Tiến Đạt được nhận vào lớp tài năng, kèm học bổng ở ngôi trường top 60 Mỹ, với bài luận kể về việc làm thêm và cách cân bằng cuộc sống khi kiếm được gần chục triệu mỗi tháng.
Đạt hỗ trợ bệnh nhi tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Giữa tháng 12, Đinh Tiến Đạt, lớp 12A1, Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội, nhận kết quả trúng tuyển Đại học Brandeis – trường top 60 tại Mỹ, được ví như “Ivy League cho người Do Thái”, với hỗ trợ tài chính 260.000 USD (hơn 6 tỷ đồng), tương đương 80% học phí.
Đạt kể trong email, trường gửi ba lá thư, gồm thư chấp nhận, hỗ trợ tài chính và thông báo cho biết em được nhận vào chương trình tài năng. Điều này đồng nghĩa em sẽ được trải nghiệm những tiện ích như học thẳng lên thạc sĩ trong một năm, được ưu tiên vị trí thực tập…
“Vì chỉ bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ du học từ 6 tháng trước, kết quả này vượt mong đợi của em”, chàng trai Hà Nội nói.
Trong khi nhiều bạn bè đã lên kế hoạch du học từ lớp 10, thời điểm đó, Đạt không hứng thú vì thấy rằng học và làm việc trong nước phù hợp hơn. Tuy nhiên, giữa năm lớp 11, bà nội của em qua đời. Nam sinh kể luôn được bà thưởng mỗi lần đạt điểm cao hay có thành tích tốt. Điều này đã trở nên thân thuộc trong quá trình lớn lên của em, nên sự ra đi của bà khiến Đạt hụt hẫng và suy sụp.
“Sau quãng thời gian không mấy tươi sáng, em muốn lựa chọn một hướng đi mới, môi trường mới có thể giúp tái định hình bản thân. Thế nên em nghĩ tới du học”, Đạt kể.
Thời điểm đó, Đạt sắp kết thúc lớp 11, tức chỉ còn khoảng 6 trước kỳ nộp hồ sơ sớm ở Mỹ, trong khi em chưa có gì trong tay, kể cả điểm chuẩn hóa.
“Thực sự là quá muộn nên mọi thứ với em gấp gáp và như một ván cược”, nam sinh nhớ lại.
Đầu tiên, Đạt ôn SAT (bài thi chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi trong xét tuyển đại học Mỹ và nhiều quốc gia khác). Nam sinh từng thi SAT một vài lần trước đây, nhưng chỉ đạt khoảng 1.340-1.460/1.600, mức chưa an toàn nếu muốn xin học bổng. Do đó, nam sinh đặt mục tiêu lần này phải đạt từ 1.500 trở lên.
Đạt dành hơn một tháng hè cho SAT, mỗi ngày luyện 3-4 đề Toán và 2-3 đề Đọc hiểu. Trong kỳ thi cuối tháng 8, Đạt thi và nhận kết quả 1.500 như mong muốn. Sau đó, nam sinh tiếp tục học IELTS để thi vào cuối tháng 9. Chứng chỉ này khiến nam sinh lo lắng hơn, vì đây là tiêu chí bắt buộc của hồ sơ và em cũng chưa thi IELTS bao giờ.
Tuy vậy, nam sinh không vội vồ vập luyện đề ngay lập tức, mà dành nhiều thời gian tham khảo để chọn phương pháp phù hợp với mình. Dành hơn một tháng với IELTS, nam sinh đạt 8.0 và hài lòng về kết quả.
Bài luận chính – yếu tố quan trọng của hồ sơ du học, khiến Đạt đầu tư và suy ngẫm nhiều nhất. Nam sinh Hà Nội nghĩ về chủ đề của bài luận từ lúc ôn thi SAT, nhưng sau khi hoàn thành các chứng chỉ, em mới bắt tay thực hiện.
Ban đầu, Đạt viết về quãng thời gian tinh thần đi xuống, cần sự hỗ trợ của thầy cô và bộ phận tâm lý của trường, rồi dần dần vượt qua. Lúc hoàn thiện, Đạt khá ưng ý, nhưng sau một tuần đọc lại, nam sinh cảm nhận rằng bài luận này nặng nề, đen tối, không thể hiện chính xác sự chuyển biến nhận thức và những năng lực mà em có.
