Chiều 16/01, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn đi thăm, kiểm tra thực tế thị trường hàng hóa thương mại thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh. Cùng đi có đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Văn phòng UBND tỉnh và Cục Quản lý thị trường tỉnh.
Theo Sở Công Thương, dự báo sức mua hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng khoảng 2-5% so với Tết Quý Mão năm 2023. Để phục vụ nhu cầu của người dân, tổng giá trị hàng hóa cung ứng phục vụ Tết trên địa bàn tỉnh ước tính đạt hơn 4.200 tỷ đồng.
Đại diện siêu thị Go! Bắc Giang (TP Bắc Giang) cho biết, để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2024, siêu thị chủ động tăng số lượng mặt hàng Tết lên 20-30% với tổng số kinh phí khoảng 140 tỷ đồng. Thời điểm kiểm tra, giá cả tương đối ổn định, các sản phẩm được niêm yết giá công khai, rõ ràng. Sức mua của người dân hiện đang tương đương sức mua cùng kỳ Tết năm ngoái, dự kiến dịp giáp Tết sẽ tăng nhẹ so với ngày thường.
Tại siêu thị Co.opmart Bắc Giang (TP Bắc Giang), đơn vị hiện đang có hơn 30.000 mặt hàng các loại bao gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, may mặc và đồ dùng gia đình với cơ cấu hàng Việt đạt trên 95%. Với tổng kinh phí dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 là hơn 20 tỷ đồng, đơn vị đã tăng số lượng mặt hàng thời vụ Tết lên hơn 1.000 mặt hàng, tăng 25% so với Tết năm ngoái.
Là một trong những doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng lớn trong tỉnh, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tiến Thành (TP Bắc Giang) dành 255 tỷ đồng dự trữ cho 1.835 mặt hàng bao gồm các mặt hàng kinh doanh dịp Tết như: Bánh kẹo; rượu, bia, nước ngọt; dầu ăn, gia vị các loại và các loại hàng hóa khác…
Tại các nơi đến kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn ghi nhận nỗ lực của các ngành chức năng, các doanh nghiệp trong công tác chuẩn bị hàng hóa, bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán.
Đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thông tin đầy đủ, kịp thời về giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu đến người tiêu dùng trong dịp Tết.
Chủ động thông tin phối hợp, kiểm soát, theo dõi sát diễn biến thị trường, về cung cầu hàng hóa, tình hình giá cả thị trường. Có kế hoạch cụ thể dự báo về việc thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; định hướng cho các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân như: Thịt gia súc, gia cầm, gạo nếp, dầu ăn, đường, gia vị, bánh kẹo, mứt, nước giải khát các loại…
Nhận định thị trường hàng hóa những ngày tới sẽ rất sôi động do sức mua tăng cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại tích cực tham gia các chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh. Đa dạng hình thức kinh doanh, mở rộng mạng lưới, tổ chức các điểm bán hàng tự chọn, bán hàng một giá, đóng túi quà… và tổ chức bán hàng đến các khu dân cư, khu, cụm công nghiệp theo phương thức phù hợp. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng để phân phối, tiêu thụ sản phẩm./.
Thảo My