Chiều 27/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 ngành Nông nghiệp và PTNT. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị Trung ương. Tại điểm cầu Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì hội nghị; cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh.
Năm 2024, ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt là Bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nặng nề, toàn ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu. Tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 3,3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7%; thặng dư thương mại 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Trong năm, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh liên doanh, liên kết phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị tăng cao. Triển khai các giải pháp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, gắn với đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số, hoàn thiện thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp.
Về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 78,7% xã đạt chuẩn NTM, trong đó 2.225 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 532 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 302 đơn vị cấp huyện và 05 tỉnh đạt chuẩn NTM. Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về số lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu; đã có hơn 14.600 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, tăng hơn 3.500 sản phẩm so với 2023.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận những hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục. Theo các đại biểu, mặc dù các cấp, ngành, hiệp hội có nhiều nỗ lực, nhưng việc xuất khẩu nông sản đặc biệt mặt hàng rau, quả còn thiếu ổn định. Công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm được tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhưng vẫn xảy ra vi phạm tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, gây phản ứng dư luận xã hội. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM không tăng. Hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai một số nơi chưa đủ năng lực chống chịu trước diễn biến dị thường của thiên tai, điển hình tác động của Bão số 3 đối với 26 tỉnh, thành phố phía Bắc. Vốn đầu tư công bố trí từ đầu năm 2024 chỉ đáp ứng khoảng 48% nhu cầu, dẫn đến một số dự án đã phê duyệt phải dừng hoặc giãn tiến độ…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương và chúc mừng những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp trong năm 2024, nhất là tốc độ tăng trưởng GDP; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thặng dư thương mại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, trong năm 2024, ngành Nông nghiệp và PTNT phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là cơn Bão số 3 song lãnh đạo ngành Nông nghiệp và PTNT kịp thời tham mưu với Chính phủ nhiều quyết sách quan trọng, “biến không thể thành có thể”, nhanh chóng ổn định đời sống Nhân dân, khôi phục sản xuất.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn thời gian tới ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục triển khai các giải pháp, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của đất nước. Quyết tâm khắc phục những khó khăn, năm 2025 tiếp tục tăng tốc, bứt phá để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 3,5 – 4%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản 63 – 65 tỷ USD.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững; kịp thời tháo gỡ nút thắt cơ chế, chính sách trong nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu. Thu hút các nguồn lực đầu tư hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, trong đó có hạ tầng thủy sản, sớm gỡ “Thẻ vàng” đối với khai thác thủy sản.
Tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Tập trung cơ cấu lại nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị; hỗ trợ các địa phương kết nối với doanh nghiệp, thúc đẩy chế biến, xây dựng thương hiệu, hướng tới xuất khẩu sản phẩm nông sản.
Các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần tập trung tổ chức rà soát, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, tránh trùng chéo chức năng nhiệm vụ. Đồng thời tăng cường phân cấp quản lý; minh bạch, công khai trong giải quyết thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT. Đẩy nhanh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường; bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; xây dựng NTM thực chất, hiệu quả, gắn với phát triển kinh tế nông thôn…/.
Nguyễn Miền
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/nam-2025-nganh-nong-nghiep-va-ptnt-tiep-tuc-tang-toc-but-pha-phan-au-at-muc-tang-truong-tu-3-5-4-