BẮC GIANG – Thực hiện công tác chuyển đổi số, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), nâng cao năng lực số cho cán bộ, hội viên. Qua đó đem lại hiệu quả trong triển khai hoạt động hội và phong trào phụ nữ.
Số hóa tài liệu, thông tin
Thực hiện Đề án số 10-ĐA/TU ngày 28/1/2022 của Tỉnh ủy về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động của các cơ quan Đảng, đoàn thể tỉnh giai đoạn 2022-2025, Hội LHPN tỉnh ban hành kế hoạch triển khai và đẩy mạnh tuyên truyền trong toàn hệ thống hội. Xác định CĐS là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, phong trào thi đua, Hội LHPN tỉnh đưa nội dung ứng dụng CNTT vào chỉ tiêu đánh giá, xếp loại thi đua của phụ nữ các ban chuyên môn, huyện, thành hội.
Hội viên phụ nữ thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) quét mã QR tìm hiểu thông tin về an ninh trật tự. |
Theo đó, hằng năm, đơn vị cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn CNTT để nâng cao trình độ, cập nhật các kiến thức, phần mềm mới. Năm 2023, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh phối hợp tổ chức 89 cuộc tập huấn, truyền thông về CNTT, CĐS, an ninh mạng cho hơn 8 nghìn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ. Nhờ đó, 100% cán bộ chuyên trách của cả 3 cấp hội đều sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác hội.
Năm 2023, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh phối hợp tổ chức 89 cuộc tập huấn, truyền thông về CNTT, CĐS, an ninh mạng cho hơn 8 nghìn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ. Nhờ đó, 100% cán bộ chuyên trách của cả 3 cấp hội đều sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác hội. |
Triển khai nhiệm vụ chuyên môn, Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh họp trực tuyến, số hóa hồ sơ, tài liệu các cuộc họp qua mã QR. Việc sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành trên mạng Internet cũng được triển khai tích cực.
Hội LHPN tỉnh chỉ đạo mỗi huyện, TP lựa chọn ít nhất một cơ sở hội ứng dụng hệ thống quản lý này. Qua đó, mỗi năm tiết kiệm hàng chục triệu đồng chi phí văn phòng phẩm, in ấn tài liệu, văn bản.
Nhờ tích cực vào cuộc, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đã giúp Hội LHPN tỉnh khai thác hiệu quả văn bản chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin trên hệ thống văn bản điện tử của UBND tỉnh. Ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử và chỉ đạo điều hành hoạt động trong hệ thống Hội được thực hiện tại tất cả cơ quan phụ nữ cấp tỉnh, huyện, TP. Ngoài ra, hiện nay, Hội LHPN tỉnh đang ứng dụng các phần mềm về báo cáo thống kê, quản lý cán bộ, hội viên và thi đua khen thưởng do Hội LHPN Việt Nam chuyển giao.
TP Bắc Giang là địa phương đi đầu trong thực hiện CĐS của tỉnh. Cùng với các đơn vị, Hội LHPN TP tích cực ứng dụng các phần mềm trong quản lý, điều hành hoạt động của địa phương, ngành, nổi bật là phần mềm quản lý hội viên. Khi triển khai phần mềm, Hội LHPN TP đã nhanh chóng tiếp cận, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ cơ sở nhập, khai thác dữ liệu.
Với phương pháp “cầm tay chỉ việc”, vừa thực hành, vừa hướng dẫn trực tiếp trên phần mềm đã giúp hội viên dễ dàng nắm bắt được các bước, thao tác. Đến nay, TP Bắc Giang đã hoàn thành việc nhập dữ liệu hội viên, cán bộ cơ sở hội sử dụng thành thạo phần mềm quản lý cán bộ, hội viên; giúp công tác quản lý hội viên chính xác, khoa học.
Đồng chí Trịnh Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội LHPN TP cho biết: “Trước đây, cán bộ cập nhật các thông tin hội viên chủ yếu làm thủ công bằng sổ sách nên mất nhiều thời gian, khó lưu trữ, tính chính xác không cao. Sử dụng phần mềm quản lý cán bộ, hội viên, chúng tôi chỉ cần một lần nhập đầy đủ dữ liệu, khi truy cập sẽ nắm được tổng quan số liệu hội viên, chi hội cùng thông tin chi tiết về năm sinh, hộ khẩu, nghề nghiệp, đối tượng chính sách, quá trình tham gia… Từ đó dễ dàng quản lý, tra cứu, trích xuất thông tin số liệu phục vụ công tác báo cáo thống kê”.
