BẮC GIANG – Thời gian qua, đội ngũ người có uy tín (NCUT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò hạt nhân trong tuyên truyền, vận động bà con xây dựng nông thôn mới (NTM), gìn giữ bản sắc văn hóa, phong tục truyền thống và bảo đảm an ninh trật tự địa bàn.
Góp sức xây dựng NTM
Tỉnh Bắc Giang có hơn 257 nghìn người DTTS, chiếm 14,2% dân số. Trong số này, có 523 NCUT ở 457 thôn, bản. Thực tế đã minh chứng, ở đâu NCUT phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu thì ở nơi đó việc khó thành dễ. Nổi bật là trong vận động nhân dân hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới (NTM), thực hiện nếp sống văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự.
Người cao tuổi uy tín trong đồng bào DTTS trao đổi kinh nghiệm hoạt động. |
Toàn tỉnh hiện có 6/10 huyện, 148 xã, 314 thôn đạt chuẩn NTM, trong đó có nhiều thôn, xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. 5 năm qua, NCUT trong tỉnh đã tham gia hơn 1 nghìn buổi vận động người dân chung sức cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng NTM; vận động hơn 4 nghìn hộ hiến hàng chục nghìn m2 đất để mở rộng, cứng hóa các tuyến đường, góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng quê tươi đẹp, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Toàn tỉnh có 523 NCUT trong đồng bào DTTS và miền núi, đa số là đảng viên, trưởng thôn, bản, dòng họ, độ tuổi từ 55-75. Họ là những người uy tín, có nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc chung. |
Điển hình như ở xã Vân Sơn (Sơn Động), ông Hoàng Văn Thành, dân tộc Tày được nhiều người biết đến là NCUT tích cực vì việc chung. Thôn có hơn 100 hộ, chủ yếu là dân tộc Tày. Trước đây, trục đường chính vào thôn là đường đất nhỏ hẹp, có nhiều suối, ngầm cắt qua, đi lại rất khó khăn. Kinh tế địa phương chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%.
Vì vậy, phong trào cứng hóa đường giao thông theo Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh triển khai về thôn như “luồng gió mới” làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ trương, chính sách rõ ràng, song lúc đầu không phải ai cũng nhận thức được ý nghĩa đúng đắn đó.
Ông Thành chia sẻ: “Tôi kiên trì nhiều lần tuyên truyền, vận động, giải thích chủ trương, chính sách của Đảng, lồng ghép trong cả các cuộc họp của thôn. Đến khi người dân nghe, hiểu rồi thì việc khó thành dễ”. Kết quả, từ năm 2017 đến nay, ông Thành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vận động người dân hiến gần 2,7 nghìn m2 đất để mở rộng, nâng cấp đường trục thôn. Ước tổng giá trị đất và hoa màu quy đổi thành tiền trị giá hơn 1 tỷ đồng. Đường làm xong, nông sản của người dân tiêu thụ thuận lợi, được giá hơn. Nhiều hộ có thu nhập từ chăn nuôi gà, trồng rừng kinh tế đạt hơn 300 triệu đồng/năm.
Qua các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào DTTS và miền núi còn xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trên các lĩnh vực. Tiêu biểu là ông Chu Văn Bảo, dân tộc Sán Dìu, ở xã Đông Hưng (Lục Nam); ông Đàm Văn Tình, dân tộc Sán Chí, ở xã An Lạc; ông Bàn Văn Cường, dân tộc Tày, thị trấn Tây Yên Tử (cùng huyện Sơn Động)… tích cực vận động người dân trong thôn, bản xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đẩy lùi tệ nạn xã hội, giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc; tham gia hòa giải nhiều vụ mâu thuẫn.
