BẮC GIANG – Tháng 12/2023, cô Phạm Thị Thúy (SN 1976) là giáo viên đầu tiên của Trường Tiểu học Cảnh Thụy (Yên Dũng – Bắc Giang) được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến của nữ nhà giáo trong sự nghiệp “trồng người”.
Miệt mài cống hiến
Sinh ra trong gia đình có cha, mẹ là những nhà giáo tiêu biểu trên mảnh đất Phượng Hoàng (Yên Dũng), từ nhỏ, cô Thúy đã ấp ủ ước mơ tiếp nối truyền thống gia đình. Năm 1993, cô vào học tại Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự để thực hiện hoài bão của mình. Thời điểm đó, sinh viên tốt nghiệp Khoa Giáo dục tiểu học chủ yếu được điều động về giảng dạy ở các huyện miền núi của tỉnh nhưng do tốt nghiệp loại xuất sắc nên cô Thúy được về giảng dạy tại huyện nhà. Ngay trong giai đoạn dạy tập sự tại Trường Tiểu học Đức Giang, cô đã khẳng định được năng lực, nghiệp vụ sư phạm.
Cô giáo Phạm Thị Thúy hướng dẫn học sinh làm bài tập. |
Nắm chắc đặc thù của bậc tiểu học, cô Thúy luôn quan tâm, gần gũi, dạy học trò biết đọc, biết viết, làm toán, tìm hiểu về tự nhiên, xã hội và thế giới xung quanh; thông qua đó sớm giáo dục nhân cách, năng lực, trí tuệ, thể chất ngay từ khi các em còn nhỏ tuổi. Khi kết thúc tập sự, cô là giáo viên trẻ nhất tỉnh đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh. Với thành tích nổi trội, năm học 1997-1998, cô được luân chuyển về cơ sở giáo dục trọng điểm của huyện là Trường Tiểu học Cảnh Thụy để thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục mũi nhọn.
Tại đây, cô giáo Phạm Thị Thúy luôn tích cực đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy để truyền nhiệt huyết, tinh thần ham học hỏi cho học trò. Là tổ trưởng tổ chuyên môn khối lớp 2, lớp 3, cô luôn quan tâm sâu sát điều hành các hoạt động chuyên môn. Bằng kinh nghiệm và lòng yêu nghề, cô đã chú trọng rèn luyện khả năng tư duy và xây dựng phương pháp học tập phù hợp cho từng đối tượng học sinh. Linh hoạt trong triển khai bài giảng, cô Thúy vận dụng trò chơi, hình ảnh, video, câu chuyện để các em hứng thú và hiểu sâu kỹ bài học. Cô bộc bạch: “Tôi không chỉ dạy các em kiến thức trong sách giáo khoa mà còn trang bị cho các em kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tạo không khí thi đua sôi nổi để các em tiếp thu bài học hiệu quả”.
Nhiều năm qua, cô Thúy được Ban Giám hiệu tin tưởng giao nhiệm vụ rèn chữ viết đẹp và bồi dưỡng học sinh giỏi. Ngoài những buổi học trên lớp, cô hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu tài liệu, khuyến khích các em đưa ra câu hỏi hoặc bài tập khó rồi cùng thảo luận tìm đáp án. Cách học này giúp các em nắm vững kiến thức cơ bản, hiểu sâu bản chất của các dạng bài tập. Cô cho rằng để có trò giỏi, giáo viên phải liên tục tự học, tự bồi dưỡng mở rộng kiến thức.
Cô giáo Phạm Thị Thúy giúp học sinh hiểu sâu kỹ bài học. |
Ở lĩnh vực chuyên sâu, cô đã khẳng định được năng lực của mình khi liên tiếp các năm học đều có học sinh đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Cùng với việc bổ trợ, trau dồi kiến thức, cô còn chú trọng rèn chữ viết cho các em. Mặc dù hiện nay nhiều người không còn coi trọng việc luyện viết chữ đẹp vì cho rằng công nghệ thông tin, công nghệ số đã hỗ trợ, làm thay nhưng với cô, khi rèn chữ cho học trò là rèn cả đức tính kiên trì, cẩn trọng từ tấm bé. Bởi vậy, các thế hệ học sinh của cô đều viết đẹp.
Nhiều học sinh của cô đạt giải cao trong kỳ thi viết chữ đẹp cấp tỉnh như em: Ngụy Thị Hường, Ong Thị Quỳnh. Cô luôn tạo động lực cho học sinh bằng cách khuyến khích, khen ngợi khi các em làm tốt, nghiêm túc nhắc nhở, uốn nắn khi các em còn thiếu sót.
Từ thực tiễn giảng dạy, cô Thúy đã có 12 sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng như: Phương pháp dạy tập làm văn theo hướng phát triển năng lực cho học sinh lớp 3; bồi dưỡng năng lực cảm thụ văn học cho học sinh tiểu học. Nhiều bài viết chuyên sâu về đổi mới phương pháp giảng dạy của cô giáo đã được đăng tải trên các tạp chí giáo dục trong và ngoài nước. Những sáng kiến, bài viết đều được đúc kết trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu, sáng tạo để bài giảng phù hợp với thực tế của trường, lớp mình.
