BẮC GIANG – Tỉnh Bắc Giang có hệ thống sông ngòi phong phú, trong đó 3 con sông chính là: Cầu, Thương, Lục Nam thuộc hệ thống sông Thái Bình. Hằng năm, vào mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 10), lũ lớn thường xuyên xảy ra trên hạ lưu các sông.
Sông Thương đoạn qua địa bàn TP Bắc Giang. |
Lũ là hiện tượng nước sông dâng cao trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó giảm dần. Những trận mưa liên tiếp trên lưu vực sông làm cho nước sông nối tiếp nhau dâng cao, tạo ra lũ. Vào các tháng mùa mưa, trên địa bàn tỉnh thường xuất hiện các trận mưa lớn với cường độ mạnh. Tại các khu vực đất đã “no” nước dễ xảy ra lũ. Nước tràn qua bờ đê chảy vào những vùng trũng, gây ra ngập lụt trên diện rộng, thiệt hại lớn về người và của.
Từ tháng 5, tháng 6, thời tiết tỉnh Bắc Giang có những đợt nắng nóng gay gắt. Thời gian mưa lớn kéo dài khoảng 1 – 2 ngày với lượng mưa phổ biến từ 50 -100mm, sinh ra lũ đầu mùa trên các sông trong tỉnh. Ngoài ra, ở Bắc Bộ còn xuất hiện sự hội tụ hai đới gió Nam – Tây Nam (nguồn gốc gió Tây Nam từ vịnh Bengan lên) với gió Nam – Đông Nam (có nguồn gốc từ rìa Tây Nam lưỡi cao Thái Bình Dương) gây mưa lớn với lượng mưa đạt từ 50 – 100 mm/ngày, có nơi lên đến 200 mm.
Từ tháng 7 đến tháng 9, trên địa bàn tỉnh thường xảy ra có những đợt mưa lớn từ 100 – 250mm/ngày, cá biệt có những đợt mưa rất to, sinh ra những trận lũ lớn trên các sông. Đây là hệ quả của nhiều hình thái thời tiết. Có thể kể đến như dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh có khả năng gây mưa lớn từ 200 – 300 mm, một số nơi có thể đạt từ 300 – 400 mm, thường xảy ra trong tháng 9. Ngoài ra còn có dải hội tụ nhiệt đới thường hoạt động mạnh vào tháng 7, tháng 8 trên lưu vực sông Thái Bình và sông Hồng.
Tùy thuộc vào cường độ hội tụ hoặc các nhiễu động trên dải hội tụ mà lượng mưa trên lưu vực có thể khác nhau (về lượng và phạm vi mưa).
Một loại hình thời tiết nữa gây mưa sinh lũ trên các sông ở Bắc Giang là do bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Khi bão, ATNĐ xảy ra sẽ gây mưa lớn. Thời gian mưa thường kéo dài từ 2 – 3 ngày, lượng mưa, diện mưa và cường độ mưa tuỳ thuộc vào cường độ, hướng di chuyển và thời gian tan nhanh hay chậm của hoàn lưu bão hoặc ATNĐ. Mưa do bão thường bao trùm trên diện rộng. Khi bão, ATNĐ đổ bộ vào khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng thì tỉnh Bắc Giang sẽ chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão. ATNĐ thường gây mưa to đến rất to ở các khu vực trong tỉnh và sinh ra những trận lũ lớn trên hạ lưu các sông chính. Điển hình là trận lũ xảy ra vào tháng 9/2008. Do ảnh hưởng của bão số 6 suy yếu thành ATNĐ ngay trên biên giới Việt – Trung thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng sau đó giảm thành vùng thấp di chuyển về phía Tây qua vùng núi phía Bắc Việt Nam là: Bắc Giang, Lạng Sơn. Sau đó sinh ra mưa đặc biệt lớn với tổng lượng mưa 3 ngày tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn đạt từ 350 – 500 mm gây lũ trên các con sông.
Qua phân tích các hình thái thời tiết cho thấy, để hình thành một đợt lũ lớn ở hạ lưu 3 sông ngoài yếu tố mưa lớn còn phải thêm một số điều kiện như: Mực nước đệm trước khi lũ lên, mưa nhiều đợt kéo dài nhiều ngày; lũ trên sông Hồng, sông Thái Bình cộng với sự xả lũ của nhà máy thuỷ điện Hoà Bình. Lũ xuất hiện trên các sông ở Bắc Giang chủ yếu do ảnh hưởng của bão, ATNĐ, dải hội tụ nhiệt đới, rãnh thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao với tổng lượng mưa toàn đợt đạt khoảng từ 200 – 300m.
Với một số hình thái thời tiết điển hình, để tránh thiệt hại do mưa lũ gây ra, cơ quan khí tượng thuỷ văn thường xuyên nắm bắt, nâng cao chất lượng dự báo, dự án từ xa, từ sớm, chính xác.
Quang Hùng