BẮC GIANG – Từ các phong trào thi đua, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến (ĐHTT) trên các lĩnh vực. Để lan toả trong cộng đồng, Ban Dân tộc tỉnh, các địa phương quan tâm bồi dưỡng, nhân rộng.
Nhiều hạt nhân
Sinh ra, lớn lên ở vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), từ nhỏ chị Nguyễn Thị Hải (SN 1984), dân tộc Nùng, bản Trại Nấm, xã Đồng Tiến (Yên Thế) chứng kiến người dân trong bản loay hoay phát triển kinh tế, nhất là tiêu thụ sản phẩm. Sau này, lấy chồng về xã Đồng Vương (hiện nay Đồng Vương là xã ĐBKK duy nhất của huyện Yên Thế – PV) trực tiếp tham gia sản xuất, chị càng thấm thía hơn những trở lực đối với phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS.
Tuyến đường trục chính thôn Nam Sơn, xã Đại Sơn (Sơn Động) được mở rộng nhờ người dân hiến đất. |
Thấu hiểu những khó khăn, từ năm 2010, chị đứng ra thu mua nông sản cho bà con, từ củ khoai, củ sắn, ớt, dưa chuột đến nhãn, vải thiều… Cuối năm 2020, nhận thấy sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung bắt đầu được người dân quan tâm, chị liên kết với 11 hộ đồng bào DTTS ở xã Đồng Vương thành lập tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tham gia liên kết, tổ viên được chị cung cấp giống, vật tư và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Thấy hiệu quả, nhiều hộ khác tại xã Đồng Vương và địa phương lân cận như: Đồng Tiến, Canh Nậu, Xuân Lương (cùng huyện Yên Thế) cũng đăng ký tham gia chuỗi. Hiện trên diện tích hơn 20 ha, tổ hợp tác đang xây dựng mô hình trồng ớt, dưa leo theo hướng nông sản sạch, an toàn. “Tại khu vực chế biến của tổ hợp tác, thường xuyên có từ 25-30 lao động là người DTTS làm việc với thu nhập ổn định. Đầu năm nay, chúng tôi được Ban Dân tộc tỉnh lựa chọn xây dựng, nhân rộng ĐHTT. Đây là động lực để mỗi thành viên tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập”, chị Nguyễn Thị Hải chia sẻ.
Để trợ lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, T.Ư, tỉnh cũng như các địa phương dành nhiều nguồn lực, phát động các phong trào thi đua. Từ các phong trào xuất hiện những điển hình, gương sáng trong phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc dân tộc. Mỗi năm có hàng chục lượt ĐHTT, người có uy tín tiêu biểu được phát hiện, nhân rộng và biểu dương, khen thưởng.
Ví như anh Triệu Xuân Thể (SN 1976), dân tộc Dao, Bí thư Chi bộ bản Vua Bà, xã Trường Sơn (Lục Nam) là điển hình làm kinh tế giỏi với mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt; cô giáo Đặng Thị Hiên, dân tộc Nùng, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Lục Ngạn có nhiều năm liền đào tạo học sinh giỏi đạt giải cấp tỉnh, huyện, tình nguyện tham gia tư vấn học đường cho học sinh. Hay như bà Hoàng Thị Hồng (SN 1954), người có uy tín trong đồng bào DTTS tại thôn Nam Sơn, xã Đại Sơn (Sơn Động) tiên phong phá bỏ tường rào, hiến 100 m2 đất thổ cư để có mặt bằng thi công tuyến đường trục chính của thôn.
Thấy bà Hồng làm, 40 hộ dân trong thôn cũng làm theo, hiến 1,3 nghìn m2 đất cùng 200 cây vải thiều, góp phần làm mới 1,6 km đường. Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Đại Sơn nói: “Không chỉ tiên phong hiến đất mở đường, bà Hồng còn tích cực phát triển kinh tế gia đình, vận động các nguồn lực chăm lo, hỗ trợ hộ nghèo trong thôn. Đặc biệt, bà trực tiếp tham gia hoà giải thành công 2 vụ việc tranh chấp đất đai, 5 vụ liên quan đến bạo lực gia đình, góp phần giữ bình yên địa bàn, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm”.
