BẮC GIANG – Khi lớp sương buổi sớm còn bảng lảng trên sườn núi, nhiều người dân thị trấn An Châu và các xã: An Lạc, Vân Sơn, Vĩnh Khương, Dương Hưu,… (Sơn Động), Lâm Ca, huyện Đình Lập (Lạng Sơn) đã lục tục chở hàng hóa đến chợ Vân Sơn. Phiên chợ vùng cao hôm nay đông vui hơn hẳn ngày thường, bởi dịp này nhà nào cũng đi sắm Tết.
Mộc mạc chợ quê
Chợ Vân Sơn nằm ở thôn Phe, cạnh tuyến quốc lộ 31 (nối huyện Sơn Động với Đình Lập tới các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn). Là phiên cuối năm nên từ sáng sớm, chợ Vân Sơn đã tấp nập người mua, bán. Mới đến cầu Phe (cách chợ Vân Sơn khoảng 150 m) đã nghe vọng lên âm thanh quảng cáo từ những quầy bán đồ điện tử. Các loại hàng gia dụng, nông sản bản địa, hoa quả, lá dong, gia cầm… được bày bán đa dạng.
Khu vực chợ Vân Sơn đầy ắp hàng hóa. |
Ông Dương Văn Phong (70 tuổi), thôn Đồng Mây, xã An Lạc vừa xoa tay để giảm bớt cái rét buổi sớm vừa mời khách: “Gà trống thiến nhà nuôi đấy, chỉ cho ăn ngô thôi, thịt ngon lắm, mua đi! Nay phiên chợ, tôi phải dậy từ mờ sáng mới kịp mang gà đến chợ bán lấy tiền sắm Tết”. Là đặc sản của địa phương nên gà thiến Vân Sơn luôn có giá cao gấp đôi gà thường dưới xuôi nhưng vẫn không đủ hàng để bán.
Mấy năm nay, giao thông của Sơn Động nói chung và xã Vân Sơn nói riêng được đầu tư nên đi lại rất thuận tiện. Đời sống của người dân nơi đây và các xã lân cận cũng khấm khá hơn, vì thế dù là chợ phiên nhưng hàng hóa ở đây không thiếu thứ gì. Từ quần áo, giầy dép, đồ gia dụng đến các loại nước giải khát, bánh kẹo, lương thực, thực phẩm, hoa quả, dụng cụ lao động, hạt giống, thuốc thú y đều sẵn, nhộn nhịp người mua. Ngoài những mặt hàng được bà con miền xuôi mang lên, chợ Vân Sơn còn có nhiều nông sản bản địa như: Gia cầm, thịt lợn, gạo nếp, miến dong, măng khô, mộc nhĩ, chuối, bưởi, hương thơm, thuốc tắm và trị bệnh của đồng bào dân tộc.
Theo bà Lý Thị Tư (74 tuổi), dân tộc Nùng ở thôn Lạnh, xã Lệ Viễn, bà đã bán dược liệu tại chợ Vân Sơn từ nhiều năm nay. Những bài thuốc từ cây rừng đều do tổ tiên truyền lại, hỗ trợ điều trị bệnh đau lưng, đau khớp, viêm đại tràng, hậu sản rất hiệu nghiệm. “Người dân có của ăn của để rồi nên quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe. Dãy hàng thuốc có nhiều khách mua hơn, nhất là dịp Tết”, bà Tư nói.
Cạnh dãy hàng thuốc là các gian bán sợi, vải, chỉ thêu đủ sắc màu dành cho bà con dân tộc thiểu số mua về trang trí ngày Tết và dệt quần áo mới. Sau khi chọn mua thêm cờ, “giấy lộc” (theo cách gọi của người dân nơi đây) trang trí nhà và hạt giống rau, bà Lương Thị Liên (68 tuổi) ở thôn Biểng, xã An Lạc chia sẻ: “Bây giờ bà con chỉ mua thực phẩm đủ dùng cho vài ngày Tết vì ngày thường đều có thịt, cá ăn rồi”.
Trong khi lớp trẻ đến chợ chọn mua các loại quần áo, giầy dép thời trang diện Tết thì các bà, các mẹ lại chú ý mua thực phẩm, hàng tiêu dùng, ai cũng xách hàng hóa lỉnh kỉnh. Bóng áo chàm, áo xanh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng hòa lẫn sắc màu thổ cẩm trên trang phục của đồng bào Dao, Cao Lan tạo nên bức tranh xuân đa sắc của phiên chợ Tết vùng cao.
Xây dựng chợ đầu mối gắn với phát triển du lịch
Ông Chu Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho biết, chợ trung tâm cụm xã hình thành từ lâu với 80 gian hàng cố định trên khoảng 3 nghìn m2. Chợ họp theo phiên vào ngày 2, 7, 12, 17 22, 27 (âm lịch), mỗi tháng tiêu thụ hàng chục tấn lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu. Chợ Vân Sơn không chỉ đáp ứng các loại nhu yếu phẩm cho hơn 3,2 nghìn người dân xã Vân Sơn mà còn phục vụ bà con các xã lân cận như: An Lạc, Vĩnh An, Lệ Viễn, Hữu Sản (Sơn Động) và Lâm Ca (Đình Lập).
