Ngày 21/9, chính phủ Nga đã áp đặt lệnh cấm tạm thời vận chuyển xăng và dầu diesel ra nước ngoài nhằm ổn định giá cả trong nước. Vậy tác động của nó đối với thị trường thế giới sẽ ra sao?
Theo cơ quan báo chí của Nga, Thủ tướng Mikhail Mishustin đã ký nghị quyết trên. Không có thời hạn cụ thể về việc kết thúc lệnh cấm.
Báo Vedomost cho rằng Điện Kremlin đã buộc phải đưa ra động thái trên trong bối cảnh giá bán buôn và các hoạt động xuất khẩu phi chính thức tăng lên. Thông báo này sẽ buộc những người mua nhiên liệu của Nga phải mua nhiên liệu ở nơi khác.
Nhà máy lọc dầu của tập đoàn Gazprom Neft ở ngoại ô Moskva. |
Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức và áp dụng cho tất cả các quốc gia ngoại trừ 4 quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Các quốc gia được miễn lệnh cấm bao gồm Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan, tất cả đều là thành viên của Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) do Moskva đứng đầu.
Bộ Năng lượng Nga giải thích: “Các hạn chế tạm thời sẽ giúp bão hòa thị trường nhiên liệu, từ đó giảm giá cho người tiêu dùng”.
Theo bộ trên, trước đây, để ổn định tình hình trên thị trường nhiên liệu, chính phủ đã tăng khối lượng cung cấp bắt buộc ra thị trường.
Trong những tháng gần đây, người tiêu dùng Nga phải đối mặt với tình trạng giá bán buôn xăng và dầu diesel tăng vọt. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak khẳng định nước này không thiếu nhiên liệu, song thừa nhận có một số vấn đề về logistics trong mùa hè.
Các nhà phân tích năng lượng cho biết ngôn ngữ không rõ ràng trong thông báo của Nga khiến họ khó đánh giá chính xác lệnh cấm này sẽ được áp dụng trong bao lâu.
Nga là một trong những nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu dầu thô lớn. Những người tham gia thị trường lo ngại về tác động tiềm tàng từ lệnh cấm của Nga, đặc biệt vào thời điểm tồn kho dầu diesel toàn cầu đã ở mức thấp. Giá dầu đã tăng tới 1 USD/thùng ngay sau khi tuyên bố này được đưa ra hôm 21/9.
Trước khi nổ ra xung đột với Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, các nhà máy lọc dầu của Nga đã xuất khẩu khoảng 2,8 triệu thùng sản phẩm dầu mỗi ngày. Theo công ty dịch vụ tài chính ING, con số đó hiện đã giảm xuống còn khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày, nhưng Moskva vẫn đóng vai trò quan trọng trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Ông Kirill Rodionov, chuyên gia tại Viện Phát triển Công nghệ trong Tổ hợp Nhiên liệu và Năng lượng, khẳng định với tờ Vedomost rằng việc Nga hạn chế xuất khẩu các sản phẩm dầu sẽ không là giải pháp lâu dài. Theo ông, tỷ trọng xuất khẩu trong tổng sản lượng xăng của Nga ở mức thấp lịch sử. Và lượng dầu diesel dư thừa ở Nga có thể giúp giảm giá loại nhiên liệu này.
Trong khi đó, ông Dmitry Kasatkin, đối tác tại công ty tư vấn Kasatkin Consulting, lưu ý rằng các thị trường địa phương phụ thuộc vào nguyên liệu thô của Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ lệnh cấm xuất khẩu.
Theo nhà phân tích cấp cao Ronald Smith tại BCS World of Investments, vì Nga là quốc gia giữ vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp diesel nên việc hạn chế xuất khẩu có thể dẫn đến giá tăng cao hơn ở châu Âu. Diesel là động lực kinh tế của châu Âu, cung cấp năng lượng cho phần lớn xe tải chở hàng hóa và nguyên liệu thô quanh lục địa. Nó cũng là nhiên liệu sưởi ấm chính ở một số quốc gia và mùa đông đang đến gần.
Sau hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine, các sản phẩm dầu của Nga ngày càng tìm được thị trường mới bên ngoài thị trường truyền thống ở châu Âu – nơi Pháp, Anh và Đức là những khách hàng lớn. Các nhà nhập khẩu nhiên liệu châu Phi cũng tăng cường mua nhiên liệu giảm giá của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil hiện là những khách hàng mua dầu diesel lớn nhất của Nga. Dữ liệu từ S&P Global Commodities at Sea cho thấy, tổng cộng, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đã tiêu thụ 55% lượng dầu diesel xuất khẩu của Nga trong tháng 8. Đáng chú ý, các quốc gia này chuyển hướng dòng dầu diesel sang châu Âu. Kết quả, lệnh cấm được cho là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá dầu diesel ở châu Âu.
Động thái của Moskva cũng tiềm ẩn một mối đe dọa kinh tế lớn hơn: nguy cơ lạm phát gia tăng. Giá năng lượng đã tăng mạnh trong những tuần gần đây, khi Nga và Saudi Arabia tuyên bố sẽ tiếp tục giảm nguồn cung dầu thô cho đến cuối năm nay.
Một số tập đoàn như Surgutneftegaz, Gazprom Neft và Tatneft được cho là các đối tượng bị áp đặt lệnh cấm xuất khẩu. Cùng lúc đó, Rosneft sẽ được phép tiếp tục cung cấp nhiên liệu theo các thỏa thuận quốc tế.
Theo TTXVN
Nga,cấm xuất khẩu,dầu,xăng,nhiên liệu,châu âu,giá dầu,thị trường dầu