BẮC GIANG – Nhờ chịu thương chịu khó, năng động, sáng tạo, phát huy thế mạnh vùng miền, nhiều nông dân ở tỉnh Bắc Giang đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương.
Năng động vươn lên làm giàu
Chị Lục Thị Độ (dân tộc Cao Lan) ở thôn Nhân Định, xã Yên Định (Sơn Động) đón tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang. Vừa rót chén trà thơm mời khách, chị chậm rãi kể về những năm tháng vất vả đã qua. Năm 2010, chị lập gia đình nhưng chồng công tác xa nhà, bố mẹ thường xuyên đau ốm, con nhỏ, mọi việc đều do đôi vai chị cáng đáng.
Chị Lục Thị Độ (ngoài cùng bên trái) chăm sóc cây giống lâm nghiệp.. |
Tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp nhưng do chưa tìm được công việc phù hợp, để có đồng ra đồng vào, chị bán hàng tạp hoá, được một thời gian thì xin làm nhân viên kỹ thuật của một công ty lâm nghiệp trên địa bàn, nhưng làm lụng bao năm vẫn chưa thoát được nghèo. Năm 2017, phong trào trồng rừng trên địa bàn phát triển mạnh song ít người cung cấp cây giống. Chớp thời cơ, chị mạnh dạn vay mượn người thân, bạn bè mở cơ sở ươm cây giống lâm nghiệp.
Ban đầu, chị Độ chỉ có một cơ sở rộng khoảng 200 m2 chuyên bán giống cây keo hạt. Nắm bắt nhu cầu thị trường, chị chuyển sang cung cấp cây hom và vài năm gần đây là mô keo, bạch đàn F1. Để quảng bá dịch vụ, bà chủ vườn ươm đến từng hộ trồng rừng giới thiệu các giống cây giống của mình. Dù chị tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp (Hà Nội), có kiến thức nền tảng nhưng khi sản xuất thực tế không tránh khỏi rủi ro.
Có thời điểm, vườn ươm chết hàng vạn cây do sâu bệnh, sử dụng nguồn đất và nguồn nước chưa hợp lý. Sau những lần thất bại, chị rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm hay, hoạt động sản xuất, kinh doanh dần đi vào ổn định, thuận lợi. Đến nay, gia đình chị có ba cơ sở ươm cây giống lâm nghiệp với tổng diện tích hơn 7 nghìn m2. Toàn bộ được lắp hệ thống tưới nước tự động, quanh năm cây xanh tốt.
Ngoài cung cấp cho người dân địa phương, chị còn “phủ sóng” giống cây lâm nghiệp ra thị trường tỉnh bạn, trải dài từ Bắc vào Nam. Trung bình mỗi năm, gia đình chị cung cấp ra thị trường hơn 500 vạn cây giống lâm nghiệp các loại, trừ chi phí lãi khoảng 300 triệu đồng. Năm 2020, gia đình chị Độ thoát nghèo, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương.
Đầu năm 2022, chị đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Lâm nghiệp Yên Sơn với 7 thành viên liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất. Ngoài làm kinh tế giỏi, chị Độ còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nhân Định, tích cực giúp đỡ hội viên cây giống lâm nghiệp, thường xuyên chia sẻ kỹ thuật, giúp chị em tìm kiếm thị trường, mở rộng sản xuất.
Từ năm 2016 trở về trước, gia đình ông Phạm Như Trung ở thôn Cầu Thầy, xã An Thượng (Yên Thế) cũng là hộ nghèo tại địa phương. Nhờ cây bưởi ngọt, năm 2017, hộ ông Trung đã thoát nghèo. Đến thăm gia đình, ngắm vườn bưởi rộng 2 ha trĩu quả của gia đình ông, ai cũng trầm trồ, thích thú. Bên cạnh vườn cây trái là hai căn nhà cao tầng khang trang được xây dựng cùng một thời điểm, một căn cho vợ chồng ông và một căn cho con trai.
Ông Trung kể, khu đất trồng bưởi trước đây vốn là ruộng trũng, làm gì cũng khó. Được người thân, bạn bè tư vấn, ông đã cải tạo thành vườn bãi tương đối bằng phẳng rồi đưa giống bưởi ngọt về trồng. Cây hợp đất, hợp nước lại được người dày công chăm sóc theo hướng hữu cơ nên tốt tươi, cho nhiều quả. Quả bưởi ngọt giòn tôm, ráo múi; khi ăn có mùi thơm đặc trưng; cho thu hoạch rải vụ nên tiêu thụ khá thuận lợi. Khách quen đặt hàng từ lúc quả chưa chín.
