BẮC GIANG – Thời gian qua, các luật sư, trợ giúp viên pháp lý trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn pháp luật, bào chữa miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng đặc thù. Qua đó giúp các đối tượng này hiểu rõ hơn những quy định, không vi phạm pháp luật, tránh khiếu kiện.
Tham gia các phiên tòa, chị Giáp Thị Huế, Trưởng Phòng pháp luật Hình sự – Hành chính, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh không khỏi trăn trở về những trường hợp vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết. Như trường hợp của bị cáo Thân Đỗ Trung V (sinh ngày 15/9/2006) ở xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) phạm tội “Cướp tài sản” khi chưa đủ 18 tuổi.
Luật sư Giáp Thị Vân tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân ở TP Bắc Giang. |
Tháng 6/2023, V được một người họ hàng là Thân Văn Ch (sinh ngày 3/9/2009) ở xã Quang Thịnh (cùng huyện) rủ đi chơi. Đến địa phận xã An Hà thì Ch khống chế Tô Hải Ph (SN 2004) để cướp sợi dây chuyền mang đi cầm cố được 250 nghìn đồng rồi chia cho V. Khi tham gia bào chữa và tìm hiểu hoàn cảnh, chị Huế nhận thấy V nhận thức pháp luật hạn chế. Bản thân V không biết hành vi của mình là phạm tội “Cướp tài sản”.
Được tư vấn, giải thích, gia đình V nhanh chóng bồi thường tài sản cho bị hại; V cũng rất hối hận. Chị Huế thông tin thêm, không riêng V, nhiều người vi phạm pháp luật thuộc diện trợ giúp pháp lý còn ít tuổi, thiếu hiểu biết pháp luật, trong đó có người ở vùng khó khăn, người chưa thành niên dễ bị ảnh hưởng, bị dụ dỗ làm theo hoặc tham gia phạm tội.
Hay như trường hợp anh Hoàng Văn C (SN 1988) ở xã Sa Lý (Lục Ngạn) được luật sư Giáp Thị Vân, Văn phòng Luật sư Kim Vĩnh An bào chữa mới đây. Anh C là người dân tộc Sán Dìu, không biết chữ, gia đình nhiều năm thuộc diện hộ nghèo. Từ năm 2010, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn giao rừng, đất lâm nghiệp cho một số gia đình, trong đó có gia đình anh C quản lý. Vì thiếu hiểu biết, anh C cùng một số người phát hạ cây lâm nghiệp trên diện tích đất rừng được giao để trồng keo. Anh C cho hay: “Tôi thấy các hộ xung quanh phá rừng trồng keo làm kinh tế nên cũng làm theo. Tôi không biết đó là rừng phòng hộ và không biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật”.
Trên đây là 2 trong số hàng trăm vụ việc các luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia hỗ trợ. Theo thống kê của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, năm 2021, đơn vị tham gia trợ giúp 231 vụ việc; năm 2022 là 329 vụ việc; đến tháng 9/2023 thực hiện 532 vụ việc. Qua đó nhận thấy, nhiều người khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nghiêm trọng, hậu quả của hành vi vi phạm.
Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, toàn tỉnh hiện có 14 nhóm người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, trong đó có đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc cư trú ở vùng có điều kiện KT – XH đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi… |
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các địa phương đã từng bước “thấm” đến người dân. Tuy nhiên, do những yếu tố khách quan, chủ quan nên một bộ phận người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hiểu biết pháp luật còn hạn chế dẫn đến quyền lợi bị xâm phạm; chưa phân biệt rõ đúng – sai nên đưa ra những yêu cầu không có căn cứ pháp lý, thậm chí tranh chấp, khiếu kiện không đúng quy định của pháp luật.
Nhiều vụ việc tranh chấp dân sự, đặc biệt là tranh chấp về đất đai phát sinh trong đời sống xã hội khiến các mối quan hệ trong gia đình, hàng xóm bị rạn nứt. Do vậy, thời gian tới, để người dân nắm rõ hơn những quy định, khi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, cán bộ trợ giúp pháp lý cần giải thích, phân tích để họ nhận thức rõ pháp luật không đơn thuần là các quy định xử phạt, cưỡng chế mà còn bao gồm các quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Ông Phạm Xuân Anh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết: “Quá trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các báo cáo viên quan tâm mở rộng thông tin, lồng ghép vào các tình huống cụ thể, những vụ việc đã xảy ra ở chính địa bàn sinh sống, đưa ra cách giải quyết bằng pháp luật. Có như vậy, việc phổ biến pháp luật mới dễ nhớ, dễ hiểu. Thêm vào đó, hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp người dân trong quá trình xử lý, giải quyết các vụ việc cụ thể phải gắn với quyền lợi của chính họ”.
Một số ý kiến cho rằng hiện nay các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo… được người dân sử dụng phổ biến. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên mạng xã hội là một hình thức phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin trong điều kiện hiện nay. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần định hướng hành vi của mỗi người.
Bài, ảnh: Tuyết Mai
Giám sát việc chấp hành pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
BẮC GIANG – Ngày 12/10, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bắc Giang tổ chức giám sát việc chấp hành pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan tư pháp trên địa bàn huyện Tân Yên, giai đoạn 2021 – 2023. Đồng chí Đặng Hồng Chiến, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn.
Trang bị kiến thức pháp luật về đất đai và lao động cho đại diện doanh nghiệp
BẮC GIANG – Ngày 3/10, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) tổ chức hội nghị tập huấn về chính sách, pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất; chính sách, pháp luật về lao động và an toàn vệ sinh lao động cho đại diện hơn 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
tin tức bắc giang, bắc giang, Nâng cao hiểu biết, chấp hành nghiêm pháp luật, luật sư, tranh chấp dân sự, trợ giúp viên pháp lý, tư vấn pháp luật, bào chữa miễn phí