BẮC GIANG – Trong khuôn khổ cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (THCS và THPT) năm học 2023-2024, ngày 21/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông.
Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) cuộc thi chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo sở GD&ĐT các tỉnh, TP, chuyên gia, giảng viên, giáo viên của các trường đại học, THPT, THCS trên cả nước.
Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội thảo. |
Vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) khái quát về thực trạng, kết quả triển khai giáo dục STEM trong các bậc học thời gian qua.
Giáo dục STEM được thực hiện từ năm 2006 ở một số địa phương. Hoạt động này góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn; phát huy tính tích cực, sáng tạo; hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Qua đó, nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, trải nghiệm, thực hành, ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống được triển khai rộng rãi, tạo động lực khuyến khích học sinh tích cực, chủ động tham gia nghiên cứu, sáng tạo khoa học.
Năm 2012, lần đầu tiên, đoàn học sinh Việt Nam tham gia Hội thi KHKT quốc tế (ISEF) tại Hoa Kỳ và đoạt giải Nhất. Liên tục từ đó đến nay, hằng năm, học sinh Việt Nam đều tham dự hội thi KHKT quốc tế và năm nào cũng đoạt giải. Từ năm 2013, mỗi năm một lần, Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học.
Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày giáo dục STEM của Phòng GD&ĐT TP Bắc Giang. |
Để cán bộ quản lý, giáo viên trung học nắm bắt nội dung, phương pháp, hình thức triển khai hoạt động giáo dục STEM có hiệu quả, những năm qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các hội thảo, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán thực hiện. Thông qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực dạy học, giáo dục theo định hướng STEM ngay tại các cơ sở giáo dục. Đến nay, các nhà trường chủ động xây dựng chủ đề dạy học STEM, dạy học tích hợp liên môn, dạy học qua nghiên cứu bài học. Nhờ những bài học cụ thể giúp học sinh hình thành ý tưởng sáng tạo, đăng ký đề tài tham gia các cuộc thi KHKT.
Tuy nhiên, số lượng chủ đề STEM được đưa vào bài giảng chưa nhiều trong phân phối chương trình các môn học, hoạt động giáo dục trong nhà trường. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học còn thiếu để phục vụ hoạt động giáo dục STEM. Việc kiểm tra, đánh giá sản phẩm, dự án cũng như chính sách hỗ trợ giáo viên thực hiện còn hạn chế.
Đa dạng các hoạt động trải nghiệm, thực hành
Tại hội thảo, nhiều ý kiến tham luận chia sẻ về giải pháp để nâng cao chất lượng bài giảng STEM theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, các bậc học trên địa bàn TP Hải Phòng đều triển khai hoạt động giáo dục STEM. Hoạt động giáo dục STEM chủ yếu gắn với nội dung các môn khoa học tự nhiên, công nghệ, mỹ thuật, các cuộc thi. Giáo viên đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh qua những sản phẩm, mô hình, dự án STEM.
Qua đó, nhiều hoạt động trải nghiệm, thực hành được tổ chức trong nhà trường, tạo hứng thú cho học sinh học tập, nghiên cứu, sáng tạo. Sở GD&ĐT Hải Phòng đề nghị Bộ GD&ĐT tăng số lượng dự án tham dự cuộc thi KHKT cấp quốc gia cho các đoàn dự thi.
Ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng tham luận. |
Xác định giáo dục STEM là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông, ông Ngô Quốc Đường, Trưởng Phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT Bắc Giang) cho biết: Sở đã triển khai lồng ghép linh hoạt các hoạt động giáo dục STEM vào kế hoạch giảng dạy của nhà trường nhằm tích hợp các hoạt động, bổ trợ cho nhau. Nội dung các bài học bám sát chương trình các môn để học sinh được chủ động nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu học tập, vận dụng kiến thức thông qua các hoạt động. Từ đó thu hút khả năng nghiên cứu, tìm tòi, phát huy khả năng sáng tạo của học sinh.
Ông Ngô Quốc Đường tham luận tại hội thảo. |
Chia sẻ tại hội thảo, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho hay: Để nâng cao chất lượng giáo dục STEM, thời gian tới, toàn ngành nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh về ý nghĩa của hoạt động giáo dục STEM; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tài liệu giảng dạy phục vụ; tích cực xây dựng và thực hiện các chủ đề theo định hướng giáo dục STEM, tổ chức ngày hội STEM các cấp, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và sáng tạo kỹ thuật, khởi nghiệp; tăng cường công tác xã hội hoá giáo dục STEM trong nhà trường.
Ông Đỗ Tường Hiệp tham luận, |
Kết luận buổi hội thảo, đồng chí Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Để nâng cao hiệu quả giáo dục STEM trong các cơ sở giáo dục trung học, ngành giáo dục các địa phương cần triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong quá trình xây dựng kế hoạch giáo dục, nhà trường yêu cầu giáo viên xây dựng các chủ đề bài giải có thể ứng dụng hoạt động giáo dục STEM, khuyến khích học sinh sử dụng các thiết bị trong các phòng học chức năng để thực hiện các mô hình, sản phẩm.
Đồng thời, tham mưu chính sách để triển khai các hoạt động trải nghiệm STEM; khai thác tối ưu các thiết bị dạy học hiện có vào giảng dạy thực hành, thí nghiệm, ứng dụng thực tiễn. Trong đó chú trọng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, tự nghiên cứu của học sinh, không gây áp lực, quá tải kiến thức cho học sinh, chi phí tốn kém cho phụ huynh. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, tổng kết, đánh giá, nhân rộng hoạt động này.
Đồng chí khẳng định, qua hội thảo sẽ giúp giáo dục STEM ngày càng phát triển trong các trường học, cơ sở giáo dục, đồng thời thúc đẩy và truyền cảm hứng cho học sinh trong học tập, nghiên cứu, phát triển công nghệ và các ý tưởng mới; khuyến khích học sinh ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, linh hoạt ứng phó trong đời sống.
Tin, ảnh: Minh Thu – Đỗ Quyên
khoa học kỹ thuật, hội thảo, STEM, học sinh, trung học, cuộc thi, quốc gia, Bắc Giang.