BẮC GIANG – Bày tỏ sự đồng tình với loạt bài: “Đảng viên hưu trí, ý chí ở đâu?”, nhiều bạn đọc, trong đó có không ít đảng viên hưu trí với tư cách người trong cuộc đã gửi thư, gọi điện thoại đóng góp ý kiến đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm tiếp tục phát huy vai trò của đảng viên hưu trí. Báo Bắc Giang trích đăng một số ý kiến.
CCB Nguyễn Hải Phần, Tổ dân phố Thượng, thị trấn Tân An (Yên Dũng): Không nghỉ sinh hoạt Đảng vì thấy ý nghĩa
Những người lính thế hệ chúng tôi đã qua suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có mặt ở nhiều chiến trường. Thời chiến tranh, để được kết nạp Đảng chúng tôi phải trải qua nhiều thử thách, phải chứng minh được bản lĩnh chính trị, năng lực, nhiệt huyết của bản thân.
Tôi nhớ ngày 2/9/1972, khi đang chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, tôi được kết nạp vào Đảng. Xúc động lắm! Vào thời khắc đó, tôi cảm thấy mình như lớn thêm lên, rất vinh dự, tự hào nhưng cũng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của một người đảng viên là cống hiến suốt đời.
Tôi năm nay 76 tuổi đời, 52 tuổi Đảng, mừng là trời cho sức khoẻ, chưa đau lâu ốm dài. Tôi vẫn đều đặn tham gia sinh hoạt chi bộ hằng tháng mặc dù tôi thuộc diện được miễn. Đảng phát cho mỗi đồng chí một quyển sổ tay học tập, công tác đóng bìa đỏ, chữ vàng là đều có mục đích, thừa thế nào được. Đi sinh hoạt tôi luôn mang theo cuốn sổ này để ghi chép đầy đủ nội dung sinh hoạt từng tháng.
Mục đích họp chi bộ là để làm sáng tỏ những vấn đề còn băn khoăn. Nếu không họp, tôi làm sao biết được chủ trương của Đảng là mở rộng quan hệ với các nước, khuyến khích người dân đi xuất khẩu lao động. Ra nước ngoài làm việc, muốn có thu nhập cao thì chí ít cũng phải học hết bậc THPT. Sau này gia đình tôi có 5 người đi xuất khẩu lao động. Nếu không sinh hoạt chi bộ tôi cũng không biết được Công ty TNHH Unico Global VN (doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất hàng may mặc xuất khẩu) xây dựng nhà máy tại quê tôi để tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân đồng thuận, bàn giao đất ruộng triển khai cho dự án…
Từ những chủ trương này của Đảng nay đã thấy rõ hiệu quả. Đời sống người dân quê tôi được nâng lên rõ rệt, hộ khá giàu sắm ô tô ngày càng nhiều. Con em đi nước ngoài gửi tiền về làm đường, xây dựng quần thể văn hoá thôn. Hay như họp chi bộ, biết có đoàn viên bồi dưỡng 2 năm nhưng chưa được kết nạp đã nản chí, tôi động viên cháu đừng nóng vội “Bác đây thử thách đến 6 năm mới được kết nạp cơ mà”.
Bà Đỗ Thị Hoài Mơ, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố Thanh Xuân, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam): Cống hiến hết mình với tinh thần trách nhiệm cao
Tôi nghỉ hưu cuối năm 2009, về địa phương tham gia cấp ủy năm 2010. Là phụ nữ, đảm nhận vai trò Bí thư chi bộ tổ dân phố Thanh Xuân từ năm 2015 (đến nay là 3 khóa liên tiếp), tôi thấy đây là trách nhiệm lớn nhưng cũng vinh dự, tự hào. Tôi chỉ nghĩ đơn giản mình là đảng viên, khi người dân đã tin tưởng, đặt niềm tin vào mình, làm được gì có lợi cho dân thì mình cố gắng làm dù là điều nhỏ nhất.
