BẮC GIANG – Xã Phúc Hòa (Tân Yên) không chỉ nổi tiếng về vải thiều sớm, nơi đây còn là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nâng cao. Đây là kết quả của sự cố gắng phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã, làm nức lòng những người dân quê hương.
Biến hạn chế thành thế mạnh
Là xã thuần nông nhưng sản xuất nông nghiệp của Phúc Hòa lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước thiên nhiên; địa hình đa số là đồi núi thấp, ruộng bậc thang… Tưởng chừng đó là những khó khăn, cản trở sự phát triển, nhưng nhờ chủ trương đúng, cùng với sự thông minh, sáng tạo, cần cù của người dân, địa phương đã biến những hạn chế này thành thế mạnh. Cây lúa bao đời gắn bó với người nông dân thì nay ở Phúc Hòa hầu như không còn, thay vào đó là cây ăn quả gồm: Vải thiều sớm, ổi lê, bưởi đào đường với tổng diện tích gần 900 ha.
Người dân xã Phúc Hòa thu hoạch vải thiều. Ảnh: VƯƠNG LÂM. |
Ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trước đây, vải thiều và ổi chưa được trồng theo quy hoạch, chỉ phân tán, nhỏ lẻ, không có sự đầu tư về kỹ thuật. Nay xã đã xây dựng thành các vùng, khu vực tập trung. Đặc biệt toàn xã có 3 mã số vùng sản xuất vải thiều sớm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với diện tích trên 600 ha, bảo đảm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU. Những năm qua, sản phẩm vải thiều sớm Phúc Hòa đã nổi tiếng cả nước, được công nhận là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Mỗi năm riêng vải thiều đem lại nguồn thu gần 250 tỷ đồng cho bà con”.
Không chỉ nổi tiếng về vải thiều sớm, Phúc Hòa còn có những trang trại ổi, cây ăn quả khác. Diện tích ổi lê hiện có 69 ha. Ổi trồng ở đây cây nào cây nấy thấp lè tè nhưng trĩu quả, giòn, ngon ngọt nhờ kỹ thuật chăm sóc của bà con. Phát huy lợi thế phát triển kinh tế vườn đồi, bà con cũng đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm quy mô gia trại, trang trại, có gia đình còn liên kết với công ty từ Hàn Quốc thường xuyên nuôi hàng trăm con lợn nái, hàng nghìn đầu lợn thịt.
Biến những vùng trũng xưa cấy lúa không ăn chắc, địa phương khuyến khích bà con quy hoạch thành những khu nuôi cá tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật, dùng hệ thống quạt nước, sục khí, phun mưa để tạo ô xy, sử dụng các loại chế phẩm sinh học ứng dụng trong phòng, chống dịch bệnh cho cá và giảm thấp nhất ô nhiễm môi trường… cho hiệu quả kinh tế cao.
Có thể nói sản xuất cây ăn quả của xã Phúc Hòa đã tạo ra sản phẩm quả chủ lực của xã, sản phẩm đặc trưng của huyện Tân Yên, đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng trong xây dựng NTM. Từ vải thiều, ổi, sản phẩm chăn nuôi dịch vụ tại địa phương cũng phát triển theo. Toàn xã có hơn 300 hộ làm dịch vụ, vận tải và kinh doanh tổng hợp, xây dựng. Thu nhập bình quân năm đạt 54,522 triệu đồng/người/năm, gấp gần hai lần so với năm 2016 (sau khi đạt chuẩn NTM). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 5%.
Nỗ lực nâng cấp các tiêu chí
Xã Phúc Hòa là địa phương sớm được công nhận chuẩn NTM (từ năm 2016). Đạt chuẩn rồi không có nghĩa là dừng lại, Đảng bộ, chính quyền đặt ra mục tiêu tiến thêm một bước mới cao hơn, tiếp tục hành trình “nâng cấp” các tiêu chí, quyết tâm xây dựng thành công NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân. Để thực hiện mục tiêu này, Đảng ủy, HĐND xã ban hành Nghị quyết; UBND xã, MTTQ và các ngành đoàn thể thường xuyên phát động các phong trào thi đua, xây dựng các mô hình gắn với xây dựng NTM nâng cao.
