BẮC GIANG – Hiện nay, hầu hết các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú đều được yêu cầu thực hiện trực tuyến. Tuy nhiên, khi sử dụng hình thức này, nhiều người dân thấy phiền hà.
Lắm công đoạn, mất thời gian
Sử dụng dịch vụ công (DVC) trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC; tăng tính công khai, minh bạch. Trên lý thuyết như vậy song thực tế còn nhiều vướng mắc.
Cán bộ Công an thị trấn Nếnh (Việt Yên) hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công. |
Vừa qua, chị Nguyễn Thị T ở phường Trần Phú (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) nộp hồ sơ trực tuyến đăng ký thường trú cho con gái mới sinh. Chị đã chụp đầy đủ tờ khai, giấy đăng ký kết hôn (chứng minh mối quan hệ với chủ hộ), giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chứng minh về chỗ ở hợp pháp) kèm theo giấy khai sinh của con. Tệp tài liệu được gom lại, đính kèm gửi tới Cổng dịch vụ công (CDVC). Tuy nhiên hôm sau, chị nhận được thông tin hồ sơ bị trả về. Qua trao đổi với cán bộ Công an phường, chị T biết hồ sơ của mình không hiển thị trên hệ thống.
Theo chị T, trước đây, chỉ cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, đi vài bước đến Công an phường, khai thêm thông tin là có thể nộp trực tiếp và chờ lấy kết quả. Nhưng hiện nay, khi làm trực tuyến, các công dân lại mất thêm công đoạn gọi điện hỏi, chỉnh sửa hồ sơ đến năm lần bảy lượt, rồi lại chờ nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở Công an phường. Hiện không có mẫu hoặc không có hướng dẫn trực quan nên với những người trẻ thao tác đã khó, người có tuổi, không thành thạo dùng Internet còn khó hơn.
Thuê trọ ở thị trấn Nếnh (Việt Yên), anh Hà Xuân H quê ở huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ và chị Nguyễn Thị Ch quê ở tỉnh Yên Bái vừa được công an viên tổ dân phố My Điền 1 hướng dẫn thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú trên CDVC. Dù vậy, anh H khai sai thông tin nhiều lần với các lỗi như: Sai tên người khai, sai chủ hộ, sai số căn cước công dân (CCCD) của chủ hộ … Còn chị Ch, do dùng số điện thoại không chính chủ nên không thể đăng ký tài khoản DVC. Bởi thế, cả hai người và nhiều công nhân thuê trọ ở đây đều phải nhờ công an viên hỗ trợ nộp hồ sơ đăng ký tạm trú trực tuyến.
Ông Phùng Minh Thống, công an viên tổ dân phố My Điền 1 nói: “Việc nộp hồ sơ trực tuyến đòi hỏi phải điền địa chỉ nhà, thôn, xóm chính xác từng chi tiết, kể cả dấu chấm, phẩy hoặc viết hoa trùng khớp với hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư; hình ảnh CCCD, tờ khai kèm theo cần bảo đảm đủ độ phân giải, hệ thống máy tính, điện thoại phải có kết nối mạng tốt. Vì vậy nhiều công nhân mất thời gian, phải làm đi làm lại nhiều lần khi nộp hồ sơ trực tuyến”.
Cần có hướng dẫn cụ thể
Qua khảo sát, số lượng hồ sơ mà công dân có thể tự thao tác hoàn chỉnh từ đầu đến cuối và nộp trực tuyến chỉ là con số rất khiêm tốn. Theo Thiếu tá Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó trưởng Công an phường Trần Phú, từ đầu năm đến nay, phường Trần Phú tiếp nhận 154 hồ sơ trực tuyến đăng ký thường trú; 228 hồ sơ xin xác nhận thông tin nơi cư trú; 34 hồ sơ điều chỉnh thông tin cư trú…
6 tháng đầu năm 2023, Công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 148.979 hồ sơ đăng ký cư trú. Trong đó, đăng ký thường trú là 48.409 hồ sơ (đăng ký qua CDVC 46.517 hồ sơ, đạt 96,1%); đăng ký tạm trú là 25.843 hồ sơ (đăng ký qua CDVC 25.815 hồ sơ, đạt 99,9%)… Với kết quả này, Bắc Giang đứng thứ 3 toàn quốc về tỷ lệ giải quyết TTHC trực tuyến trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú. |
Hầu hết các hồ sơ trực tuyến đều được cán bộ Công an phường hỗ trợ, hướng dẫn nhiều lần, thậm chí là thao tác giúp đến 90%. Số hồ sơ công dân có thể thực hiện toàn bộ các bước chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là các trường hợp thường xuyên thực hiện TTHC.
