Ni sư Thích Tâm Trí, trụ trì chùa Đại Ân tại Saitama, đã cưu mang hàng nghìn người Việt gặp khó khăn trong thảm họa động đất sóng thần năm 2011 và đại dịch ở Nhật Bản.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và ni sư Thích Tâm Trí (tháng 7/2019). |
Khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm chính thức Nhật Bản (từ ngày 27 – 30/11), ông đã có buổi gặp gỡ các trí thức đại diện nhiều thế hệ người Việt tại Nhật Bản, trong đó có ni sư Thích Tâm Trí, trụ trì chùa Đại Ân Honjo ở Saitama, người đã có nhiều hoạt động từ thiện, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật.
Là con út trong gia đình thuần nông nghèo khó có 9 anh chị em ở Ayunpa, tỉnh Gia Lai, Thích Tâm Trí, tên thật là Nguyễn Thị Dư, xuất gia tại chùa Bửu Tịnh từ khi 7 tuổi. Bà tu học tại TP Hồ Chí Minh (HCM), rồi theo học triết học Đông Phương tại Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP HCM.
Mối lương duyên với Nhật Bản bắt đầu khi bà gặp ân sư, hòa thượng Daichi năm 1998. Nghe hòa thượng Daichi giảng về văn hóa Phật giáo Nhật Bản, Tâm Trí dần tìm hiểu và nuôi dưỡng đam mê về nước này. Năm 2001, bà tới Nhật Bản du học, tốt nghiệp thủ khoa thạc sĩ triết học Ấn Độ ở Đại học Taisho 8 năm sau đó.
Năm 2011, khi bà đang tu tập tại chùa Nisshinkutsu ở Tokyo, nơi hòa thượng Daichi trụ trì, thảm họa động đất sóng thần xảy ra làm rung chuyển nước Nhật. Thảm họa khiến nhiều thực tập sinh, sinh viên Việt Nam tại Đông Bắc nước này mất nhà cửa, không còn nơi để về giữa chốn đất khách quê người.
Nhiều người đã gọi điện đến đại sứ quán mong tìm nơi lánh nạn, nhưng do sứ quán không có nơi tiếp nhận nên liên lạc với Thích Tâm Trí. Hòa thượng Daichi đã đồng ý tiếp nhận với số lượng “bao nhiêu cũng được”, miễn là các thực tập sinh, sinh viên Việt Nam được đưa về chùa nhanh chóng, an toàn.
Ni sư Thích Tâm Trí phát quà, thực phẩm cho thực tập sinh trong đại dịch Covid-19. |
Sứ quán sau đó phối hợp cùng ni sư Tâm Trí đón 84 công dân Việt Nam ở tâm nạn về chùa Nisshinkutsu, giúp họ ổn định tinh thần và cuộc sống. “Chúng tôi khi đó chỉ có 2 kg gạo cùng vài vắt cơm đông lạnh, đem rã đông nấu một nồi cháo lớn chia cho mọi người. Vật chất thiếu thốn nhưng lòng đoàn kết sưởi ấm tình người trong cơn hoạn nạn”, ni sư nhớ lại.
Bà sau đó kêu gọi cộng đồng giúp đỡ những người gặp hoạn nạn tại chùa. Chỉ sau hai ngày, lương thực, mì gói từ khắp nơi được đưa về, giúp các thực tập sinh, sinh viên Việt Nam cầm cự trong một tháng lánh nạn ở chùa. Chùa Nisshinkutsu khi đó trở thành mái nhà, những người xa lạ trở thành ruột thịt, cùng nhau san sẻ, làm việc trong tình yêu thương, Tâm Trí cho hay.
Kể từ đó, hình ảnh ni sư Việt Nam hoạt động Phật sự tại Nhật Bản được nhiều người biết đến hơn. Năm 2013, khi hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản được thành lập, bà được bầu làm hội trưởng và mở 4 đạo tràng xung quanh Tokyo, đón người Việt đến thắp hương mỗi dịp rằm, lễ Tết.
Năm 2018, bà được mời là trụ trì chùa Đại Ân Honjo, ngôi chùa được xây dựng ở Saitama nhờ sự chung tay của nhiều đoàn thể, mạnh thường quân. Chùa Đại Ân đã trở thành điểm sinh hoạt tâm linh, cũng là nơi cưu mang kiều bào gặp khó khăn, đồng thời là nơi cầu siêu, mai táng những người con Việt Nam không may tử nạn ở xứ người.
Tháng 7/2019, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tổ chức lễ tuyên dương và trao bằng khen cho các cá nhân và tổ chức có những đóng góp nổi bật cho phát triển mối quan hệ ngoại giao của chính phủ Nhật Bản nói chung và quan hệ Nhật – Việt nói riêng, Ni sư Tâm Trí là một trong 4 người Việt Nam được Bộ Ngoại giao Nhật Bản trao bằng khen tại sự kiện.
Đến đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 ập đến khiến Nhật Bản áp lệnh phong tỏa kéo dài, hàng chục nghìn người Việt ở nước này lâm cảnh thất nghiệp, nợ nần, không ít trường hợp hết visa, mang bầu, nhưng không thể về nước.
Giữa tâm dịch, Tâm Trí cùng các hội đoàn mở chương trình “Món quà chia sẻ yêu thương” với các hoạt động phân phát lương thực thực phẩm, tư vấn trấn an tinh thần, cầu siêu cho những người xấu số, mở ba khu nhà ở cộng đồng tại chùa để tiếp nhận những người Việt có hoàn cảnh khó khăn.
