BẮC GIANG – Ngày 14/3, Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách tư pháp tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm chuyên đề về nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giải quyết các vụ án hình sự, hạn chế điều tra bổ sung, điều tra lại.
Các đại biểu dự hội nghị. |
Các đồng chí: Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Nguyễn Xuân Hùng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh; Lương Xuân Lộc, Chánh án TAND tỉnh đồng chủ trì. Cùng dự có đồng chí Đặng Hồng Chiến, Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu chính Công an tỉnh đến 10 huyện, thị xã, TP.
Theo Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/1/2024, Viện KSND hai cấp đã truy tố, chuyển hồ sơ đến TAND hai cấp tổng số 2.139 vụ án với 4.345 bị cáo. Trong đó, TAND trả hồ sơ cho Viện KSND để điều tra bổ sung 63 vụ với 174 bị cáo, bằng 2,95% tổng số vụ (cấp tỉnh 15 vụ, 27 bị cáo; cấp huyện 48 vụ, 147 bị cáo).
Cơ quan điều tra (CQĐT) kết thúc điều tra đề nghị truy tố tổng số 1.882 vụ với 3.210 bị can. Trong đó Viện KSND trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung 28 vụ với 103 bị can, chiếm 1,49% tổng số vụ (16 vụ có trách nhiệm của Viện KSND; 19 vụ có trách nhiệm của điều tra viên – ĐTV; 15 vụ có trách nhiệm của cả VKS và ĐTV).
Nguyên nhân trả hồ sơ để điều tra bổ sung do thiếu chứng cứ; do có căn cứ xác định ngoài hành vi phạm tội mà Viện KSND đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi phạm tội khác; do có căn cứ xác định còn có đồng phạm khác hoặc người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; do vụ án có phát sinh tình tiết mới hoặc lý do khác.
Về điều tra lại có 8 vụ với 13 bị can, trong đó nhiều nhất là thị xã Việt Yên (3 vụ); huyện Yên Dũng (2 vụ); các huyện Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên mỗi huyện 1 vụ.
Căn cứ để trả hồ sơ điều tra lại do có đồng phạm khác; tại phiên tòa bị cáo thay đổi lời khai; TAND cho rằng hành vi của bị cáo có dấu hiệu của tội phạm khác; xác định không đầy đủ số lần phạm tội của bị cáo; thiếu chứng cứ dẫn đến bị cáo không nhận tội tại tòa…
Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu kết luận. |
Tại hội nghị, các ý kiến tham luận cho rằng nguyên nhân khách quan dẫn đến hồ sơ bị trả lại để điều tra bổ sung, điều tra lại là do tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp cả về quy mô, tính chất, phương thức, thủ đoạn, hậu quả thiệt hại.
Một số vụ án số đối tượng, người liên quan, người bị hại đông; tội phạm trên không gian mạng, tội phạm thực hiện tại nhiều nơi, nhiều địa phương trên cả nước dẫn tới công tác điều tra, xác minh mất rất nhiều thời gian, công sức.
Nhiều hoạt động điều tra cần phải trưng cầu cơ quan chuyên môn, thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự… mà với thời hạn điều tra theo quy định thì chưa thể đáp ứng được việc thực hiện các hoạt động điều tra, củng cố tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm một cách chắc chắn nhất.
Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành còn nhiều quy định bất cập. Công tác hướng dẫn, giải thích pháp luật chưa kịp thời và đồng bộ, đặc biệt là việc vận dụng các án lệ vào công tác xét xử. Số lượng ĐTV, KSV, thẩm phán còn thiếu so với yêu cầu khối lượng vụ án giải quyết hiện nay.
Nguyên nhân chủ quan do ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của một số ĐTV, cán bộ điều tra, KSV, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án còn hạn chế, chưa tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục quy định của pháp luật, nghiệp vụ của ngành.
Do sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có lúc, có việc chưa chặt chẽ và linh hoạt; công tác đánh giá chứng cứ một số vụ án chưa thống nhất. Lãnh đạo một số CQĐT, VKS, Tòa án còn chưa sát sao trong kiểm tra, đôn đốc nên không kịp thời phát hiện vi phạm, thiếu sót để chỉ đạo khắc phục ngay.