Chi bộ chúng tôi có 92 đảng viên, trong đó có 73 cán bộ hưu trí từng công tác ở nhiều lĩnh vực và giữ chức vụ khác nhau, có thâm niên tuổi Đảng. Người cao tuổi Đảng nhất là 75 năm, thấp nhất là 4 tháng. Để phát huy vai trò của đảng viên hưu trí, trong sinh hoạt chi bộ, là người chủ trì, tôi bám sát các quy định của Đảng. Đơn giản như khi điểm danh phải làm rõ ai có mặt, ai vắng, vắng có lý do hay không, nguyên nhân; nếu đi muộn cần nhắc nhở và có biện pháp chấn chỉnh, không nên xuê xoa, vị nể mà xem nhẹ kỷ cương.
Việc đóng đảng phí cũng vậy, từng đảng viên phải thực hiện nghĩa vụ này và trực tiếp ký tên vào sổ thu đảng phí; không nên vì hay “quên” mà không ai nhắc. Tôi luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đảng viên và nghiên cứu, chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Duy trì sinh hoạt chuyên đề “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tôi dành thời gian đọc, sưu tầm những mẩu chuyện gần gũi về Bác rồi kể tại Chi bộ. Nhờ vậy mỗi cuộc họp hàng tháng là dịp để các đảng viên gặp gỡ, tâm tình vui vẻ. Qua đó đóng góp, chia sẻ, tiếp tục cống hiến trí tuệ, kinh nghiệm cho Đảng, cho phong trào của tổ dân phố.
Trong cuộc sống, tôi hay đi gặp gỡ các bác đảng viên hưu để nghe kể chuyện; nắm tình hình tổ dân phố, suy nghĩ, hoạch định cụ thể cho từng công việc để tới kỳ sinh hoạt cấp ủy, chi bộ tiếp theo đưa ra bàn thảo. Tôi nghĩ rằng, muốn người dân tin tưởng làm theo thì bản thân phải gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động; quy tụ sự đoàn kết, thống nhất trong chi bộ, sự đồng thuận trong nhân dân. Tôi cũng quan tâm khơi gợi để phát huy sở trường, năng lực của các đảng viên hưu trí.
Chẳng hạn như bác này thời còn công tác làm ở lĩnh vực xây dựng Đảng, tôi tâm sự những suy nghĩ của mình để tham khảo ý kiến rồi đưa ra tập thể bàn bạc. Bác này đam mê văn nghệ, tôi động viên bác phụ trách phong trào văn hóa, văn nghệ ở khu phố hoặc phụ trách tổ liên gia tự quản. Bác kia thích thể thao tôi hướng bác phụ trách mảng thể thao, nhất là môn bóng chuyền hơi, cờ tướng. Tôi cũng khuấy động phong trào tập dưỡng sinh, bóng chuyền hơi bằng cách bản thân đều đặn tham gia tập luyện mỗi buổi tối. Mặc dù không biết khiêu vũ nhưng khi nào câu lạc bộ tập, giao lưu là tôi có mặt động viên, cổ vũ nhiệt tình .
Ông Nguyễn Tuấn Anh, quận Ba Đình (Hà Nội): Đảng viên cao tuổi phải nêu gương, dìu dắt lớp trẻ
Chúng ta đều biết, mỗi đảng viên khi tuyên thệ dưới cờ Đảng đều hứa suốt đời phấn đấu, hy sinh, vì lý tưởng của Đảng, vì sự nghiệp cách mạng, vì Tổ quốc, vì nhân dân. Ngày nay, nhiều đồng chí đảng viên đã nghỉ hưu ở nước ta nói chung cũng như ở tỉnh Bắc Giang nói riêng vẫn ra sức cống hiến trí tuệ, sức lực, tài sản và tâm huyết “vì dân, vì nước” như Báo Bắc Giang đã nêu trong loạt bài “Đảng viên hưu trí, ý chí ở đâu?” là hết sức đáng biểu dương, trân trọng.
Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra mà Báo Bắc Giang đã chỉ ra. Đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, khi nghỉ hưu quan niệm rằng “lão giả an tri”, khi đã nghỉ hưu là hoàn thành nhiệm vụ, được quyền xả hơi, không mặn mà với nhiệm vụ của người đảng viên cũng như trách nhiệm công dân, không mặn mà với tổ chức đảng cũng như sinh hoạt đảng ngay từ cơ sở. Thực tế, họ đang đánh mất vai trò của người đảng viên. Hay cũng có thể nói đây là một biểu hiện của sự phai nhạt lý tưởng. Cá biệt, còn một số đảng viên đã có nhiều cống hiến khi công tác nhưng đến khi nghỉ hưu thì suy thoái về tư tưởng, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Họ đã có những hành động, lời nói, phát ngôn đi ngược lại với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương.
Sinh thời, Bác Hồ từng nhiều lần nhắc nhở: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Tháng 12/1961, nhân dịp về thăm quê Nghệ An lần thứ hai, khi nói chuyện với nhân dân, cán bộ xã Nam Liên, Người đã nhắc đến vai trò của các đồng chí cán bộ, đảng viên cao tuổi: “Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế đòi hỏi đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa”.
Hay như ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, ngày 20/9/1945, Bác Hồ đã gửi thư cho các cụ phụ lão ở Hà Nội. Bức thư có đoạn viết: “Con cháu ta, thanh niên thì gánh việc nặng, chúng ta già cả không làm được công việc nặng nề thì khua gậy đi trước, để khuyến khích thanh niên và san sẻ những kinh nghiệm của chúng ta cho họ. Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta theo.”
Như vậy, ở mỗi độ tuổi, mỗi giai đoạn cách mạng, người đảng viên nào cũng có thể phát huy được vai trò của mình. Với đảng viên hưu trí, tôi suy nghĩ rằng bằng uy tín, kinh nghiệm, kiến thức đúc rút được trong suốt quá trình công tác của mình, các đồng chí sẽ tiếp tục là tấm gương dìu dắt, là chỗ dựa vững chắc cho đội ngũ đảng viên trẻ học tập, noi theo.
Nhóm PV Xây dựng Đảng
Đảng viên hưu trí, ý chí ở đâu?: Bài 4 – Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đảng viên hưu trí
BẮC GIANG – Đảng viên hưu trí là những người đã kinh qua nhiều môi trường công tác, có trí tuệ, uy tín và kinh nghiệm. Để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ này đòi hỏi người đảng viên phải khép mình vào kỷ luật, không được thoả mãn, buông xuôi. Cấp ủy, chi bộ cần đổi mới phương pháp tập hợp đảng viên, có hình thức sinh hoạt phù hợp, tạo môi trường cho đảng viên được đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật Đảng.
Đảng viên hưu trí, ý chí ở đâu?: Bài 2 – Phải chăng nghỉ hưu là hoàn thành nhiệm vụ ?
BẮC GIANG – Trong khi nhiều đảng viên hưu trí thể hiện rõ trách nhiệm trước Đảng, trước dân thì vẫn còn không ít người quan niệm đã nghỉ hưu là hoàn thành nhiệm vụ, phải nghỉ ngơi, “xả hơi” nên không cần thiết phải sinh hoạt Đảng, nếu có chỉ cần “đánh trống ghi tên” là xong. Thực chất đây là biểu hiện của sự thoái thác trách nhiệm, mất ý chí phấn đấu, tự đánh mất vai trò của người đảng viên cộng sản.
tin tức bắc giang, bắc giang, Tiếng nói người trong cuộc, Báo Bắc Giang, sinh hoạt Đảng, người đảng viên, họp chi bộ, đảng viên hưu trí, kết nạp vào Đảng, sự nghiệp cách mạng