Theo Trung tá Nguyễn Tiến Trung, Phó trưởng Phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh), NCUT trong đồng bào DTTS là “cánh tay nối dài” của chính quyền, cơ quan chức năng trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Vụ mâu thuẫn tranh chấp đất rừng giữa hai thôn Vách Gạo, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn) và Khe Táu, xã Yên Định (Sơn Động) là một ví dụ. Tranh chấp kéo dài hơn chục năm, đến năm 2021 mới được giải quyết dứt điểm. Kết quả này có sự tham gia tích cực của NCUT tại địa phương, trong đó điển hình là ông Mễ Văn Oanh, dân tộc Cao Lan, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Khe Táu, xã Yên Định.
Quan tâm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng
Đa số NCUT trong đồng bào DTTS và miền núi là đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng, phó thôn hoặc lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội… Để phát huy vai trò của lực lượng này, đặc biệt là tham gia triển khai hiệu quả các chương trình, dự án phát triển KT – XH trên địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động, nắm bắt dư luận xã hội cho đội ngũ NCUT trên địa bàn.
Đồng bào DTTS xã Giáo Liêm (Sơn Động) chia sẻ cách thức sản xuất. |
Huyện Lục Ngạn có số lượng NCUT nhiều nhất tỉnh với 214 người, chiếm tỷ lệ 40,9%. Bà Vi Anh Thùy, Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho hay: “Do địa bàn rộng, nhiều xã trên đèo địa hình phức tạp nên Phòng thường xuyên kết nối với NCUT để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, từ đó kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền giải pháp thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương”.
Ví như khi triển khai dự án hỗ trợ xây dựng thương mại điện tử, tại một số xã trên đèo gặp khó khăn, Phòng Dân tộc đã phối hợp, tham mưu thành lập 6 tổ hợp tác xã sản xuất vải thiều VietGAP, rau an toàn do phụ nữ làm chủ tại các xã: Sa Lý, Tân Lập, Đèo Gia, Tân Sơn, Phú Nhuận, Hộ Đáp, nhờ đó hoàn thành giải ngân đúng kế hoạch.
Tại huyện Yên Thế, vai trò của NCUT được coi trọng, đề cao. Đến hết tháng 10, huyện đã giải ngân hơn 100 tỷ đồng các dự án hỗ trợ phát triển KT-XH theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi. Kết quả này có đóng góp không nhỏ của đội ngũ NCUT trên địa bàn trong tuyên truyền, triển khai cũng như tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án.
Toàn tỉnh có 73 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi với 244 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Nhằm tăng cường nắm tình hình tại cơ sở thông qua NCUT, tháng 9/2023, Ban Dân tộc tỉnh đã thành lập nhóm Zalo “NCUT – BG”. Nhóm hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện vì lợi ích cộng đồng, dân tộc; thường xuyên thông tin, phản ánh tình hình địa bàn, tâm tư, nguyên vọng của nhân dân, việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách…
Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “ Sau 2 tháng hoạt động, nhóm tiếp nhận hàng chục thông tin chất lượng, giúp cơ quan chuyên môn kịp thời nắm bắt, hướng dẫn, từ đó có chỉ đạo, giải quyết phù hợp trong thực hiện các nhiệm vụ, cũng như hóa giải các mâu thuẫn, tranh chấp mới phát sinh tại cơ sở, góp phần xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong nhân dân”.
Bài, ảnh: Hải Vân
Bắc Giang: Khi đảng viên nêu gương làm việc khó
BẮC GIANG – Nhờ tập trung cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, Đảng bộ huyện Tân Yên đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, KT-XH của địa phương.
Tuổi trẻ Bắc Giang học tập Bác về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương
(BGĐT) – Chiều 17/5, tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên (TP Bắc Giang), Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; sinh hoạt chính trị tìm hiểu về tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nêu gương sáng trong đồng bào dân tộc thiểu số
(BGĐT) – Với sự nhiệt tình và tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều người có uy tín tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa.
tin tức bắc giang, bắc giang, xây dựng nông thôn mới, đồng bào dân tộc thiểu số, Người có uy tín, nêu gương, việc khó thành dễ, bản sắc văn hóa, phong tục truyền thống, bảo đảm an ninh trật tự, địa bàn.