Một góc xã Phúc Hòa nhìn từ trên cao. |
Nhờ sự đồng thuận cao, thông suốt trong xây dựng NTM mà các cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM”, “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phúc Hòa chung tay xây dựng NTM; “Dân vận khéo”; “5 không, 3 sạch”, “Đoạn đường tự quản về vệ sinh môi trường”, “Ngày thứ Bảy xanh, Chủ nhật sạch”… đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Bà con đã tự nguyện góp công, góp của, hiến đất mở đường cho các công trình phục vụ cộng đồng.
Từ các phong trào này, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, các tiêu chí NTM nâng cao đều đạt và vượt. Đường trục thôn, ngõ xóm đâu đâu cũng được mở rộng, đổ bê tông, có biển báo, biển chỉ dẫn, đèn chiếu sáng, gờ giảm tốc, cảnh quan – môi trường xanh-sạch – đẹp. Thiết chế văn hoá đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giải trí của hơn 7.000 nhân khẩu trong xã. 11/11 thôn đều có sân vận động, điểm vui chơi, có lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời phục vụ luyện tập, nâng cao sức khoẻ. Trạm y tế, nhà văn hoá xã khang trang. Trường học 3 cấp đều đạt chuẩn quốc gia.
Trường THCS Phúc Hoà đạt chuẩn quốc gia. |
Xã có phòng thư viện trung tâm học tập cộng đồng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố. Đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao. Phúc Hòa còn được lựa chọn là xã điểm thực hiện mô hình chuyển đổi số cấp xã theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Điều này như một luồng gió mới để Phúc Hòa phấn đấu xây dựng mô hình xã thông minh trong những năm tiếp theo.
Hôm nay về Phúc Hòa, đi trên những tuyến đường bê tông rộng rãi trải dài từ đường lớn đến tận chân các vạt đồi, từng khu vườn, trang trại, ngắm nhìn những đồi vải thiều lúp xúp, những vườn ổi cây thấp lè tè nhưng trĩu quả, những ngôi nhà vườn mái xanh mái đỏ ẩn hiện trong tán cây xanh, ai nấy đều cảm nhận rõ vùng quê này đang đổi thay, giàu đẹp hơn, thanh bình hơn.
Hơn 90 năm tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, sống và chứng kiến quá trình phát triển đi lên của xã, ông Lương Văn Liễu ở thôn Đìa phấn khởi: “Chương trình xây dựng NTM đã đem lại quá nhiều đổi thay cho nhân dân. Đường làng ngõ xóm chỗ nào cũng rộng đẹp. Nhà giàu nhiều lắm, đếm sơ sơ riêng thôn tôi cũng có đến hơn hai chục xe ô tô đắt tiền. Bản thân tôi luôn ủng hộ phong trào NTM, thường xuyên vận động con cháu đóng góp tiền của, ngày công lao động để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Tuấn Minh
Tân Yên: Nâng cấp đồng bộ hạ tầng đón nhà đầu tư
BẮC GIANG – Huyện Tân Yên tiếp giáp TP Bắc Giang và các huyện phát triển công nghiệp, đô thị như: Việt Yên, Hiệp Hòa. Giao thông thuận lợi, quỹ đất rộng, nguồn lao động dồi dào là những lợi thế để địa phương tăng sức cạnh tranh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, phát triển công nghiệp.
Tân Yên: Tăng nguồn lực đầu tư trường, lớp học
(BGĐT) – Hai năm học vừa qua, huyện Tân Yên (Bắc Giang) huy động hơn 600 tỷ đồng từ ngân sách và xã hội hóa xây mới, tu sửa hàng chục công trình trường, lớp ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Xây dựng huyện Tân Yên trở thành vùng đất bình yên và phát triển
(BGĐT) – Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội trong bối cảnh KT – XH trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến đời sống nhân dân và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trước những khó khăn, thử thách đó, với sức mạnh đoàn kết cùng sự quyết tâm và khát vọng vươn lên, Tân Yên đã có bước phát triển mạnh mẽ.
Nông dân Tân Yên “trắng đêm” thu hoạch vải thiều
(BGĐT) – Huyện Tân Yên có 1,34
nghìn ha vải thiều, năm nay sản lượng quả đạt khoảng 17 nghìn tấn, trong đó diện
tích vải sớm 1,17 nghìn ha, sản lượng 15,5 nghìn tấn. Đến thời điểm này, huyện thu
hoạch khoảng 13 nghìn tấn quả, đạt hơn 80%.
tin tức bắc giang, bắc giang, nông thôn mới nâng cao, quê hương phúc hòa, sản xuất nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa, chăn nuôi gia cầm, vải thiều sớm, nhà văn hoá