BẮC GIANG – Với ý chí vươn lên mạnh mẽ, ông Nguyễn Văn Khanh (SN 1961) đã khởi nghiệp thành công, là chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) của hai doanh nghiệp may lớn trên địa bàn tỉnh là Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong và Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc. Ông được vinh danh là một trong 10 “Công dân Bắc Giang ưu tú” năm 2023.
Khởi nghiệp khi tuổi ngoại tứ tuần
Sinh ra ở thị trấn Nhã Nam (Tân Yên), năm 10 tuổi ông cùng bố mẹ về quê nội ở thị trấn Bích Động (Việt Yên) sinh sống. Tuổi thơ gian khó đã tạo ý chí vươn lên mạnh mẽ trong cậu bé Khanh. Sau thời gian phục vụ quân ngũ, ông trở về quê tiếp tục học tập và thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Tốt nghiệp, ông làm việc tại Phòng Kế hoạch, Xí nghiệp Thảm len tay xuất khẩu Bắc Ninh (sau này là Xí nghiệp May xuất khẩu Bắc Ninh). Với nỗ lực trong công việc, năm 1996 ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Xí nghiệp.
Các đồng chí: Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trao danh hiệu “Công dân Bắc Giang ưu tú” năm 2023 cho ông Nguyễn Văn Khanh. |
Thấy rõ tiềm năng phát triển của ngành may, ông Khanh nung nấu ý tưởng thành lập doanh nghiệp (DN) của riêng mình. Nhiều lần về Việt Yên thăm người thân, nghe chuyện bà con phải đạp xe hàng chục cây số sang Bắc Ninh làm việc, thậm chí có người mất mấy gánh thóc mới xin được làm công nhân khiến ông trăn trở. “Tôi nghĩ quê mình đất rộng, lao động phổ thông nhiều, tại sao không mở nhà máy để tạo việc làm cho bà con và tôi quyết định về Bắc Giang khởi nghiệp năm 41 tuổi”, ông Khanh nói.
Với tâm niệm khởi nghiệp không bao giờ muộn, chỉ cần đam mê và ý chí quyết tâm, năm 2002, Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc chính thức ra đời tại Khu công nghiệp Đình Trám, quy mô 2.500 công nhân.
Năm 2022, ông Nguyễn Văn Khanh được vinh danh “Doanh nhân tiêu biểu tỉnh Bắc Giang” giai đoạn 2019 – 2022; năm 2023 được trao danh hiệu “Công dân Bắc Giang ưu tú”. |
Theo ông Khanh, để DN hoạt động ổn định, trước hết phải xây dựng bộ máy cốt cán. Đặc biệt đối với DN may sử dụng nhiều thiết bị hiện đại thì những bộ phận như: Kỹ thuật, thiết kế mẫu, công nghệ, kế hoạch, xuất khẩu, tổ chức quản trị đều cần người có chuyên ngành làm “thủ lĩnh”.
Học người đi trước về kinh nghiệm “thu hút nhân tài”, ông không ngại khó khăn, vất vả đến tận nhiều nhà máy may ở tỉnh Nam Định tìm kiếm nhân lực chất lượng cao. Ông bày tỏ sự trân trọng, mong muốn hợp tác cùng họ; đưa ra chế độ đãi ngộ như tăng lương, hỗ trợ nhà ở, ô tô đưa đón… Nhờ vậy, DN đã tuyển được nhiều người có chuyên môn, kinh nghiệm trong ngành may về làm việc.
Có nhân sự chủ chốt, ông nhanh chóng tuyển dụng công nhân. “Thời điểm đó, mỗi ngày có thể tuyển tới 1 nghìn người”, ông Khanh nói. Tuy vậy bà con hầu hết chưa biết nghề. Nhận thấy để đào tạo một thợ may truyền thống cần thời gian từ 4-6 tháng, tốn công và chi phí, trong khi dây chuyền sản xuất chỉ đòi hỏi một kỹ thuật nhất định. Bởi vậy ông đã nghĩ ra cách đào tạo theo mô đun, tức là theo từng công đoạn. Ai ở công đoạn nào thì học riêng kỹ thuật đó. Bởi vậy ngay ngày đầu, công nhân có thể bắt tay vào công việc sau khi được hướng dẫn.
Lực lượng đã có song để bộ máy hoạt động trơn tru, hiệu quả thì không đơn giản. Ông Khanh liên kết với một số DN may ở Hà Nội cử cán bộ, công nhân đến làm việc, học tập kinh nghiệm. Quá trình học tập, công nhân nhận lương và được Công ty hỗ trợ chi phí đi lại, thuê nhà trọ. Sau 3 tháng gửi đi đào tạo, đội ngũ cán bộ, người lao động trở về đã nhanh chóng bắt nhịp, vận hành hoạt động của nhà máy. Thời điểm đầu, với mỗi một mã hàng, DN tổ chức may “rửa chuyền” tức sản xuất thử hàng loạt mẫu để tránh sai sót khi may sản phẩm thật.