Hàng vải, sợi đông khách đến mua về thêu dệt. |
Đại diện Phòng Kinh tế và Hạ tầng Sơn Động thông tin, toàn huyện có 8 chợ. Trong đó 7 chợ hạng III do UBND cấp xã quản lý và 1 chợ hạng II (chợ An Châu) do huyện quản lý. Ngày 3/3/2024, UBND huyện có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc và các cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm cân đối cung, cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Huyện Sơn Động hiện có 8 chợ. Trong đó, 7 chợ hạng III do UBND cấp xã quản lý và 1 chợ hạng II (chợ An Châu) do UBND huyện quản lý. HĐND huyện vừa có quyết định phân bổ 6,5 tỷ đồng để xây mới chợ Vân Sơn. Dự kiến công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2025, hình thành chợ đầu mối của huyện. |
Thực hiện chỉ đạo này, UBND xã Vân Sơn và các xã, thị trấn cùng ngành chức năng của huyện thường xuyên kiểm tra, bảo đảm hàng hóa rõ nguồn gốc, xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm; khuyến khích các cơ sở chủ động sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa chất lượng; vận động người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam nên bà con luôn tin dùng hàng hóa bán tại các chợ trên địa bàn. Ngoài ra, chính quyền địa phương thường xuyên cử lực lượng hỗ trợ giữ an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ tại các chợ, giúp tiểu thương yên tâm kinh doanh.
Theo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Sơn Động (tỷ lệ 1/25.000) vừa được công bố, đến năm 2040, Sơn Động sẽ là cửa ngõ phía Đông của tỉnh. Huyện phát triển kinh tế dựa trên các thế mạnh về nông, lâm nghiệp, dịch vụ thương mại (DVTM), du lịch, tâm linh sinh thái; có vị trí trung gian quan trọng kết nối giữa trung tâm phát triển kinh tế của tỉnh với Quảng Ninh và Lạng Sơn. Theo đó, huyện sẽ có 5 vùng và 7 không gian phát triển kinh tế. Trong không gian phát triển DVTM, chợ Vân Sơn sẽ được mở rộng lên 2 ha, trở thành chợ đầu mối.
Được biết, HĐND huyện đã có quyết định phân bổ 6,5 tỷ đồng để xây mới chợ Vân Sơn. Dự kiến đến năm 2025 chợ mới được đưa vào sử dụng, giúp giải quyết đầu ra cho sản phẩm của tiểu vùng liên kết chuỗi giá trị với huyện Lục Ngạn và xuất khẩu qua cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn gắn với du lịch văn hóa vùng cao, góp phần lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân bản địa, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng. Chợ Vân Sơn không chỉ là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa mà sẽ trở thành nơi gặp gỡ, vui chơi, sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Với định hướng phát triển KT-XH mới được duyệt và đầu tư kịp thời của T.Ư, huyện, tương lai không xa, DVTM của xã Vân Sơn và huyện Sơn Động phát triển mạnh hơn, nhân dân có những mùa xuân sung túc hơn.
Bài, ảnh: Thế Đại
Về Vân Hà đi chợ Tết Tam quan
BẮC GIANG – “Sáng mai về quê chị đi chợ Tết đi! Cả năm chợ mới họp một ngày nên phải đi từ sớm, không hết chợ…”. Nghe hấp dẫn, tò mò, tôi nhận lời không chút đắn đo.
“Chợ phiên OCOP” trên TikTok shop bán nhiều loại đặc sản Bắc Giang
(BGĐT)- Từ 9 giờ đến 13 giờ 45 phút ngày 24/6, 40 nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội TikTok (Tiktoker) hội tụ tại thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) để livestream (phát trực tiếp) quảng bá, bán một số sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Bắc Giang như: Vải thiều, mỳ Chũ, tương La, bánh quế Ông Thọ, đông trùng hạ thảo… Buổi bán hàng trên nền tảng TikTok đã thu hút tổng số hàng triệu lượt xem.
Sắc màu chợ phiên Biển Động
(BGĐT) – Nằm ở xã Biển Động, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) – khu vực phía đông của huyện, giáp ranh với huyện Sơn Động và có quốc lộ 31 chạy qua nên chợ Biển Động có hàng hóa phong phú, nhiều loại sản vật vùng cao. Chợ họp theo phiên, vào các ngày 5, 10, 15… (âm lịch) hằng tháng.
tin tức bắc giang, bắc giang, Nhộn nhịp, phiên chợ Vân Sơn, chợ vùng cao, hàng hóa, Tết Nguyên đán, Phiên chợ vùng cao, Chợ Vân Sơn