“Thời điểm Nhật Bản căng mình chống dịch, chính điện, hành lang chùa Đại Ân đêm nào cũng có 60-70 người nằm ngủ. Kiều bào trú tại chùa và ba khu nhà ở không ai nhiễm virus, đó là phép nhiệm màu rất lớn”, ni sư nhớ lại.
Chương trình của ni sư gây chấn động xã hội Nhật Bản khi đó, nhiều người bắt đầu gửi thư, gạo, tiền, nhu yếu phẩm về chùa. “Chùa Đại Ân đã tiếp nhận 50 tấn gạo, 600 thư từ người Nhật, trong đó có những lá tri ân, sẻ chia, có những lá chứa đựng lời xin lỗi”, bà cho hay.
Suốt hai năm đại dịch, chương trình từ thiện của ni sư đã phân phát tổng cộng 218 tấn gạo, hơn 9.000 thùng mì, hàng nghìn tấn lương khô. Số tiền các nhà hảo tâm Nhật Bản gửi về được bà sử dụng để trang trải tiền điện, sinh hoạt phí cho hơn 2.000 người Việt đang nương náu tại chùa để đợi ngày về nước.
Trong số hàng nghìn đồng bào được bà cưu mang, có những số phận đau lòng mà Tâm Trí không thể nào quên, trong đó có thực tập sinh Nguyễn Thị Nhung.
Khi số ca nhiễm, tử vong vì Covid-19 ở Nhật lên cao, Nhung mất việc, không thu nhập, không nơi ở, lại không thể về nước nên đã liên lạc với sư cô Thích Tâm Trí, xin nương nhờ cửa Phật chờ chuyến bay giải cứu. Nhưng một ngày sau, Nhung không may gặp tai nạn giao thông, qua đời sau hai ngày nằm viện.
Sau khi làm lễ tang và hỏa thiêu, ni sư Thích Tâm Trí đưa tro cốt Nhung về chùa. Kiểm tra hành lý để làm giấy tờ, bà phát hiện hai cuốn tập, bên trong chép tay những dòng kinh nắn nót. Những trang cuối cùng, Nhung viết những lời cầu nguyện, mong hai con nhỏ ở quê nhà bình an giữa đại dịch.
“Lật từng trang, nước mắt chúng tôi cứ òa ra. Chúng tôi cứ đau đáu, phải chi đưa Nhung về chùa sớm hơn thì đã không xảy ra sự cố như vậy”, ni sư kể với giọng nghẹn ngào. “Trong hai năm đại dịch, câu chuyện của Nhung thành nỗi trăn trở, nên chúng tôi luôn dặn lòng làm sao không để sót một ai đang cầu cứu”.
Ngày 5/6/2020, chuyến bay giải cứu đầu tiên đưa công dân Việt Nam tại Nhật Bản hồi hương. Trên máy bay có 6 bình tro cốt “không cần mua vé”, được an trí nhiều tháng tại chùa Đại Ân, trong đó có tro cốt của Nguyễn Thị Nhung được đưa về với gia đình.
Giông tố qua đi, bình yên trở lại, ni sư Tâm Trí tiếp tục phát nguyện phụng sự cộng đồng, trấn an tâm lý, cầu siêu, kết nối việc làm cho người Việt, giảng Phật pháp cho người Nhật tại các trường đại học. Bà cũng đang thúc đẩy dự án mới, xây dựng chùa Đại Ân thứ hai tại thủ đô Tokyo.
Ni sư đã được bà Akie Abe, phu nhân cố Thủ tướng Shinzo Abe, trao tặng bằng khen Cống hiến Xã hội, dành cho những người đóng góp to lớn cho xã hội Nhật Bản.
Trong cuộc gặp tháng 3/2022, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài đề cao ý nghĩa những việc làm của ni sư Thích Tâm Trí và Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, góp phần kết nối tinh thần đoàn kết giữa người Việt Nam trong và ngoài nước, từ đó củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. “Những việc làm của sư cô thể hiện truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam, mang lại tình cảm quê hương ấm áp, gần gũi cho những người con xa xứ”, ông Tài bày tỏ.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Fumio Kishida ngày 27/11 thông báo nâng cấp quan hệ Việt Nam – Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Chủ tịch nước gọi đây là sự kiện quan trọng mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.
Trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng phát triển, sư cô Thích Tâm Trí mong người dân hai nước tiếp tục kết nối yêu thương, sẻ chia để “có thể đến với nhau trước tiên bằng tình người”. “Đối với kiều bào, Việt Nam là quê hương, còn Nhật Bản là nhà, nên rất mong cộng đồng chung tay góp sức tạo khối đại đoàn kết, xây dựng cộng đồng ngày càng vững mạnh”, sư cô Thích Tâm Trí dẫn lại lời Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói trong cuộc gặp cộng đồng người Việt Nam ở Nhật.
Cách nào tăng chiều cao cho trẻ?
Trẻ có thể được khám chẩn đoán nguyên nhân chậm tăng chiều cao, từ đó khắc phục bằng cách bổ sung dinh dưỡng, tập thể dục hoặc điều trị bằng thuốc.
Theo VnExpress
Ni sư Việt, cưu mang, hàng nghìn đồng bào, Nhật Bản, Ni sư Thích Tâm Trí, chùa Đại Ân