Đại diện Công an tỉnh cũng nhận định có trường hợp chưa rõ quy trình khai các giấy tờ, thủ tục dẫn đến nộp hồ sơ trực tuyến bị lỗi nhiều lần; khai không đúng dữ liệu trường thông tin trong mẫu khiến hồ sơ không khớp với thông tin được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu dân cư về quốc gia. Một số người cao tuổi không am hiểu công nghệ, không có sim chính chủ nên không thể đăng ký tài khoản DVC. Ngoài ra, hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư chưa đồng bộ hoàn toàn với CDVC nên thông tin công dân chưa được cập nhật, bổ sung đầy đủ.
Nhằm gỡ khó cho công dân, Tổ công tác Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Bắc Giang (gọi tắt là Đề án 06) vừa có văn bản gửi các đơn vị: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh. Theo đó, Tổ đề nghị các DN trên địa bàn tỉnh khi tuyển dụng lao động không yêu cầu công dân nộp giấy xác nhận cư trú. Thay vào đó, cần sử dụng thẻ CCCD gắn chíp để xác minh thông tin cá nhân, nơi thường trú; khai thác sử dụng thông tin cư trú qua tài khoản VNeID mức độ 2.
Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Chi, Phó giám đốc Nhân sự Công ty TNHH New Wing Technology Bắc Giang cho hay, ngay sau khi nhận được văn bản, Công ty chỉ yêu cầu công nhân nộp CCCD. Từ nay đến cuối năm, Công ty dự kiến tuyển hơn 10 nghìn lao động. TTHC đơn giản hơn, việc thu hút lao động dễ dàng hơn.
Thượng tá Ngô Văn Kiên, Phó trưởng Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) nói: “Thời gian qua, chúng tôi đã kiến nghị Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) về các vấn đề mà công dân phản ánh khi thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến. Đồng thời đề xuất Cục nghiên cứu, khắc phục những bất cập về đường truyền hệ thống, đồng bộ dữ liệu sang CDVC thường xuyên, bảo đảm thông tin công dân được cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời”.
Để thực hiện mục tiêu “xây dựng nền tảng môi trường số với công dân số” theo Đề án 06, ngành Công an cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống dữ liệu, bảo đảm đường truyền thông suốt, xây dựng quy trình kê khai thông tin trực tuyến về cư trú đơn giản, thuận lợi. Các cấp, ngành, đoàn thể tích cực phổ biến, hướng dẫn người dân hiểu và sử dụng thành thạo các thủ tục trực tuyến.
Bài, ảnh: Tuyết Mai
Bắc Giang: Tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập qua dịch vụ công trực tuyến cao thứ hai toàn quốc
(BGĐT) – Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 1.037 doanh nghiệp (DN), chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, gần 100% hồ sơ đăng ký thành lập DN thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia. Nhờ vậy, Bắc Giang là địa phương có tỷ lệ hồ sơ đăng ký thành lập DN thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến đứng thứ 2 toàn quốc.
Tăng cường quản lý cư trú và hoạt động của người nước ngoài
(BGĐT) – Tình hình người nước ngoài nhập cảnh, cư trú, hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tăng mạnh trong những năm gần đây. Điều này đòi hỏi lực lượng quản lý xuất cảnh và các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp tuyên truyền, rà soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
hồ sơ cư trú trực tuyến, công dân, thủ tục hành chính, quản lý cư trú, trực tuyến, cư trú, hồ sơ, Bắc Giang, tin tức Bắc Giang