Công chức có mức lương cao nhất hiện nay là 18 triệu đồng/tháng. Sau cải cách tiền lương, mức lương của công chức sẽ bằng hoặc cao hơn mức lương của khu vực doanh nghiệp.
Mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng. |
Lương công chức cao nhất hiện nay
Ban hành kèm Nghị định 204/2004/NĐ-CP là bảng lương chuyên gia cao cấp và bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước.
Theo đó, hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, lương của công chức vẫn được tính theo công thức: Lương = Hệ số lương x mức lương cơ sở.
Trong đó, hệ số lương cao nhất của công chức là 10,0 áp dụng với chuyên gia cao cấp không giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong lĩnh vực chính trị, hành chính, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, y tế, văn hóa và nghệ thuật.
Ngay sau đó là hệ số lương 8,0 của công chức loại A3, bậc 6 áp dụng với các đối tượng: Chuyên viên cao cấp, thanh tra viên cao cấp, kiểm soát viên cao cấp thuế…
Cụ thể, mức lương cao nhất của công chức hiện nay là công chức chuyên gia cao cấp xếp lương ở bậc 3 có hệ số lương là 10,0, tương đương với tiền lương 18 triệu đồng/tháng. Tiếp đó là công chức loại A3 với tiền lương là 14,4 triệu đồng/tháng.
Đây được xem là cách tính lương “cơ bản” với mỗi công chức bởi ngoài lương, công chức còn được hưởng phụ cấp. Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng các khoản phụ cấp giống nhau.
Sau khi cải cách tiền lương
Vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện chính sách tiền lương từ 1/7/2024.
Theo Nghị quyết 27, khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương hiện nay.
Thay vào đó, nhà nước xây dựng chế độ tiền lương mới với cơ cấu như sau: Lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; bổ sung thêm quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp).
Như vậy, sau khi cải cách tiền lương, lương cơ bản của công chức viên chức sẽ chiếm khoảng 70% tổng lương.
Nghị quyết 27 cũng đưa ra mục tiêu tăng mức lương công chức, viên chức với những bước cơ bản để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa khu vực công với khu vực doanh nghiệp.
Cụ thể, lộ trình đề ra ban đầu, từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.
Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
Như vậy, khi cải cách tiền lương, mức lương cao nhất của công chức sẽ không thấp hơn so với mức lương cao nhất hiện nay.
Vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận, chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.
Nếu đề xuất được duyệt, lương tối thiểu vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280.000 đồng); Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng); Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng); Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200.000 đồng).
Với lương tối thiểu vùng theo giờ, Hội đồng tiền lương quốc gia cũng thống nhất phương án tăng thêm 6% từ ngày 1/7/2024.
Cụ thể, vùng I tăng từ 22.500 đồng/giờ lên 23.800 đồng/giờ; Vùng II tăng từ 20.000 đồng/giờ lên 21.000 đồng/giờ; Vùng III tăng từ 17.500 đồng/giờ lên 18.600 đồng/giờ; Vùng IV tăng từ 15.600 đồng/giờ lên 16.600 đồng/giờ.
Nếu được thông qua, lương tối thiểu vùng sẽ điều chỉnh cùng thời điểm cải cách tiền lương trong khu vực công từ 1/7/2024.
Theo Dân trí