Những ngày đầu khởi nghiệp, việc tìm kiếm khách hàng cũng gặp khó khăn bởi DN mới hoạt động nên nhiều bạn hàng e ngại. Tuy nhiên sau thời gian, các DN hợp tác hài lòng với chất lượng sản phẩm, giá thành nên việc làm ăn ngày càng thuận lợi.
Hướng tới mục tiêu phát triển theo chuỗi
Sau nhiều năm kiên định thực hiện mục tiêu, Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc không ngừng phát triển. Năm 2006, ông Khanh tiếp tục thành lập Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong tại xã Đoan Bái (Hiệp Hòa), tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Quá trình sản xuất, DN thường xuyên đầu tư máy móc, dây chuyền hiện đại.
Ông Nguyễn Văn Khanh trò chuyện với người lao động tại Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong. |
Hiện hai DN đều phát triển với quy mô lớn, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Riêng Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong là một trong những DN có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất ngành dệt may cả nước. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Công ty ước đạt 240 triệu USD; doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 50 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho hơn 7,7 nghìn lao động với thu nhập bình quân 9,6 triệu đồng/người/năm.
Hướng đến mục tiêu phát triển DN theo chuỗi, những năm gần đây, ông Khanh tiếp tục mở rộng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Hiện ông còn là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bao bì Hòa Phong và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hà Thịnh. Cùng với chú trọng hoạt động sản xuất, các DN do ông Khanh làm Chủ tịch HĐQT đều thực hiện tốt chế độ, chính sách, quyền lợi cho người lao động. Cá nhân ông Khanh luôn tích cực tham gia ủng hộ hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo. Riêng năm 2023, Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong đã ủng hộ hơn 1,3 tỷ đồng và quần áo làm từ thiện cho các chương trình an sinh xã hội.
Quá trình khởi nghiệp, doanh nhân Nguyễn Văn Khanh không ngại học hỏi. Cứ ở đâu có mô hình hay, cách quản lý hiệu quả là ông dành thời gian tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Câu nói “muốn đi xa phải đi cùng nhau” luôn là kim chỉ nam theo ông trong suốt quá trình lập nghiệp. Ông quan niệm, với bạn hàng, đôi khi mình chịu thiệt một chút không sao, với người lao động thì bảo đảm cho họ những quyền lợi tốt nhất. Có như vậy DN mới ngày càng lớn mạnh bởi sức mạnh tập thể. Đối với những người trẻ đang bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa lập thân, lập nghiệp, ông sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm mình đang có.
Câu chuyện khởi nghiệp ở tuổi 41, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu DN Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước của doanh nhân Nguyễn Văn Khanh đã lan tỏa và trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ.
Bài, ảnh: Hoài Thu
Công dân Bắc Giang ưu tú – nhà giáo Nguyễn Văn Đóa: Hạnh phúc với nghề
BẮC GIANG – Được tôn vinh danh hiệu Công dân Bắc Giang ưu tú tháng 10 vừa qua, thầy giáo Nguyễn Văn Đóa (SN 1979), Tổ phó chuyên môn Tổ Vật lí, Trường THPT Chuyên Bắc Giang được biết đến với thành tích “khủng” trong công tác giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG). Vậy nhưng thầy luôn khiêm nhường khi nói về mình, cho rằng những thành tích và danh hiệu đạt được đều là kết quả chung của tập thể, do công sức, sự nỗ lực không ngừng của các thầy cô và học trò nhà trường.
Tôn vinh 10 công dân Bắc Giang ưu tú năm 2023
BẮC GIANG – Sáng 5/10, tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ tôn vinh Công dân ưu tú năm 2023. Đây là năm thứ 2 tỉnh tổ chức xét tặng, tôn vinh danh hiệu này.
10 công dân Bắc Giang ưu tú năm 2023
BẮC GIANG – Lễ tôn vinh 10 Công dân Bắc Giang ưu tú năm nay được UBND tỉnh tổ chức vào dịp kỷ niệm 128 năm Ngày thành lập tỉnh Bắc Giang 10/10 (1895- 2023); 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I, 17/10 (1963-2023). 10 Công dân Bắc Giang ưu tú có thành tích xuất sắc trong công tác, học tập, phát triển KT-XH; là những điển hình tiên tiến học và làm theo Bác, có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Tự hào Công dân ưu tú
(BGĐT) – Hôm nay (7/10), UBND tỉnh tổ chức tôn vinh 10 Công dân Bắc Giang ưu tú năm 2022. Đây là những cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực; là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống, có sức lan tỏa trong cộng đồng.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, doanh nghiệp may, công nhân, Công ty cổ phần, May xuất khẩu