Để hạn chế trả hồ sơ điều tra bổ sung, điều tra lại, các ý kiến đề xuất: CQĐT, VKS, Tòa án hai cấp quán triệt, thống nhất trong nhận thức, hành động về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác trả hồ sơ. Đây là chế định pháp lý được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, triệt để, phòng tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, các thông tư, quy định và các văn bản hướng dẫn của T.Ư, của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh.
Lãnh đạo CQĐT, VKS, Tòa án hai cấp tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo giải quyết vụ án hình sự do cơ quan mình thụ lý, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, không phó mặc cho cấp phó.
Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ ĐTV, KSV, Thẩm phán.
CQĐT, VKS, Tòa án cùng cấp tăng cường mối quan hệ phối hợp ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, đặc biệt là với các nguồn tin có nhiều quan điểm khác nhau về tội danh, đường lối xử lý. Hằng năm, liên ngành CQĐT, VKS, Tòa án cấp tỉnh duy trì việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về nội dung này.
Các đại biểu kiến nghị liên ngành tư pháp T.Ư và liên ngành tư pháp tỉnh có ý kiến nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều luật, quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự và thông tư liên tịch nhằm khắc phục những thiếu sót, vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Thượng tá Lại Minh Tiến, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự phát biểu tham luận. |
Kết luận, Đại tá Nguyễn Quốc Toản cho rằng việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại nằm trong quy định của pháp luật. Các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ các vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại của tỉnh những năm qua đều nằm trong ngưỡng quy định pháp luật cho phép.
Tuy nhiên, điều này đã phần nào làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng công an. Đồng chí cho rằng để xảy ra như vậy trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan điều tra và ĐTV. Vì vậy, thời gian tới cần tập trung nâng cao chất lượng hoạt động điều tra. Trước mỗi vụ án, ĐTV được phân công thụ lý phải xây dựng kế hoạch điều tra chi tiết; lãnh đạo phải duyệt kỹ kế hoạch, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, áp dụng triệt để các biện pháp điều tra theo quy định của pháp luật.
Quá trình điều tra, ĐTV phải thực hiện nghiêm túc việc chuyển giao tài liệu điều tra, xác minh cho VKS theo quy định; thường xuyên phối hợp với KSV rà soát, kiểm tra tiến độ. Trước khi kết thúc điều tra vụ án, ĐTV và KSV phải phối hợp đánh giá chứng cứ, tài liệu đã thu thập được (có lập biên bản), nếu phát hiện chứng cứ còn thiếu hoặc có vi phạm thủ tục tố tụng hay bỏ lọt tội phạm và người phạm tội khác thì phải kịp thời bổ sung, khắc phục ngay trong giai đoạn điều tra. Với các vụ án có khó khăn, vướng mắc phải cùng nhau nghiên cứu, đánh giá,
ĐTV, KSV, thẩm phán phải kịp thời báo cáo lãnh đạo ngành mình để lãnh đạo liên ngành trao đổi, thống nhất thực hiện hoặc xin ý kiến liên ngành cấp trên sớm, tránh để vụ án sắp hết thời hạn điều tra hoặc vụ án đã được kết luận, chuyển sang VKS mới phát hiện dẫn đến bị trả. Sửa đổi, hoàn thiện Quy chế phối hợp giữa 3 ngành. Từng ngành cần có sự chỉ đạo nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trong việc kiểm tra hướng dẫn, xây dựng lực lượng điều tra đáp ứng yêu cầu. Đẩy mạnh công tác trao đổi, phối hợp, có cơ chế giao ban liên ngành hằng quý, sơ kết hằng năm.
Tin, ảnh: Thu Phong
Điều tra làm rõ vụ “Giết người” xảy ra tại xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng
BẮC GIANG – Hồi 2 giờ 20 phút ngày 19/2, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang tiếp nhận tin báo của Công an huyện Yên Dũng về việc: Khoảng hơn 1 giờ cùng ngày, bà Luyện Thị Hiến, sinh năm 1952, trú tại thôn Voi, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) phát hiện con dâu là chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1981 chết trong phòng ngủ của gia đình và anh Trương Đình Thành, sinh năm 1979 (là con trai bà Hiến và là chồng chị H) có nhiều thương tích trên người.
giải quyết vụ án hình sự, hạn chế, điều tra bổ sung, điều tra lại, bắc giang