(BGĐT)- Bắc Giang đang tổ chức tuyển dụng giáo viên chuẩn bị cho năm học mới. Đây là công việc không mới nhưng “nóng”, luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà. Bởi lẽ nhiều trường học thiếu giáo viên, nhiều lớp học có sĩ số học sinh cao hơn quy định ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục.
Những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên dạy văn hóa bậc tiểu học tăng cao. Nguyên nhân do lượng học sinh ngày càng nhiều, hằng năm, nhiều giáo viên nghỉ hưu, tinh giản biên chế, yêu cầu trình độ “đầu vào” đối với thầy cô một số bậc học thay đổi theo quy định mới… Ở bậc tiểu học, năm nào Bắc Giang cũng tuyển dụng hàng trăm giáo viên, thậm chí tuyển bổ sung thành 2 đợt/năm, thu hút cả nguồn lực từ các tỉnh ngoài về địa phương công tác nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra.
Đợt này, Bắc Giang tuyển dụng tổng số 692 chỉ tiêu, trong đó mầm non là 134 giáo viên, tiểu học 436, THCS 72… Theo thông tin từ Hội đồng xét tuyển giáo viên, giảng viên năm 2023, toàn tỉnh có 1.287 thí sinh đủ điều kiện, dự thi nghiệp vụ chuyên ngành diễn ra vào hôm qua (6/8). Đáng quan tâm là trong khi bậc học THPT, THCS, mầm non có tỷ lệ “chọi” rất cao thì lượng thí sinh ứng tuyển giáo viên văn hóa tiểu học lại không đủ chỉ tiêu. Đơn cử huyện Lục Nam có 21 thí sinh dự tuyển/49 chỉ tiêu, Việt Yên 29/54, Lục Ngạn 13/30, Yên Dũng 22/42… Như vậy, cho dù tất cả thí sinh đều trúng tuyển thì năm học tới, giáo viên văn hóa tiểu học vẫn thiếu rất nhiều.
Để giải bài toán này, ngành Giáo dục và Đào tạo, các huyện, thành phố và từng nhà trường rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các lớp học; bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp về số lượng, cơ cấu bộ môn của từng đơn vị thuộc thẩm quyền; chủ động điều tiết giáo viên ngay trong địa phương gắn với đào tạo và bồi dưỡng, từng bước đáp ứng yêu cầu của năm học mới. Từ đầu năm học 2021-2022, nhiều địa phương thực hiện hợp đồng lao động với giáo viên có trình độ cao đẳng sư phạm, giáo viên đã nghỉ hưu nhưng sức khoẻ tốt để dạy học…
Dự báo những năm tới, lượng học sinh tất cả các cấp học trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng nhanh. Từ thực trạng thiếu giáo viên ở bậc tiểu học đặt ra không chỉ cho ngành Giáo dục và Đào tạo mà các ngành, địa phương giải pháp ngay từ bây giờ cũng như về lâu dài. Theo ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, so với hiện nay, đến năm học 2026-2027, số học sinh lớp 10 trường công lập tăng 6,5 nghìn em, tương ứng có thêm 145 lớp, tức là cần 145 phòng học và 326 giáo viên. Sau 3 năm, cả 3 khối lớp THPT sẽ cần thêm 435 phòng học và gần 1 nghìn giáo viên.
Vì vậy, không những “lo gần” mà còn phải “lo xa”, ngành Giáo dục và Đào tạo đề nghị tăng cường cơ sở vật chất trường học theo hướng mở rộng quy mô trường lớp công lập, xây mới và mở rộng các trường dân lập và tư thục. Cùng với đó là đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng bổ sung đội ngũ giáo viên bảo đảm về cơ cấu, đủ số lượng và trình độ đạt chuẩn theo quy định. Qua đó góp phần duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn của tỉnh .
Bảo Khánh
Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022
Trong bối cảnh thiếu hụt lượng lớn giáo viên, thì cũng có hàng nghìn giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển từ trường công lập sang các trường tư thục,… Đây là bài toán “đau đầu” với nhiều địa phương.
Khó tuyển giáo viên tiểu học, mầm non
(BGĐT) – Năm học này, hầu hết các huyện, TP đều thiếu giáo viên mầm non, tiểu học. Các trường gặp khó khăn do số lượng học sinh tăng cao, tuyển dụng biên chế không đủ so với nhu cầu, nhiều giáo viên nghỉ việc.
Tin tức Bắc Giang, Tin tức tuyển dụng giáo viên, Hội đồng xét tuyển giáo viên, thiếu giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo,trình độ cao đẳng sư phạm, giáo viên dạy văn hóa bậc tiểu học, năm học mới, học sinh, chất lượng giáo dục