BẮC GIANG – Cách đây 140 năm ( năm 1884) tại đình Thế Lộc (đình Hả) – Yên Thế, nay là xã Tân Trung (Tân Yên) đã diễn ra một sự kiện mà dư âm còn vang vọng đến bây giờ. Đó là khởi nghĩa nông dân Yên Thế bùng nổ và kéo dài ngót 30 năm. Đây cũng là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất chống lại ách thực dân phong kiến trong lịch sử cận đại Việt Nam. Người phất cờ phát lệnh và kêu gọi nhân dân đứng lên chống giặc Pháp là Lương Văn Nắm. Người mà dân gian còn gọi là Đại Nắm, Thống Hả, Đề Nắm, Đề Hả.
Học sinh thăm đền thờ Lương Văn Nắm tại xã Tân Trung (Tân Yên). |
Đình Hả xưa thuộc xã Thế Lộc, tổng Yên Lễ, huyện Yên Thế, nay là thôn Đình Hả, xã Tân Trung (Tân Yên). Di tích này nằm trên sườn một quả đồi thấp, bao quanh là khu rừng lim xanh tốt. Theo một số tư liệu, đình, chùa Hả được xây dựng vào thời Lê – Nguyễn thế kỷ XVII. Ngược dòng lịch sử, sau khi tiến quân ra Bắc, ngày 12/3/1884, thực dân Pháp chiếm thành Bắc Ninh. Ngày 15/3/1884, chúng đánh chiếm Phủ Lạng Thương, sau đó tiến đánh thành Tỉnh Đạo – nay thuộc xã Quang Tiến (Tân Yên). Thành Tỉnh Đạo thất thủ.
Đêm đó, người dân Yên Thế xót xa nhìn ngọn lửa trong thành cháy đỏ rực cả một góc trời, trong lòng uất hận căm thù. Cùng lúc này, Lương Văn Nắm – người con của quê hương Thế Lộc từng dẫn dắt dân làng đánh Thanh phỉ bảo vệ xóm thôn đã cùng bộ tướng của mình bàn kế đánh giặc.
Ngày 16/3/1884, quân Pháp tiến lên Thái Nguyên. Khi quân giặc đến Đức Lân, Phú Bình thì bị Lương Văn Nắm cùng các nghĩa binh của ông chặn đánh quyết liệt khiến chúng phải bỏ chạy. Sau trận đánh này, Lương Văn Nắm và các nghĩa binh lui về Đình Hả, xã Tân Trung ăn mừng chiến thắng và chính thức làm lễ tế cờ phát động phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Từ đây về sau, ngày 16/3/1884 được lịch sử ghi nhận là ngày mở đầu phong trào Khởi nghĩa Yên Thế.
Trở lại với Đình Hả bây giờ, dư âm của lễ tế cờ năm xưa dường như vẫn còn đây đó. Không khí trầm mặc, linh thiêng, lá cờ mang chữ “Nghĩa” tung bay trong gió. Hương lửa ngạt ngào, giữa tiếng súng thần công ầm vang rừng núi, Đề Nắm, Đề Sặt, Thống Luận, Thống Ngò, Đề Truật, Cai Ba Biều và toàn thể các tướng lĩnh nghĩa quân đã truất kiếm xin nguyện cùng trời đất sát cánh bên nhau giữ gìn mảnh đất quê hương. “Ai phản bội xin trời tru đất diệt”.
Lời thề thiêng liêng đó được hàng nghìn nghĩa binh và nhân dân dự lễ hưởng ứng nhiệt thành. Sự kiện này làm cho đình, chùa Hả trở thành điểm di tích lịch sử mở đầu cho phong trào Khởi nghĩa nông dân Yên Thế, đóng một dấu son đỏ thắm trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam thế kỷ XIX – XX. Đề Nắm trở thành thủ lĩnh đầu tiên của phong trào nông dân Yên Thế.
