BẮC GIANG – Sáng 3/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) tham gia đóng góp ý kiến.
Đại biểu đánh giá cao Ban soạn thảo đã thể hiện tinh thần cầu thị, nghiên cứu, tiếp thu khá đầy đủ các ý kiến tham gia để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Kỳ họp lần này.
Đại biểu Trần Văn Tuấn phát biểu tại hội trường. Ảnh: Doãn Tấn |
Đồng thời, đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua dự thảo Luật một cách thận trọng, song cũng phải hết sức khẩn trương, để giải quyết càng sớm càng tốt những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra bởi những bất cập của Luật Đất đai hiện hành, tránh những khó khăn phát sinh do có tâm lý chờ đợi Luật Đất đai (sửa đổi) ban hành; bảo đảm đồng bộ với Luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản và các luật liên quan.
Tại Điều 79 quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển KT – XH, vì lợi ích quốc gia, công cộng, đã liệt kê 31 trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn vì liệt kê các trường hợp cụ thể như vậy có thể vẫn chưa bao quát hết. Cùng đó, quy định như vậy vẫn chưa thể giải quyết triệt để một trong những bất cập lớn nhất đang đặt ra là: Khi Nhà nước thu hồi đất, người có đất được bồi thường theo bảng giá đất do Nhà nước ban hành; trong khi các doanh nghiệp và người có đất thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thì giá đất thường cao hơn. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân luôn cảm thấy thiệt thòi, thiếu sự đồng thuận khi Nhà nước thu hồi đất. Mặt khác, đối với doanh nghiệp, khi triển khai dự án phải thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng gặp không ít khó khăn; nhiều trường hợp, doanh nghiệp phải mất nhiều năm thoả thuận, có trường hợp phải “đi đêm” để thoả thuận với mức giá cao hơn, thiếu công bằng với số còn lại; song doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” khi đã thoả thuận chuyển nhượng được trên 90% diện tích, thậm chí còn cao hơn mà vẫn không thể triển khai dự án – dù chỉ còn một số rất ít không đồng thuận; làm cho doanh nghiệp phải tăng chi phí, lãng phí nguồn lực, mất cơ hội đầu tư. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khiếu kiện, đơn thư phức tạp về đất đai ở các địa phương hiện nay (chiếm khoảng 75% số đơn thư).
Vì vậy, đại biểu đề xuất với Quốc hội xem xét chỉnh sửa, bổ sung Điều 79 và các điều khoản liên quan trong dự thảo Luật theo hướng: Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển KT – XH, nhất là thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng thực hiện dự án; xuất phát từ các lý do sau: Với 31 trường hợp do Nhà nước thu hồi đất (được quy định tại Điều 79), phạm vi bao quát là khá rộng, các trường hợp dự án phát triển KT – XH còn lại thuộc diện thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không nhiều.
Không có căn cứ cụ thể, thuyết phục đối với việc phân biệt trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất khác. Xét cho cùng thì mọi trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều phải tuân thủ pháp luật, phải phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Thực tế, khi doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thường là đất nông nghiệp, sau đó chuyển đổi mục đích để thực hiện dự án; còn người có đất khi chuyển nhượng đất nông nghiệp thường đòi hỏi giá cao hơn, tương đương với loại đất khác.
Như vậy về bản chất, có thể nói một cách hình ảnh rằng, “người bán đang bán thứ mà mình không có” – đây là điều vô lý! Nếu quy định Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển KT – XH, sẽ góp phần khắc phục triệt để hơn những khó khăn, vướng mắc bởi những bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai hiện hành (như đã nêu nêu ở trên), đặc biệt tình trạng đơn thư khiếu kiện sẽ giảm, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch hơn.
Cùng với đề xuất trên, đại biểu cũng đề nghị cần cụ thể hóa nguyên tắc giá đất do Nhà nước bồi thường khi thu hồi đất phải sát với giá thị trường và cơ chế điều tiết địa tô chênh lệch, để tạo sự công bằng, người có đất thu hồi không bị thiệt thòi.
Thu Hằng (t/h)
thu hồi đất, luật đất đai, quốc hội, kinh tế, xã hội, Trần Văn Tuấn, bắc giang.