BẮC GIANG – Năm 2017, xã Phúc Sơn (Tân Yên) về đích nông thôn mới (NTM). Với tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn hỗ trợ, năm 2022, xã đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao. Từ xã thuần nông nghèo, Phúc Sơn đã khai thác hiệu quả các tiềm năng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ (TMDV) và du lịch.
Nhiều mốc son mới
Về xã Phúc Sơn, đi trên những con đường thảm nhựa, bê tông rộng rãi, nhìn ngắm xóm làng trù mật xen những công trình vừa xây dựng khang trang mới thấy diện mạo vùng quê này đổi thay. Anh Nguyễn Văn Đinh, thôn Lý Cốt chia sẻ: “Từ ngày các trường học trong xã được xây mới, con em chúng tôi vui hơn mỗi khi đến lớp, kết quả học tập của các cháu cũng khá hơn trước”. Còn nhớ, cách nay chưa xa, đến Phúc Sơn phải qua những con đường gập ghềnh, bụi đỏ. Đồng ruộng chia nhỏ, manh mún với những giống cây trồng cho thu nhập thấp, cuộc sống của người dân bộn bề khó khăn.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng tại Hợp tác xã Dịch vụ công nghệ cao Lý Cốt. |
Ông Ngô Sỹ Lực (SN 1948), sinh ra và lớn lên ở thôn Mai Hoàng, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Yên nhớ lại: “Là xã nghèo nên nhiều năm trước, Phúc Sơn thường đứng cuối bảng xếp hạng thi đua trong huyện. Nay được Nhà nước quan tâm đầu tư, cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân chung tay góp sức, Phúc Sơn có nhiều đổi thay: Diện mạo nông thôn khang trang, sạch, đẹp; đời sống người dân ngày một nâng cao; 100% đường giao thông nông thôn được cứng hóa nên bà con rất phấn khởi, tự hào về quê hương của mình”.
Xã Phúc Sơn có diện tích tự nhiên 5,78 km2, cách trung tâm huyện Tân Yên 15 km, cách TP Bắc Giang 30 km. Xã có 11 thôn với 1.588 hộ, hơn 6 nghìn nhân khẩu; có 16 chi bộ với 250 đảng viên. Năm 2020, Đảng bộ và nhân xã Phúc Sơn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2017 và 2021). Từ năm 2014 đến 2022, Đảng bộ xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được UBND tỉnh tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua. |
Theo lãnh đạo UBND xã Phúc Sơn, để có bước phát triển KT-XH toàn diện, từ Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2010-2015), Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo thực hiện tốt việc đồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu, vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
Cụ thể, xã xây dựng và duy trì 2 cánh đồng mẫu, 4 vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô 100 ha tại các thôn: Trám, Yên Lý, Tiền Sơn, Lý Cốt để sản xuất lúa chất lượng cao, ngô ngọt, khoai tây. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt từ 110-130 triệu đồng/ha/vụ. Xã xây dựng và nhân rộng 6 mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt (quy mô từ 3-8 nghìn m2/mô hình), giá trị sản xuất đạt từ 400-800 triệu đồng/mô hình/năm. Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2022 đạt 131,6 tỷ đồng.
Tiểu thủ công nghiệp và TMDV của xã từng bước phát triển, thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư về địa phương. Hiện trên địa bàn xã có 2 hợp tác xã, 9 DN đang hoạt động, hơn 80 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 267 cơ sở kinh doanh TMDV. Tổng giá trị sản xuất của các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh TMDV ước đạt hơn 70 tỷ đồng/năm. Qua đó góp phần để năm 2022 (thời điểm hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao), thu nhập bình quân của người dân Phúc Sơn đạt 48,6 triệu đồng/người/năm, tăng 18,8 triệu đồng so với năm 2017; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 5,39%…
Tăng tỷ trọng công nghiệp
Đi đôi với phát triển kinh tế, việc xây dựng hạ tầng NTM nâng cao được xã Phúc Sơn chú trọng. Ngay sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM, cùng với tự tạo nguồn lực, Phúc Sơn tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, T.Ư, các DN và đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi. Từ năm 2020 đến nay xã đã huy động được gần 100 tỷ đồng để xây dựng các công trình.
