BẮC GIANG – Cách đây chưa xa, Núi Hiểu vẫn là thôn thuần nông nghèo của xã Quang Châu nằm cuối huyện Việt Yên (Bắc Giang), giao thương khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Được Nhà nước đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn và hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (NTM), Núi Hiểu đã vươn mình trở thành phố thị sầm uất.
Diện mạo mới, cuộc sống mới
Từ cao tốc Hà Nội – Bắc Giang nhìn vào, thôn Núi Hiểu về đêm như một hòn ngọc, được tạo nên từ hàng trăm biển hiệu trên nóc nhà cao tầng sừng sững lung linh ánh điện. Dưới lòng đường tấp nập người, xe. Xung quanh được bao bọc bởi nhiều nhà máy trong Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu. Trong các con ngõ, đường thôn, hàng trăm cửa hàng dịch vụ mọc lên san sát, từ cửa hàng tạp hóa, hoa quả, quần áo, giày dép đến dịch vụ làm đẹp, nhà hàng ăn uống, tiệm vàng bạc đá quý, khách sạn, trung tâm thương mại, giải trí… hoạt động suốt ngày đêm. Giao thông dẫn đến Núi Hiểu rất thuận tiện, ngoài đường gom cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, Núi Hiểu còn có nhiều đường nhánh, ngõ, xóm đổ bê tông hoặc trải nhựa áp phan rộng rãi nối với các KCN gần đó, vươn sang TP Bắc Ninh.
Tổ dân phố Núi Hiểu nhìn từ trên cao. |
Ngay đầu thôn là chợ Núi Hiểu vừa được huyện Việt Yên đầu tư 4,5 tỷ đồng xây mới. Khu trung tâm thôn có nhà văn hóa rộng hàng trăm m2 khang trang, đủ chỗ cho hơn 400 người ngồi. Trên tường nhà treo đủ loại Bằng khen, Giấy khen, ghi nhận những thành tích trên các mặt hoạt động mà người dân và Ban quản lý thôn đạt được những năm qua. Gần đó là sân vận động, khu thể thao với nhiều dụng cụ tập thể dục ngoài trời. Sáng sớm và chiều tối khu này lại rộn tiếng cười của người dân và công nhân lưu trú trên địa bàn đến chơi các môn thể thao như: Bóng chuyền hơi, bóng đá, thể dục dưỡng sinh. Mỗi tuần 2 buổi, nhà văn hóa thôn lại rộn tiếng đàn ca với những làn điệu quan họ mượt mà do các thành viên Câu lạc bộ Quan họ thôn Núi Hiểu tập luyện…
Những năm trước, đồng đất Núi Hiểu chỉ trồng một vụ chiêm. Nghe theo chính quyền địa phương, từ năm 1971, bà con trong thôn trồng thêm vụ mùa. Thế nhưng đúng năm ấy lại gặp lụt lớn, mùa màng mất trắng, dân đã thiếu ăn lại càng cơ cực… Ơn Đảng, ơn Chính phủ vì đã đưa công nghiệp về đây. Nhờ phát triển công nghiệp, làng quê tôi mới khang trang, sầm uất như hôm nay”. |
Vì ở gần nhiều KCN lớn của tỉnh nên các loại hình dịch vụ ở đây phát triển mạnh, nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống. Theo chân Trưởng thôn Núi Hiểu Hoàng Công Huy, chúng tôi ghé thăm hộ bà Hoàng Thị In (SN 1946). Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà In vẫn nhớ những ngày tháng khó khăn mà gia đình bà và người dân Núi Hiểu từng trải qua. Bà In kể, những năm 60, 70 của thế kỷ trước, Núi Hiểu là vùng chiêm trũng, chỉ cấy được 1 vụ/năm, thóc không đủ ăn.
Để có thêm nguồn thu, bà con trồng thêm rau màu, khoai, dưa… nhưng do kỹ thuật canh tác lạc hậu nên năng suất cây trồng thấp, thu nhập chẳng đáng là bao. Vì thế, người trong thôn phải gom cả rạ lúa đi bán đổi lấy củ khoai, củ sắn nuôi nhau. Khi thành lập KCN Quang Châu, người dân Núi Hiểu nhường lại toàn bộ đất nông nghiệp của mình để phục vụ phát triển công nghiệp. Từ những nông dân chỉ biết cày bừa, lớp trẻ trong thôn trở thành công nhân trong những nhà máy, công xưởng. Lớp người cao tuổi trở thành tiểu thương, làm nghề phụ hoặc mở dịch vụ lưu trú phục vụ công nhân.
Do lượng công nhân làm việc tại KCN Quang Châu và các KCN lân cận đến Núi Hiểu ở trọ ngày càng đông, từ vài phòng ban đầu, năm 2019, gia đình bà In đã vay thêm ngân hàng 4,5 tỷ đồng xây dựng 150 phòng trọ. Công việc kinh doanh thuận lợi, nay gia đình bà đã trả xong vốn vay. Học tập bà In, 6 người con của bà cũng mở dịch vụ phòng trọ, đến nay kinh tế đều khấm khá.
