BẮC GIANG – Nhiều năm nay, mặc dù mỗi người công việc, hoàn cảnh khác nhau, song các thành viên Chi hội Tâm thiện nguyện Sơn Động luôn tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh, kém may mắn trong xã hội. Họ như những “cô Tấm” ở huyện vùng cao còn nhiều gian khó này.
Tự hứa lòng mình
Vào ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 nhưng chị Nguyễn Thị Nga, Chi hội trưởng Chi hội Tâm thiện nguyện Sơn Động (trực thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh) cùng hội viên vẫn chuẩn bị nguyên liệu cho nồi cháo nhân đạo vào sáng hôm sau. Chị Nông Thị Việt, hội viên Chi hội, hiện là giáo viên Trường Tiểu học và THCS Phúc Thắng chia sẻ: “Chiều nay, một số chị em sẽ vào Bệnh viện Đa khoa huyện lấy phiếu các bệnh nhân đang nằm nội trú nhằm bảo đảm nồi cháo nấu không thừa, không thiếu”.
Các thành viên Chi hội Tâm thiện nguyện Sơn Động chuẩn bị nguyên liệu nấu cháo phát miễn phí cho bệnh nhân. |
Qua câu chuyện chúng tôi được biết, Chi hội chia làm 5 tổ, luân phiên mỗi tổ phụ trách nồi cháo nhân đạo vào sáng thứ 5 hằng tuần. Mặc dù công việc phải thức khuya, dậy sớm nhưng ai cũng rất vui vì đã làm được một việc ý nghĩa. Điển hình là chị Nguyễn Thị Nga, Chi hội trưởng, SN 1961, nguyên là cán bộ thuộc ngành thương mại của huyện Sơn Động, nay đã nghỉ hưu.
Hoạt động phát cháo miễn phí được chị thực hiện từ năm 2008, khi đó chỉ có vợ chồng chị đứng ra tổ chức. Đến năm 2016, nhiều người xin tham gia cùng và cũng từ đó hình thành nhóm Tâm thiện nguyện do chị Nga làm trưởng nhóm. Năm 2021, chồng chị không may bị ngã dẫn đến bại liệt song chị vẫn không từ bỏ công việc ý nghĩa này.
Duyên cớ để chị Nga làm việc thiện này là bởi năm 2007, chị phát hiện mình mắc bệnh ung thư cổ tử cung, nằm điều trị tại Bệnh viện K Trung ương, chị nhận được những suất cháo dinh dưỡng ấm tình người từ nhóm thiện nguyện do một phụ nữ từ TP Hồ Chí Minh đứng ra tổ chức. Cảm động trước những nghĩa cử cao đẹp ấy, chị Nga tự hứa với lòng mình, sau này nếu còn khỏe, được về nhà, chị sẽ nấu cháo phát miễn phí cho những bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện.
Khi câu chuyện về nồi cháo tạm lắng xuống, chị Nga vào trong nhà bê ra một số hộp đựng những búi tóc. Chị cho biết: “Đây là số tóc chúng tôi vừa quyên góp được để tới đây mang tặng bệnh nhân ung thư”.
Một buổi phát cháo miễn phí của Chi hội Tâm thiện nguyện Sơn Động tại Bệnh viên Đa khoa huyện. |
Theo chị Nga, đầu năm nay, khi về điều trị tại Bệnh viện K Trung ương, chị ám ảnh mãi bởi lời tâm sự của một nữ bệnh nhân ung thư cùng phòng: “Thường xuyên đội tóc giả làm bằng sợi tổng hợp ngứa, khó chịu lắm”. Chỉ vì câu nói ấy, chị Nga đã quyết định phát động đợt quyên góp, tặng những búi tóc thật để làm thành những bộ tóc giả tặng bệnh nhân ung thư.
Cuối tháng 3/2023, chị Nga viết trên Facebook cá nhân: “Bệnh nhân ung thư khi truyền hoá chất xong bị rụng hết tóc. Để giúp người bệnh có niềm tin và suy nghĩ tích cực hơn trong cuộc sống, xin mọi người hãy ủng hộ búi tóc của mình tặng cho những người không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này…”.
Những dòng tâm sự xuất phát từ thiện tâm của người cũng đang mắc bệnh ung thư đã chạm tới bao trái tim gần xa. Nhiều chị em, thậm chí cả cháu nhỏ đã tự nguyện cắt đi mái tóc của mình ủng hộ. Một số em nhỏ vừa tặng tóc, vừa viết thư động viên, như em Đặng Vũ Hồng Nhung, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Lệ Viễn chia sẻ: “Em/chị/cháu mong rằng búi tóc này sẽ góp phần mang lại năng lượng tích cực giúp các bệnh nhân luôn lạc quan và mạnh mẽ để chiến thắng bệnh tật”.
Đến nay, chị Nga cùng các hội viên trong Chi hội Tâm thiện nguyện đã quyên góp đợt 1 được 20 búi tóc mang tặng bệnh nhân ở Bệnh viện K3 Tân Triều; đợt 2 tiếp tục vận động, dự kiến tháng 10 tới đây sẽ mang số tóc này ra Bệnh viện K Trung ương tặng.
Cho đi là còn mãi
Hôm chúng tôi lên Sơn Động cũng là lúc chị Nga cùng các thành viên Chi hội Tâm thiện nguyện hoàn tất việc vận động tiền để ủng hộ các em học sinh nghèo ở Trường Dân tộc bán trú THCS Sủng Trà, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) với tổng số tiền 6,5 triệu đồng. Đây là hoạt động thiện nguyện hằng năm của Chi hội mỗi khi bước vào năm học mới.