Kịp thời biểu dương, khích lệ
Để lựa chọn, nhân rộng ĐHTT vùng đồng bào DTTS và miền núi, hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh đều lựa chọn 9-10 cá nhân, tập thể để các địa phương động viên, bồi dưỡng. Qua đánh giá, sau khi được lựa chọn, các cá nhân, tập thể đều nỗ lực hơn trong thực hiện nhiệm vụ cũng như tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, đơn vị.
9 điển hình được lựa chọn để bồi dưỡng, nhân rộng năm 2023 gồm: Mô hình đoàn thanh niên xung kích bảo đảm an ninh trật tự và phát triển kinh tế xã Vĩnh An, bà Lương Thị Ngân – công chức VHXH xã Phúc Sơn (cùng huyện Sơn Động); Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Sơn Hải, bà Ngô Thị Lan – giáo viên trường THCS Phú Nhuận, ông Vi Văn Trên- công chức VHXH xã Tân Sơn (cùng huyện Lục Ngạn); tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản xã Đồng Vương (Yên Thế); câu lạc bộ hát Soọng cô, xã Vô Tranh (Lục Nam); bà Triệu Thị Liễu – công chức VHXH xã Hương Sơn (Lạng Giang) và ông Chu Ngọc Ninh – Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Ngàn Ván, xã An Dương (Tân Yên). |
Trường hợp của chị Lý Thị Châm, dân tộc Nùng (quê xã Đồng Vương), điều dưỡng Trung tâm Y tế huyện Tân Yên là một ví dụ. Sau khi được lựa chọn, nhân rộng điển hình năm 2022, chị nỗ lực hơn trong chuyên môn, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, hiến máu nhân đạo.
Không chỉ vậy, chị còn trở thành “bác sĩ từ xa” của đồng bào DTTS tại xã Đồng Vương. “Dù đi làm xa nhà song mỗi khi trong bản có người bị ốm, bà con vẫn điện thoại nhờ tôi tư vấn điều trị.
Mới đây một cụ bà hơn 70 tuổi ở bản Đồng Tân (xã Đồng Tiến) bị tăng huyết áp đột ngột, tôi đã hướng dẫn người nhà sơ cứu rồi đưa đến Trung tâm Y tế huyện. Được cấp cứu kịp thời nên sức khoẻ cụ dần bình phục. Mỗi lần như vậy, tôi vui và thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn đối với công việc của mình”, chị Lý Thị Châm nói.
Để tiếp tục phát hiện, nhân rộng điển hình, năm nay Ban Dân tộc tỉnh lựa chọn 9 tập thể, cá nhân trên các lĩnh vực, phối hợp với các địa phương động viên, bồi dưỡng. Đặc biệt, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, năm nay, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh các ĐHTT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bắc Giang lần thứ Nhất năm 2023.
Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Với vai trò cơ quan tham mưu, chúng tôi đang hướng dẫn các huyện lựa chọn, tổ chức biểu dương ở cấp huyện. Trên cơ sở điển hình từ địa phương, chúng tôi sẽ lựa chọn những tập thể, cá nhân nổi bật để đề nghị UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng. Trước mắt, Ban đã lựa chọn, giới thiệu 9 người có uy tín đi dự hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu toàn quốc được tổ chức trong thời gian tới, qua đó kịp thời động viên, khích lệ họ tiếp tục đóng góp cho địa phương”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Bắc Giang quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị ngôn ngữ các dân tộc thiểu số
(BGĐT) – Văn hoá của mỗi dân tộc thiểu số (DTTS) có bản sắc riêng biệt và nhiều giá trị độc đáo khác nhau được thể hiện trong các hoạt động lễ hội, trang phục, kiến trúc, tín ngưỡng. Đặc biệt ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) là một trong những thành tố quan trọng, cơ bản nhất của văn hóa dân tộc và cũng là tiêu chí để xác định thành phần DTTS.
tin tức bắc giang, điển hình, dân tộc thiểu số, chương trình mục tiêu quốc gia, ban dân tộc tỉnh, hỗ trợ hộ nghèo, tiêu thụ nông sản, hiến máu nhân đạo, gương sáng phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát triển kinh tế gia đình,