Bà In bê đĩa táo ngọt mời khách, nói trong niềm vui: “Những năm trước, đồng đất Núi Hiểu chỉ trồng một vụ chiêm. Nghe theo chính quyền địa phương, từ năm 1971, bà con trong thôn trồng thêm vụ mùa. Thế nhưng đúng năm ấy lại gặp lụt lớn, mùa màng mất trắng, dân đã thiếu ăn lại càng cơ cực… Ơn Đảng, ơn Chính phủ vì đã đưa công nghiệp về đây. Nhờ phát triển công nghiệp, làng quê tôi mới khang trang, sầm uất như hôm nay”.
Trở thành phố thị
Năm 2006, Chính phủ đồng ý thành lập KCN Quang Châu, khi đó cả thôn mới có hơn 110 hộ với 450 nhân khẩu. Nay Núi Hiểu có gần 220 hộ, 900 nhân khẩu, 80% số hộ trong thôn có nhà trọ với tổng số 5,5 nghìn phòng. Hộ nhiều nhất có gần 200 phòng. Hàng chục hộ có nhà trọ khép kín, xây cao đến 8 tầng. Thời điểm người lao động đến Núi Hiểu lưu trú đông nhất khoảng 8,5 nghìn người. Chỉ tính tiền cho thuê phòng trọ, các hộ trong thôn thu về hơn 11 tỷ đồng/năm.
Nhờ lượng lớn công nhân đến ở mà thương mại, dịch vụ cũng phát triển theo. Thôn có hơn 200 cửa hàng cố định (chưa kể các nhà hàng, khách sạn do người nơi khác đến đầu tư) và hàng chục quầy lưu động của tiểu thương từ các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên… mang đủ loại hàng hóa tiêu dùng đến bán. Chị Hoàng Thị Tâm, chủ cửa hàng tạp hóa tự chọn Thùy Dương chia sẻ, sau gần 10 năm kinh doanh, nay chị đã mua được đất, xây nhà mới khang trang, tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Tài Hải, Chủ tịch UBND xã Quang Châu thông tin, giai đoạn 2021-2023, huyện Việt Yên và xã Quang Châu đã đầu tư hơn 28,3 tỷ đồng hỗ trợ thôn Núi Hiểu hoàn thiện hạ tầng thương mại, đường giao thông, hệ thống đèn chiếu sáng, các thiết chế văn hóa, góp phần giúp Quang Châu hoàn thiện các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu (năm 2023) và trở thành phường. Cùng với hỗ trợ của Nhà nước, người dân Núi Hiểu đã đóng góp hàng trăm m2 đất thổ cư, hàng trăm triệu đồng và nhiều ngày công lao động cùng chính quyền xây dựng hạ tầng NTM.
Người dân Núi Hiểu luôn đoàn kết, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Nhờ đó, các phong trào văn nghệ, thể thao, giáo dục, các tổ chức đoàn thể trong thôn đều tích cực hoạt động và đạt nhiều kết quả. Hàng chục con em trong thôn tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng. Hiện Núi Hiểu không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt hơn 120 triệu đồng/người/năm, cao hơn 40 triệu đồng so với bình quân chung của xã Quang Châu.
Ngày 18/1 vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên. Quang Châu trở thành phường và Núi Hiểu từ thôn trở thành tổ dân phố. Đây là bước chuyển quan trọng, giúp Núi Hiểu ngày càng phồn thịnh. Người dân Núi Hiểu đang tập trung thực hiện các phần việc để bắt nhịp với nếp sống đô thị, chung tay, góp sức làm đẹp đường phố, xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị. Đồng thời, duy trì những nét văn hóa truyền thống vốn có để quê hương thêm những mùa xuân mới tươi vui.
Bài, ảnh: Thế Đại
Chung sức vì làng quê xanh – sạch – đẹp
BẮC GIANG – Cùng với phát triển kinh tế, những năm gần đây, nhiều làng quê trong tỉnh tích cực trồng hoa, cây xanh, thu gom rác thải để giữ cho cảnh sắc, môi trường ngày càng sạch, đẹp. Nhờ vậy, bức tranh nông thôn thêm tươi sáng.
Góp sức cho làng quê thêm xanh
BẮC GIANG – Khác với hình ảnh của 7 – 8 năm về trước, gần đây, cảnh quan môi trường trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã phong quang, sạch sẽ. Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân đồng lòng và đặc biệt có sự đóng góp công sức của các hợp tác xã (HTX) môi trường.
Lan tỏa phong trào làm đẹp làng quê
(BGĐT)- Song hành với phát triển kinh tế, tại nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) đã nhận được sự chung sức của nhân dân trong xây dựng công trình, làm đẹp cảnh quan môi trường. Từ đó bức tranh nông thôn có nhiều đổi mới.
Góp sức xây dựng làng quê
(BGĐT) – Học và làm theo Bác, đảng viên, người dân thôn Thanh Sơn, xã Đông Phú (Lục Nam – Bắc Giang) luôn phát huy tinh thần đoàn kết, góp sức xây dựng làng quê ngày càng giàu đẹp.
Làng quê kiểu mẫu
(BGĐT) – Cuộc sống người dân khấm khá, thôn xóm khang trang, sạch, đẹp là nét nổi bật của những làng quê kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Bà con phấn khởi trước sự đổi thay, không khí đón xuân thêm rộn ràng.
tin tức bắc giang, bắc giang, Núi Hiểu, Làng lên phố, Câu lạc bộ Quan họ, thôn Núi Hiểu, văn hóa thôn, huyện Việt Yên, Khu công nghiệp