tác đào tạo nghề cho người lao động; tăng cường phối hợp giữa hai tỉnh, hai Trung tâm dịch vụ việc làm, tạo đột phá trong công tác thu hút, đào tạo, tuyển dụng lao động./.
Hải Huyền