Với chủ trương xây dựng làng chiến đấu liên hoàn và hệ thống đồn lũy ở vùng Yên Thế thượng, Lương Văn Nắm xây dựng phòng tuyến dọc theo sông Sỏi. Ban đầu gồm có tả dinh, tiền dinh, trung dinh và hậu dinh, sau này phát triển thành hệ thống 7 đồn. Hệ thống đồn lũy này dựa lưng vào dãy núi Cai Kinh. Sau thất bại của khởi nghĩa Cai Kinh, Bãi Sậy, Ba Đình, thêm nhiều tướng lĩnh từ các nơi hội quân về đây.
Yên Thế thời gian đó cực kỳ sôi động và duy nhất trên cả nước là miền đất không chịu sự khống chế của thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai. Sau những trận đánh diễn ra tại Bãi Sậy, Cao Thượng, Luộc Hạ, Hố Chuối… gây cho giặc Pháp nhiều tổn thất, vào những năm 1890 – 1892, giặc Pháp dồn binh lực hòng đè bẹp Khởi nghĩa Yên Thế. Chúng 4 lần đánh vào Hữu Nhuế và đồn Đề Dương; lực lượng nghĩa quân bị tiêu hao, phải phân tán. Trong thời gian này, Lương Văn Nắm bị sát hại.
Nhìn nhận lại, khi Khởi nghĩa Yên Thế còn trong trứng nước, đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn vì thực dân Pháp tìm mọi cách để đè bẹp. Bằng tài quân sự thao lược nổi bật, Lương Văn Nắm đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong 8 năm (1884 – 1892) lập nhiều chiến công, tạo uy tín và sự ảnh hưởng rộng lớn, được sử sách ghi nhận.
Kể từ khi tế cờ khởi nghĩa cho đến lúc hy sinh, ông đã chỉ huy quân dân Yên Thế đánh bại gần 1 vạn quân Pháp do các danh tướng của thực dân Pháp chỉ huy khiến chúng khiếp vía, kinh hồn, phải cúi đầu thừa nhận rằng đây là bãi chiến trường và là nơi xảy ra những sự kiện quan trọng nhất trong xứ thuộc địa của chúng ở Viễn Đông. Sau khi Đề Nắm mất, Hoàng Hoa Thám kế tục sự nghiệp của ông trao gửi, tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân đánh giặc Pháp và kéo dài cho đến năm 1913.
Kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884- 2024), huyện Tân Yên đã có nhiều hoạt động ý nghĩa. Năm 2021, huyện đầu tư xây dựng đền thờ Lương Văn Nắm trong quần thể di tích đình, chùa Hả. Năm 2023, trùng tu đình Hả. Đặt tên trường Mầm non, Tiểu học và THCS Tân Trung mang tên trường Lương Văn Nắm. Tổ chức Cuộc thi viết tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Lương Văn Nắm với hơn 17 nghìn bài dự thi… Tất cả những hoạt động này thể hiện sự tri ân, mến phục người thủ lĩnh áo vải cùng những nghĩa binh Yên Thế quả cảm. Lương Văn Nắm cùng bộ tướng và nghĩa binh của mình đã đi vào lịch sử dân tộc như một bản hùng ca với những người nông dân bất tử trong lịch sử cận đại Việt Nam.
Bài, ảnh: Châu Giang
Thăm đình Đông nhớ lễ tế cờ của nghĩa quân Yên Thế
BẮC GIANG – Về thăm đình Đông trong tiết xuân, ngàn vạn giọt mưa bay, tụ trên tán lá cổ thụ rơi tí tách xuống lớp rêu phong trong khuôn viên đình cổ. Trước sân đình, tứ trụ nghi môn sừng sững, tôn lên không gian linh thiêng trầm mặc. Tại ngôi đình này, hơn 130 năm trước, Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân tế cờ xuất trận đánh thực dân Pháp xâm lược.
Sẵn sàng cho Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế
BẮC GIANG – Ngày 16/3, tại Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế (Bắc Giang), UBND tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884 – 2024). Thời điểm này, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng cho ngày khai hội. Dưới đây là một số hình ảnh trước thềm lễ hội.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, bắc giang, Lương Văn Nắm, Người Anh hùng áo vải, Đình Hả, khởi nghĩa nông dân Yên Thế