Khai thác hiệu quả, an toàn
Bên cạnh khai thác tối đa các phần mềm về quản lý, điều hành công việc, Hội LHPN các cấp trong tỉnh còn ứng dụng CNTT trong công tác tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua của tổ chức hội. Đặc biệt, việc khai thác các nền tảng trực tuyến trên mạng xã hội đã giúp đa dạng hóa kênh thông tin, tập hợp hội viên, phụ nữ. Hiện nay, hội phụ nữ từ cấp tỉnh đến cấp huyện đều thành lập nhóm Zalo phục vụ công tác chỉ đạo và tuyên truyền.
Phụ nữ xã Hồng Giang (Lục Ngạn) thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện thủ tục hành chính. |
Trang Facebook Phụ nữ Bắc Giang thu hút hơn 3 nghìn người theo dõi. Trang thông tin điện tử Hội LHPN tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin về các sự kiện của tỉnh, phong trào, hoạt động hội. Hội LHPN tỉnh xây dựng chuyên mục “Thư viện số tài liệu” trên Cổng thông tin điện tử của Hội và số hóa, truyền tải 100% tài liệu truyền thông, tập huấn của Hội LHPN tỉnh trong năm lên chuyên mục làm tài liệu tuyên truyền. Qua đó, giúp các cấp hội trên địa bàn tỉnh kịp thời cập nhật, chia sẻ thông tin hữu ích, mô hình hay, cách làm hiệu quả, lan tỏa các phong trào thi đua.
Chị Phạm Thị Sang, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Sỏi, xã Tân Sỏi (Yên Thế) cho biết: “Thông qua mạng xã hội, nhóm Zalo, chúng tôi nhanh chóng nắm bắt được các thông tin về chỉ đạo, tổ chức các hoạt động, chương trình của hội. Các bài viết, thông tin về hoạt động, chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ, vấn đề dư luận quan tâm trên các trang Facebook của Tỉnh hội được chúng tôi thường xuyên chia sẻ. Từ đó giúp hội viên dễ dàng tiếp cận những thông tin hữu ích, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, thúc đẩy phong trào thi đua của phụ nữ ngày một phát triển”.
Sự kết nối, tương tác giữa các cấp hội, giữa tổ chức hội với hội viên góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động; nắm bắt dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ…
Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS cho cán bộ, hội viên. Cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao khả năng khai thác, sử dụng, ứng dụng CNTT . Tổ chức rà soát hạ tầng CNTT để tiếp tục đầu tư nâng cấp, thay thế trang thiết bị đáp ứng yêu cầu công tác. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai Hệ thông tin điều hành tác nghiệp cho các tổ chức chính trị – xã hội cấp cơ sở.
Quá trình khai thác, sử dụng các phần mềm của T.Ư, của tỉnh chuyển giao, Hội LHPN tỉnh quán triệt cán bộ thực hiện nghiêm quy định về an toàn, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước; góp phần thực hiện hiệu quả khâu đột phá “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện CĐS trong hoạt động hội” nhiệm kỳ 2021-2026 và phong trào “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”.
Ngọc Anh
Đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ xét xử, cải cách tư pháp
BẮC GIANG – Thời gian qua, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp của tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số, đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, bảo đảm công khai, minh bạch. Qua đó nâng cao tỷ lệ xét xử và chất lượng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Chuyển đổi số để kết nối cung – cầu lao động
BẮC GIANG – Bằng nhiều cách làm sáng tạo, nhất là ứng dụng chuyển đổi số trong công tác kết nối, tư vấn, giới thiệu, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã giúp nhiều lao động có việc làm ổn định, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp (DN).
Người dân, doanh nghiệp là chủ thể và động lực chuyển đổi số
BẮC GIANG – Sáng 10/10, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Ngày Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bắc Giang năm 2023 với chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. Dự buổi lễ có đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, TP và một số doanh nghiệp (DN).
tin tức bắc giang, bắc giang, Nâng cao hiệu quả, hoạt động, hội phụ nữ, chuyển đổi số, chuyển đổi số, Hội Liên hiệp Phụ nữ