Ngày 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Tài chính. Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị Trung ương.
Tại điểm cầu UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì hội nghị; cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, trong tỉnh.
Năm 2024, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, song ngành Tài chính đã nỗ lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 được thực hiện ước đạt khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng, gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) hết năm 2024 đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, bằng 119,1%, tăng 324,4 nghìn tỷ đồng so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023, vượt cao so với dự toán giao. Chi NSNN đạt khoảng 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán. Công tác quản lý chi NSNN được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm nhằm tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Công tác quản lý, điều hành giá năm 2024 được bám sát theo đúng kịch bản điều hành của Chính phủ, giá cả thị trường cơ bản ổn định, chỉ số CPI bình quân 11 tháng tăng 3,69% so cùng kỳ, lạm phát tăng 2,7%…
Trong năm, Bộ Tài chính tiếp tục tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong các lĩnh vực quản lý, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ cho mục tiêu Chính phủ điện tử, Chính phủ số… Qua đó, góp phần hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ổn định vĩ mô, cân đối nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, phát triển các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống Nhân dân.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, chỉ rõ nguyên nhân khó khăn, hạn chế, đồng thời kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2025, với mục tiêu là tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh thực hiện các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng và biểu dương những kết quả đạt được của ngành Tài chính trong năm 2024. Thu ngân sách Trung ương ước đạt 123,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 114,4% dự toán. Đây là lần đầu tiên số thu ngân sách nhà nước đạt trên 2 triệu tỷ đồng, vượt 324,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán.
Phân tích tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế của ngành Tài chính là do điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, gây khó khăn, ách tắc, không giải ngân được nguồn vốn.
Dự báo trong thời gian tới tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội và dự toán NSNN năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành Tài chính cần rà soát lại các cơ chế, chính sách không phù hợp, tham mưu Chính phủ sửa đổi chính sách kịp thời, đảm bảo tính hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Tiếp tục quyết tâm, chủ động, linh hoạt, thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra, giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phát triển bền vững các lĩnh vực KT-XH. Tăng cường năng lực dự báo đúng, kịp thời những biến động tình hình kinh tế thế giới và trong nước để đề xuất các giải pháp điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm xử lý tốt các vấn đề phát sinh.
Thực hiện nghiêm pháp luật về thu, quản lý thu NSNN, tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển KT-XH. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN, tài sản công, gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững. Kiểm soát hiệu quả bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng; triển khai hiệu quả công tác đấu thầu các dự án.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Chú trọng điều hành các nhiệm vụ tài chính trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025…/.
Nguyễn Miền
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/nganh-tai-chinh-trien-khai-nhiem-vu-nam-2025