Tham gia thẩm định nhiều chương trình giáo dục
Được đánh giá là giáo viên có kỹ năng dẫn dắt học sinh tìm hiểu, xâu chuỗi vấn đề theo hướng logic, khái quát, cô được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cử tham gia bồi dưỡng trở thành giáo viên cốt cán cấp tiểu học. Từ năm học 2013-2014, cô Thúy đã được Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT) mời dạy mẫu để quay clip làm tài liệu hướng dẫn giảng dạy môn Tiếng Việt lớp 5 trên toàn quốc. Nhiều năm học liên tiếp, cô được ghi nhận là giáo viên có kỹ năng tổ chức giờ giảng sáng tạo, hấp dẫn, am hiểu sâu rộng, có năng lực tư vấn chuyên môn để xây dựng và phát triển chương trình giáo dục.
Cô giáo Phạm Thị Thúy. |
Năm 2017, cô được Bộ GD&ĐT chọn là thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5 theo mô hình trường học mới VNEN, mời tham gia bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn giáo viên các tỉnh phía Bắc giảng dạy chương trình trường học mới. Đặc biệt, cô là một trong hai giáo viên cấp tiểu học trong cả nước được tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình môn học, hoạt động giáo dục phổ thông tổng thể và Hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Năm học 2020-2021, cô là một trong những tác giả biên soạn sách bài tập Tiếng Việt lớp 2, lớp 3, lớp 4 cho Nhà Xuất bản giáo dục. Hiện nay, cô Thúy vẫn đang tiếp tục tham gia duyệt các bộ bài tập lớp 1, lớp 2, lớp 3 môn Tiếng Việt trên học liệu thông minh của Nhà Xuất bản giáo dục phục vụ giáo viên và học sinh đăng ký các chương trình giảng dạy và học tập trực tuyến (online).
Cô Phạm Thị Thúy là một trong hai giáo viên cấp tiểu học trong cả nước được tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình môn học, hoạt động giáo dục phổ thông tổng thể và Hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. |
Như nhiều thế hệ đi trước, vừa không ngừng học tập, nghiên cứu, cô vừa miệt mài truyền lại kinh nghiệm cho giáo viên trẻ, dìu dắt các lớp giáo viên kế cận trở thành giáo viên giỏi, nhà giáo tiêu biểu các cấp. Nhiều học trò của cô như các em: Lưu Thị Minh, Hoàng Thị Phương nay đã trở thành đồng nghiệp cùng giảng dạy tại Trường Tiểu học Cảnh Thụy. Sự trưởng thành của lớp lớp học trò chính là niềm vui, niềm hạnh phúc và là động lực để cô tiếp tục say sưa sáng tạo.
Cô Trần Thị Uyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cảnh Thụy khen ngợi: “Nhà giáo Ưu tú Phạm Thị Thúy là một trong những giáo viên tiêu biểu của ngành, luôn tích cực đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, hết lòng vì học sinh, là tấm gương mẫu mực đối với các thế hệ cán bộ, giáo viên”.
Niềm đam mê với nghề trọn vẹn hơn khi người bạn đời của cô Thúy cũng là nhà giáo, hiện đang công tác tại Trường Tiểu học Nham Biền luôn kề vai sát cánh hỗ trợ, chia sẻ với vợ bên những trang giáo án thấm đẫm công sức và trí tuệ. Hiện con gái lớn của vợ chồng cô đã tốt nghiệp đại học, trở thành kỹ sư lập trình tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Samsung tại Việt Nam. Con gái út đang theo học Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên).
Ngoài đam mê với công việc, niềm vui của cô là cuối tuần gia đình sum họp đông đủ. Ba mẹ con cô Thúy sẽ thảnh thơi vẽ những bức tranh theo sở thích. Dù không theo nghiệp mỹ thuật nhưng cô Thúy và hai con gái đều vẽ rất đẹp và đã từng có một số bức tranh tham gia triển lãm.
Với nỗ lực không ngừng, trong 27 năm công tác, cô Thúy có 24 năm là giáo viên giỏi cấp huyện và cấp tỉnh, 12 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp tỉnh; 6 lần được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh.
Bài, ảnh: Minh Thu
Bắc Giang có thêm 5 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú
BẮC GIANG – Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa ký Quyết định số 1582/QĐ – CTN về việc phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” cho 1.031 thầy, cô giáo trên cả nước có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GĐ&ĐT). Tỉnh Bắc Giang có 5 thầy, cô vinh dự được phong tặng danh hiệu đợt này.
Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Trang: Lan tỏa yêu thương từ những việc giản dị
(BGĐT) – Đầu tháng 5/2021, huyện Việt Yên (Bắc Giang) trở thành tâm dịch của cả nước khi đợt dịch Covid -19 lần thứ tư bùng phát. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nguy hiểm, cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Tiểu học, THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (gọi tắt là Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Việt Yên) đã tích cực kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ lực lượng tuyến đầu và nhân dân; duy trì tốt nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường.
Trọn đời gắn bó với sự nghiệp “trồng người”
(BGĐT) – Nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Thiết, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Việt Tiến là tấm gương điển hình của ngành giáo dục huyện Việt Yên về học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, Nhà giáo Ưu tú, Phạm Thị Thúy, Tận tâm cống hiến, vì sự nghiệp, giáo viên giỏi cấp tỉnh