Mỗi năm, gia đình ông bán gần 2 vạn quả, giá trung bình từ 30-50 nghìn đồng/quả; trừ chi phí lãi 400 – 600 triệu đồng. Năm 2020, HTX bưởi ngọt Trung Sáu ra đời do ông Trung làm Giám đốc. Diện tích trồng bưởi được mở rộng lên 7 ha. Năm nay, HTX được Hội Nông dân (HND) các cấp hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP đối với quả bưởi ngọt. Ông Trung hy vọng khi được “cấp sao”, sản phẩm của HTX sẽ được nâng tầm, mở rộng thị trường vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng.
Lan tỏa phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi
Cùng với hộ ông Trung, chị Độ, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều hộ gia đình, cá nhân năng động, sáng tạo, trong phát triển kinh tế với các mô hình hiệu quả như nuôi dê; ép dầu lạc, dầu gấc; chăn nuôi gà, gia súc, gia cầm; mô hình bóc gỗ; trồng rau an toàn, trồng nấm… Các mô hình cho thu nhập bình quân từ 200 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng/năm.
Ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh thông tin, bên cạnh sự nỗ lực vượt khó, năng động của từng hội viên, nông dân, HND các cấp cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ. Hằng năm, các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Hiện toàn tỉnh có hơn 100 nghìn hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (trong đó cấp T.Ư khoảng 700 hộ, cấp tỉnh hơn 3 nghìn hộ…). |
Phong trào ngày càng lan tỏa rộng khắp. Các cấp hội tích cực vận động hội viên, nông dân đóng góp hơn 6,7 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 12 nghìn ngày công nhằm giúp đỡ hơn 1 nghìn hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều hội viên được vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân và nhiều nguồn vốn khác để phát triển sản xuất. Kết quả đến nay, toàn tỉnh có hơn 100 nghìn hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; trong đó cấp T.Ư khoảng 700 hộ, cấp tỉnh hơn 3 nghìn hộ.
Đặc biệt, HND tỉnh tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho hội viên. Năm 2023, nhiều hội viên được hỗ trợ thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trồng dưa trong nhà kính; sử dụng phân bón lá hữu cơ trên cây vải; canh tác lúa thân thiện với môi trường… Các địa phương cũng có nhiều cơ chế hỗ trợ. Đơn cử như huyện Tân Yên, từ năm 2022, UBND huyện có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nông dân đưa máy móc, cơ giới hóa sản xuất và hỗ trợ 50% kinh phí triển khai mô hình. Huyện Yên Thế bố trí kinh phí hỗ trợ mô hình liên kết sản xuất lạc an toàn. Huyện Yên Dũng hỗ trợ nông dân nuôi cua da thương phẩm…
Theo thống kê sơ bộ, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Bắc Giang giảm khoảng 1% so năm 2022. Đóng góp vào kết quả này có sự vào cuộc tích cực của HND các cấp, sự nỗ lực vượt lên chính mình của từng hội viên. Có thể thấy, càng khó khăn, nông dân tỉnh Bắc Giang càng nỗ lực vươn lên xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao, kiểu mẫu.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Lục Ngạn: 50 hộ làm đơn xin thoát nghèo
BẮC GIANG – Theo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), đơn vị vừa nghiệm thu kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình năm 2023 trên địa bàn huyện.
Nỗ lực vươn lên thoát nghèo
BẮC GIANG – Khi cuộc sống đã phần nào vợi bớt khó khăn, một số hộ dân trên địa bàn huyện Hiệp Hòa tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Họ muốn sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước dành cho những người khó khăn hơn và góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Phụ nữ Hiệp Hòa đa dạng cách hỗ trợ hội viên thoát nghèo
BẮC GIANG – Xác định hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những giải pháp then chốt để xây dựng gia đình hạnh phúc, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã đa dạng cách làm, giúp hội viên có việc làm, thêm thu nhập, thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Thoát nghèo bền vững nhờ xuất khẩu lao động
BẮC GIANG – Cùng với những nỗ lực trong việc chuyển đổi sinh kế, tạo việc làm cho bà con các dân tộc trên địa bàn, thời gian qua, huyện Sơn Động (Bắc Giang) chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ người dân xuất khẩu lao động (XKLĐ). Nhờ đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.
Phụ nữ Lục Nam chung sức giúp hội viên thoát nghèo
BẮC GIANG – Lựa chọn cách hỗ trợ phù hợp theo hoàn cảnh, khả năng của từng hộ và tạo việc làm là cách hội phụ nữ các cấp huyện Lục Nam (Bắc Giang) thực hiện trong thời gian qua. Nhờ đó, nhiều hội viên đã vươn lên thoát nghèo, tiếp tục giúp đỡ những trường hợp khó khăn.
tin tức bắc giang, bắc giang, Hợp tác xã, xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân, hướng đi thoát nghèo, công ty lâm nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh giỏi