BẮC GIANG – Không chỉ điều trị cho người bệnh bằng chuyên môn, những bác sĩ chăm sóc bệnh nhân tâm thần, nghiện ma túy còn làm việc bằng tình thương yêu, đồng cảm. Với họ, chăm sóc những bệnh nhân “đặc biệt” này vừa là trách nhiệm, vừa là sự cảm thông cũng như cách để giữ lửa tình yêu nghề.
Tận tâm với nghề
27 năm gắn bó với nghề là chừng đó thời gian bác sĩ Trần Thu Thủy (SN 1974), Phó Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh tiếp xúc, điều trị cho những bệnh nhân “đặc biệt”. Lần lượt trải qua các đơn vị công tác thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội như Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp, Trung tâm Điều dưỡng người có công và Cơ sở Cai nghiện ma túy, chị Thủy hiểu rõ hơn sự thiệt thòi của các đối tượng yếu thế, trẻ mồ côi, người già neo đơn và nghiện ma tuý, từ đó ngày càng tận tâm với nghề.
Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Thị Tiệp (giữa) động viên bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. |
Theo lời chị Thủy, trong chăm sóc y tế đối với học viên cai nghiện, khó khăn nhất là giai đoạn cắt cơn, thường kéo dài khoảng 10 ngày. Do phần lớn học viên là người đã sử dụng ma túy nhiều năm, có tiền án, tiền sự hoặc mang trong mình bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm nên những thầy thuốc ở đây không tránh khỏi rủi ro. Nhiều người khi đưa vào đây trong tình trạng bị ảo giác, đập phá, cào xé cơ thể để gây áp lực, tìm cách thoát ra khỏi nơi cai nghiện.
Không ít lần học viên tấn công bác sĩ cũng như các học viên khác. Những lúc như vậy, bằng tình thương và trách nhiệm, cán bộ y tế vừa phải bình tĩnh phân tích, động viên, vừa kịp thời điều trị, ổn định tinh thần cho học viên. “Chúng tôi ở đây để giúp bạn thoát khỏi ma túy – đây là khẩu hiệu cũng như phương châm hành động của mỗi cán bộ, nhân viên y tế tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh. Mỗi trường hợp có hoàn cảnh riêng nên ngay khi tiếp nhận học viên, chúng tôi đều tìm hiểu rõ từng người, từ đó chia sẻ, động viên họ”, bác sĩ Thủy chia sẻ.
Chị Thủy nhớ lại, chiều 29 Tết Nguyên đán vừa qua, một học viên quậy phá, có ý định gây thương tích cho bản thân để đòi về nhà trong khi chưa hết thời gian điều trị, chị đã trực tiếp trò chuyện, giải thích quy trình cai nghiện và động viên học viên tiếp tục ở lại. Trước đó vài ngày, học viên Nguyễn Hoàng L, trú tại huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) cũng có nhiều hành vi không hợp tác, bỏ điều trị… Dù là ngày nghỉ, không phải ca trực song chị lập tức có mặt cùng đồng nghiệp động viên.
Bằng sự kiên trì, nhẹ nhàng thuyết phục của chị, học viên đã hợp tác, yên tâm nghe theo. “Mỗi học viên cai nghiện trong thời gian 2 năm. Nghe họ tâm sự, chia sẻ chuyện buồn vui, chúng tôi không còn thấy khoảng cách mà chỉ nghĩ họ là những người chị, người anh, người em đang gặp khó khăn cần được quan tâm, giúp đỡ. Thấy học viên tìm lại được sức khỏe, niềm vui, chúng tôi càng nỗ lực nhiều hơn”, bác sĩ Thủy cho biết thêm.
Nữ bác sĩ có “tinh thần thép”
Cũng như chị Thủy, 19 năm theo nghề, bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Tiệp (SN 1980), Trưởng Khoa Điều trị bệnh nhân nữ (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) đã chứng kiến, trải qua bao chuyện buồn vui cùng người bệnh và gia đình của họ. Bệnh tâm thần là do hoạt động não bộ bị rối loạn gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, tư duy, hành vi, tác phong, tình cảm… Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tại Bắc Giang, thời gian gần đây, bệnh nhân tâm thần đang có chiều hướng gia tăng, nhiều trường hợp khởi phát bệnh sớm, khi mới 20-30 tuổi.
