Năm mới là thời điểm du khách tới Trung Quốc được chứng kiến một trong những màn trình diễn ấn tượng – múa rồng lửa.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống, múa rồng lửa vào đầu năm mới thể hiện mong ước cầu may, xua đuổi bệnh tật và cũng là hoạt động giải trí của người Trung Quốc.
Kwok Kam Chau, giáo sư tại Đại học Baptist Hong Kong nghiên cứu các lễ hội và tôn giáo trong xã hội Trung Quốc, cho biết những điệu múa này phục vụ lễ hội, xua đuổi bệnh dịch. Giáo sư Chung Po Yin, cũng dành nhiều năm nghiên cứu các điệu múa rồng lửa, nói thêm người Trung Quốc xưa thờ rồng để cầu mưa. Niềm tin bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian, Phật giáo và Đạo giáo coi rồng là thần sông hoặc thần mưa.
Múa rồng dưới sắt nóng chảy tại thị trấn cổ Hoàng Long Tây ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: Alamy |
Múa rồng được ghi nhận tại các sự kiện, nghi lễ từ thời nhà Hán (202-220) TCN. Múa rồng lửa bắt đầu xuất hiện trong các ghi chép từ đời nhà Thanh (1644-1911) nhưng một số nhà sử học cho rằng loại hình nghệ thuật dân gian này còn có niên đại xa hơn nữa, từ thời nhà Minh (1368-1644).
Ngày nay hoạt động múa rồng lửa diễn ra khắp nước như một phần chào đón Tết Nguyên đán. Tùy theo địa phương sẽ có các màn biểu diễn khác nhau. Những nơi có truyền thống múa rồng nổi tiếng, thu hút du khách ghé xem là Quảng Đông, Hồ Nam, Tứ Xuyên, Trùng Khánh.
Làng Puzhai, huyện Phong Thuận, tỉnh Quảng Đông thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn múa rồng lửa trong Tết Nguyên tiêu (15/1 âm lịch). Truyền thống này có từ thời nhà Thanh và được chính phủ công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2008.
Khi pháo được đốt lên, một nhóm trai làng cởi trần chạy vào quảng trường trong làng, nâng một con rồng dài hơn 30 m bao phủ bởi pháo hoa vòng và rước quanh. Trước đó người dân bắt đầu đốt nhiều loại pháo hoa. Thời khắc quan trọng nhất của lễ hội là lúc già làng bắt đầu đốt pháo hoa gắn vào thân con rồng khiến con vật rực rỡ dưới ánh sáng.
Truyền thống múa rồng lửa được làm từ thép diễn ra tại các thị trấn ở huyện tự trị Tương Tây, Thổ Gia và Khu tự trị người dân tộc Miêu, tỉnh Hồ Nam trong nhiều thế kỷ. Sự kiện này cũng diễn ra vào dịp Tết Nguyên tiêu nhằm cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Sự kiện thường bắt đầu bằng tiếng trống, cồng chiêng, tiếng hò reo cổ vũ của người xem. Sau đó pháo hoa được bắn ra từ nhiều ống tre quanh nơi các vũ công đang múa rồng. Điệu múa kết thúc bằng việc thả rồng xuống sông, một số nơi khác đợi đến khi con rồng bị cháy còn trơ lại khung thép mới kết thúc.
Từng bị lo lắng là hoạt động truyền thống sẽ bị lụi tàm, múa rồng được hồi sinh nhờ những người dân địa phương nhiệt tình chia sẻ hình ảnh và clip trên mạng xã hội để quảng bá nó. Điệu múa Rồng lửa thép được thêm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc năm 2018.
Rồng lửa phố cổ Hoàng Long Tây, tỉnh Tứ Xuyên cũng thu hút nhiều du khách vì đây là một trong những màn múa lửa hoành tráng nhất tại Trung Quốc.
Mang đậm kiến trúc cổ từ thời nhà Thanh, cổ trấn ở thành phố Thành Đô này nổi tiếng với nhiều ngôi chùa, trở thành điểm đến được yêu thích trong dịp Tết Nguyên đán. Hàng năm cổ trấn tổ chức hội chợ Tết, gồm cả múa rồng lửa liên tiếp trong 5 ngày đầu năm mới. Ở đây không đốt pháo hoa mà dùng dung nham sắt nóng chảy ném vào không trung. Khi dung nham nguội đi và tỏa những tia sáng lấp lánh lên không trung, rồng lửa được người dân múa xoay quanh các tia sáng tạo nên khung cảnh đẹp mắt.
Rồng lửa huyện Đồng Lương, tỉnh Trùng Khánh là một trong những màn trình diễn múa rồng lửa hoành tráng nhất trong số các địa phương có truyền thống múa rồng. Khi những giọt sắt nóng chảy được bắn lên bầu trời và thắp sáng bóng tối, bóng của con rồng xoay quanh ánh sáng từ lửa sắt tạo nên một khung cảnh tráng lệ.
Được mệnh danh là quê hương của rồng lửa, du khách đến huyện Đồng Lương có thể xem các màn trình diễn múa rồng ngay trên đường phố. Một trong những địa điểm hàng đầu để ghé xem là Công viên Qicaimeng. Vào 7 ngày đầu năm mới, công viên sẽ tổ chức chương trình biểu diễn dài 50 phút gồm múa rồng lửa Tongliang.
Đã quen với Tết vắng nhà
BẮC GIANG – Khi những chuyến xe chở đào, quất hối hả về trưng Tết, bữa cơm tất niên được dọn lên… ai cũng nhanh chóng về nhà để được sum vầy cùng gia đình, người thân thì nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng công an vẫn miệt mài làm việc. Với họ, tăng cường trực Tết là nhiệm vụ, đặc thù công việc để người dân được đón xuân vui tươi, an toàn.
Theo Vnexpress