Chị Nguyễn Thị Nga. |
– Mặc dù bản thân đang mang bệnh hiểm nghèo; chồng lại bị liệt không đi lại được, song vì sao chị vẫn tích cực tham gia làm thiện nguyện? – Tôi hỏi chị Nga.
– Tôi luôn tâm niệm, cho đi là còn mãi. Bởi vậy, bản thân làm nhiều việc thiện thì niềm vui ắt sẽ đến. Trong xã hội vẫn còn nhiều cảnh đời bất hạnh, rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ – chị Nga bày tỏ.
Theo chị Nga, trên cơ sở nhóm Tâm thiện nguyện trước đây, năm 2020, Chi hội Tâm thiện nguyện Sơn Động được thành lập, trực thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh. Tuy nhiên, nay mọi người vẫn quen gọi là nhóm Tâm thiện nguyện Sơn Động – Lục Ngạn – Bắc Giang với gần 60 thành viên. Trong đó, trên địa bàn huyện Sơn Động có 45 thành viên, Lục Ngạn 6, TP Bắc Giang 5 và các huyện Lục Nam, Tân Yên, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên), mỗi nơi có 1 thành viên.
Những người tham gia Chi hội có đủ lứa tuổi, trong đó trẻ nhất SN 2000, cao tuổi nhất SN 1951; thành phần tham gia cũng đa dạng, từ cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu đến công nhân, tiểu thương và người lao động. Để có kinh phí làm thiện nguyện, hằng tháng, các thành viên tự đóng góp một khoản tiền vào quỹ chung phục vụ hoạt động thường niên, định kỳ. Bên cạnh đó, mỗi khi có đợt quyên góp đột xuất, các thành viên trong nhóm lại ủng hộ thêm; đồng thời vận động các nhà hảo tâm cùng tham gia.
Nhiều cá nhân tích cực tham gia như anh Phan Thành Công, thị trấn An Châu (Sơn Động); Nguyễn Văn Điện, xã Tân Hoa; Hà Văn Minh, xã Biển Động (Lục Ngạn)… Nói về việc làm ý nghĩa của mình, anh Phan Thành Công, hiện là chủ cửa hàng kinh doanh xe máy trên địa bàn thị trấn An Châu cho biết: “Chi hội vừa đặt thùng công đức ở cửa hàng tôi. Vì thế, nhiều lúc, sau khi sửa xe máy cho khách, tôi không lấy tiền công mà bảo khách tùy tâm bỏ tiền vào hòm công đức này”.
Từ năm 2008 đến nay, chị Nga cùng Chi hội Tâm thiện nguyện Sơn Động đã phát hàng chục nghìn suất cháo miễn phí cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện; hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cùng nhiều đồ dùng học tập, quần áo, chăn màn, xây nhà tình nghĩa… cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những cảnh đời bất hạnh ở trong và ngoài tỉnh. |
Tổng hợp sơ bộ, từ năm 2008 đến nay, chị Nga cùng Chi hội Tâm thiện nguyện Sơn Động đã phát hàng chục nghìn suất cháo miễn phí cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện; hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cùng nhiều đồ dùng học tập, quần áo, chăn màn, xây nhà tình nghĩa… cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những cảnh đời bất hạnh ở trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, hiện nay, Chi hội đang nhận đỡ đầu 6 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ trên địa bàn huyện Sơn Động, trong đó 3 em có hoàn cảnh khó khăn nhất được chị Nga nhận hỗ trợ, giúp đỡ thêm.
Với những việc làm ý nghĩa ấy, họ được ví như những “cô Tấm” ở vùng cao Sơn Động. Cá nhân chị Nga và Chi hội Tâm thiện nguyện Sơn Động được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cũng như tỉnh Bắc Giang, huyện Sơn Động tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen do có nhiều thành tích trong công tác thiện nguyện ở địa phương.
Tháng Tám mùa thu nắng trải dài trên những cánh rừng ở vùng cao Sơn Động, tạo ra bức tranh quê hương thật yên bình. Ở nơi ấy cũng đang có những con người như chị Nga cùng các thành viên Chi hội Tâm thiện nguyện vẫn đang hằng ngày tích cực làm nhiều việc thiện, với tâm nguyện giản đơn “Cho đi là còn mãi”.
Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam
Tấm lòng thiện nguyện của một nhà giáo
(BGĐT) – 5 năm công tác tại Trường THPT Lục Ngạn số 4, thầy giáo Nguyễn Khắc Khanh, Hiệu trưởng nhà trường đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp đối với học trò, người dân nơi vùng cao của huyện.
Tấm lòng thiện nguyện của anh Hồ Hữu Hải
(BGĐT) – Anh Hồ Hữu Hải (SN 1990) ở thôn Quê, xã Bảo Đài, huyện Lục Nam (Bắc Giang) là tấm gương sáng về lập thân, lập nghiệp và sẻ chia khó khăn, đem yêu thương giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống.
Đại úy Đoàn Văn Phương: Kết nối những tấm lòng thiện nguyện
(BGĐT) – “Chọn việc để làm, chọn nơi để đến, chọn người để vận động và giúp đỡ” là ba tiêu chí Đại úy Đoàn Văn Phương (SN 1986), Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Bắc Giang triển khai thực hiện để duy trì các chương trình tình nguyện. Nhờ tích cực kết nối, anh Phương cùng tuổi trẻ đơn vị đã giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
tin tức bắc giang, bắc giang, nhân đạo, vùng cao, huyện sơn động, chi hội tâm thiện nguyện sơn động, nồi cháo nhân đạo, cháo dinh dưỡng, cảnh đời bất hạnh