Chỉ trong ít ngày, Đạt phải tìm câu chuyện khác cho bài luận chính và em quyết định kể về quá trình mình kiếm tiền, cách cân bằng cuộc sống khi có thu nhập.
Từ lớp 10, Đạt bắt đầu nhận thiết kế giao diện đồ họa 2D và mô hình 3D cho game. Mong muốn ban đầu của em là đổi sản phẩm lấy tiền và vật phẩm trong game đó. Dần dần, các sản phẩm của Đạt được nhiều người biết tới, em nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn. Tiền được trả bắt đầu tính bằng USD, không chỉ quy đổi trong game như trước. Đỉnh điểm vào đầu năm nay, có những tháng thu nhập của Đạt lên tới hàng chục triệu đồng.
Thu nhập hấp dẫn khiến Đạt dành nhiều thời gian kiếm tiền, bỏ bê việc học và dần xa cách bạn bè, ít nói chuyện với các thành viên trong nhà. Nam sinh chỉ nhìn nhận lại bản thân sau một lần được bạn nhờ hỗ trợ dự án từ thiện bằng cách thiết kế ấn phẩm truyền thông. Đạt hỏi “Được trả bao nhiêu?”, người bạn ngẩn người, nói “cũng chưa nghĩ tới vì tưởng dự án từ thiện thì người tham gia hỗ trợ miễn phí”.
“Về nhà, em đã suy nghĩ rất nhiều về câu chuyện này. Em thấy xấu hổ và nhớ lại mục tiêu ban đầu của mình: kiếm tiền chỉ là để đỡ phải xin tiền bố mẹ và em luôn muốn giúp đỡ người khác”, Đạt nói.
Sau đó, nam sinh chủ động giảm thời gian làm việc, nói chuyện với bạn bè và người thân nhiều hơn. Công việc cũng không phải ưu tiên hàng đầu của Đạt nữa, ngay cả nhận tin nhắn của khách, em cũng chưa vội vàng trả lời mà chỉ khi hoàn thành bài tập, có thời gian mới hồi đáp. Thu nhập giảm 3-5 lần, nhưng Đạt nói vui và thoải mái tinh thần hơn.
Với hoạt động ngoại khóa, Đạt tham gia nhiều dự án xã hội, nghệ thuật. Từ khi học lớp 1, em đã cùng gia đình tham gia các hoạt động từ thiện, hiện vẫn duy trì nấu cháo cho người bệnh ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương vào cuối mỗi tuần. Ngoài ra, Đạt còn thành viên ban truyền thông của dự án The Anthurium Project (TAP) nói về quyền phụ nữ. Khả năng chơi piano, rubik cùng sở thích đọc sách cũng giúp Đạt cân bằng việc học với các hoạt động khác.
Thầy Nguyễn Thành Đăng, giáo viên chủ nhiệm lớp 10 và 11 của Đạt, nhận xét học trò bản lĩnh, chín chắn với nhiều suy nghĩ lớn trước tuổi. Điều này thể hiện rất rõ trong quá trình em ổn định tinh thần, vượt qua cú sốc mất người thân.
Ngoài ra, thầy Đăng đánh giá cao Đạt ở sự khiêm tốn. Đạt cũng tự giác và trách nhiệm trong việc học, một khi đã xác định được mục tiêu, em sẽ tuân thủ kỷ luật để thực hiện nó. Nam sinh cũng có khả năng khởi xướng, dẫn dắt các hoạt động phong trào.
“Đạt thông minh, lại tình cảm, nhìn chung được cả IQ (chỉ số trí tuệ) và EQ (chỉ số cảm xúc). Đây là một trong những học trò đặc biệt nhất của tôi”, thầy Đăng đánh giá.
Đạt sẽ tới Mỹ và nhập học trường Brandies vào tháng 8/2024. Thời gian tới, nam sinh xác định vẫn cần hoàn thành chương trình học tại trường với kết quả tốt. Cùng với đó, Đạt muốn tìm thêm cơ hội để cọ xát, trải nghiệm công việc thiết kế, bổ sung những kỹ năng thiết yếu khi sống xa nhà như nấu ăn, sử dụng bản đồ…
“Em sẽ học hai ngành Kinh doanh và Khoa học máy tính, mơ ước xây dựng công ty chuyên cung cấp giải pháp về công nghệ, thiết kế”, Đạt chia sẻ.
Theo VnExpress
Nam sinh, giành học bổng, 6 tỷ đồng, bài luận về cách kiếm tiền, Tiến Đạt