Mỗi công việc đều có áp lực, với những bác sĩ công tác trong môi trường đặc biệt thì áp lực lại càng lớn nhưng không vì thế mà họ bỏ cuộc. Với họ, chăm sóc bệnh nhân vừa là trách nhiệm, vừa là cách giữ lửa tình yêu với nghề. |
Để làm tốt công việc này, ngoài yêu nghề, có chuyên môn, các bác sĩ còn phải có “tinh thần thép”, kiên trì để bước vào thế giới của người bệnh tâm thần, phải thấu hiểu mới điều trị bệnh hiệu quả. Không thể nhớ hết đã hỗ trợ bao nhiêu gia đình có người bệnh tâm thần trong những năm gắn bó với nghề, nhưng từng trường hợp bệnh nhân, mức độ điều trị thì bác sĩ Tiệp lại nhớ rõ.
Lật giở cuốn sổ theo dõi bệnh nhân, chị kể: “Nhiều lần, trong lúc làm thủ tục và thăm khám, bệnh nhân lên cơn, đập phá, chửi mắng bác sĩ và người thân, bệnh nhân không hợp tác trong quá trình điều trị, bỏ trốn. Những lần như thế, chúng tôi cùng người nhà tỏa đi các hướng tìm kiếm, động viên họ quay lại điều trị”.
Đã quá quen với hình ảnh bệnh nhân trong tình trạng đầu bù tóc rối, áo quần xộc xệch, tâm trí kích động…, chị Tiệp cũng như đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tâm thần tỉnh luôn tự nhủ phải biến nỗi sợ thành tình thương với những bệnh nhân không may mắn. Từ đó nhẹ nhàng, kiên trì thuyết phục họ tuân thủ phác đồ điều trị. Ngoài những bệnh nhân được đưa đến phòng khám, nhiều trường hợp bác sĩ Tiệp phải đến tận nhà hỗ trợ, bởi người bệnh thường có hành vi hung hãn, bất hợp tác.
Chị Trần Thị H, xã Đông Lỗ (Hiệp Hoà) chia sẻ: “Tối mùng 3 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, khi gia đình đang sum họp, bàn lễ mừng thọ cho người thân thì con gái lớn của tôi có biểu hiện hoảng loạn, nói nhảm. Được bác sĩ Tiệp trực tiếp tư vấn, chúng tôi lập tức đưa cháu đến bệnh viện điều trị. Sau hơn 20 ngày, hiện sức khoẻ, tinh thần cháu ổn định, ăn ngủ tốt”.
Mỗi công việc đều có áp lực, song với những bác sĩ công tác trong môi trường đặc biệt như chị Thủy, chị Tiệp thì áp lực lại càng lớn. Với họ, chăm sóc những bệnh nhân “đặc biệt” này vừa là trách nhiệm, vừa là sự cảm thông cũng như cách để giữ lửa tình yêu nghề.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Bác sĩ ngoại khoa “mát tay”, làm chủ nhiều kỹ thuật mới
BẮC GIANG – Hơn 20 năm theo nghề cũng từng đó thời gian thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Tiến Dương (SN 1984), Trưởng Khoa Ngoại thận – Tiết niệu – Nam học (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) gắn bó với ngoại khoa. Với tâm niệm “coi nỗi đau của người bệnh như nỗi đau của chính mình”, anh luôn cố gắng từng ngày, giúp người bệnh thoát khỏi những cơn đau, giành lại sự sống.
Bác sĩ Phan Hướng Dương: Yêu quê hương theo cách riêng của người thầy thuốc
BẮC GIANG – “Từ hạt gạo, củ sắn, củ khoai mà lớn lên, được học hành và có ngày hôm nay, tôi luôn mong muốn dành kiến thức, kinh nghiệm của mình trở về đóng góp cho quê hương”. Đó là chia sẻ của Tiến sĩ, bác sĩ Phan Hướng Dương (SN 1970), Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư, người con quê hương xã Việt Lập (Tân Yên). Ông là chuyên gia đầu ngành có nhiều đóng góp trong lĩnh vực điều trị nội tiết của Bắc Giang.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, bắc giang, bác sĩ, bệnh nhân đặc biệt, Cơ sở Cai nghiện ma túy, chăm sóc bệnh nhân tâm thần, nghiện ma túy