Phối cảnh KCN Phúc Sơn. |
Riêng năm 2022 huy động hơn 27,2 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 6 tỷ đồng. Có nguồn vốn, xã xây mới Trạm Y tế, 3 trường học (THCS, tiểu học, mầm non), nâng cấp hệ thống lưới điện, điện chiếu sáng, hệ thống giao thông,… góp phần kết nối giao thương, phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Những yếu tố đó giúp Phúc Sơn đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022.
Có được kết quả trên là do ngay sau khi đạt chuẩn xã NTM, Đảng ủy, HĐND xã ban hành Nghị quyết; UBND xã, MTTQ, các ngành, đoàn thể thường xuyên phát động phong trào thi đua, xây dựng các mô hình gắn với xây dựng xã NTM nâng cao qua các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM”, “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phúc Sơn chung tay xây dựng NTM”; xây dựng các mô hình: “Dân vận khéo”, “5 không, 3 sạch”; “Đoạn đường tự quản về vệ sinh môi trường”, “Thứ Bảy xanh, Chủ nhật sạch”,…
Không chỉ được hỗ trợ xây dựng NTM nâng cao, Phúc Sơn còn được tỉnh, huyện đầu tư nâng cấp và làm mới nhiều tuyến giao thông qua địa bàn như đường tỉnh 294, đường tỉnh 297. Hiện huyện Tân Yên đang xây dựng tuyến đường liên xã từ quốc lộ 17 (đoạn gần thị trấn Nhã Nam) đi xã Phúc Sơn. Vì vậy, dù ở cuối huyện nhưng hiện tại Phúc Sơn có hệ thống giao thông khá thuận tiện, kết nối với các địa phương trong và ngoài tỉnh, Thủ đô Hà Nội, các vùng kinh tế, văn hóa trọng điểm của vùng Đồng bằng trung du Bắc Bộ và khu vực Đông Bắc. Đây là điều kiện tốt để Phúc Sơn thu hút DN đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, TMDV và du lịch.
Đồng chí Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết, định hướng phát triển kinh tế của xã thời gian tới là tăng tỷ trọng phát triển công nghiệp, TMDV và du lịch tâm linh; giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp. Năm 2022, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt quy hoạch Khu công nghiệp (KCN) Phúc Sơn, diện tích 125 ha (đơn vị tư vấn đang khoan thăm dò địa chất KCN Phúc Sơn).
Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch Khu tâm linh – sinh thái Núi Đót với tổng diện tích hơn 27,6 ha. Xã đang phối hợp, quy hoạch chi tiết khu du lịch này để thu hút đầu tư xây dựng Đền thờ nữ tướng Dương Thị Giã (vị tướng tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng) và các công trình phụ trợ. Để phục vụ phát triển công nghiệp, Phúc Sơn đã quy hoạch và được cấp có thẩm quyền phê duyệt khu dân cư diện tích 3,5 ha tại thôn Đồng Mạ và Yên Lý; khu TMDV diện tích 5,5 ha tại thôn Yên Lý và Tiền Sơn với 1 trung tâm thương mại rộng 1,5 ha,…
Với định hướng phù hợp và nhận được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện, sự đồng thuận của người dân, Phúc Sơn đang chuyển mình, từng bước trở thành xã giàu mạnh.
Bài, ảnh: Thế Đại
Sôi động vùng ven khu công nghiệp
BẮC GIANG – Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp (DN) tại khu công nghiệp (KCN) thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động thì nay đang hồi phục, bứt phá mạnh mẽ. Lao động làm việc tại KCN ngày càng đông, đạt cao hơn so với trước dịch, giúp cho vùng ven KCN nhộn nhịp trở lại.
tin tức bắc giang, bắc giang, Phát triển công nghiệp, Hướng đi mới, Phúc Sơn, thương mại dịch vụ, xây dựng hạ tầng, vệ sinh môi trường, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp