Sáng 24/02 (tức ngày 15 tháng Giêng), Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Lục Nam tổ chức lễ khai hội xuân chùa Bát Nhã (Bình Long) xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam. Dự lễ khai hội có Đại đức Thích Trúc Thái Minh – Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thông tin và Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Bát Nhã; lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; các ban, ngành của tỉnh.
Chùa Bát Nhã (Bình Long) tọa lạc trên ngọn Bát Nhã thuộc dãy núi Huyền Đinh hùng vĩ, được truyền tụng là một trung tâm phật giáo, là danh lam cổ tự dưới thời Lý, Trần có quan hệ mật thiết với chùa Vĩnh Nghiêm và thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Theo dân gian chùa Bát Nhã (Bình Long) phát triển vào thời Trần với quy mô rộng lớn khắp cả sườn núi Bát Nhã. Thời Lê – Mạc, chùa được di chuyển xuống chân núi Gốm. Do điều kiện thời gian và chiến tranh tàn phá, dấu tích chùa cổ hiện nay là những cấp nền bằng phẳng và một vài đoạn bó móng được xếp bằng đá núi tự nhiên.
Nhằm thực hiện Dự án “Đầu tư phục dựng các di tích theo con đường Hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch đã có Quyết định số 1502/QĐ-BVHTTDL về việc khai quật khảo cổ, trong đó cho phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức khai quật khảo cổ học tại địa điểm chùa cổ Bát Nhã (Bình Long), thời gian khai quật từ ngày 10/5/2021 đến ngày 20/6/2021 với diện tích trên 200 m2, tập trung chủ yếu ở khu vực nền chùa ở vị trí trung tâm, đã tìm thấy dấu tích và mặt bằng kiến trúc chùa cổ Bát Nhã (Bình Long) qua các giai đoạn xây dựng và biến đổi, kéo dài từ thế kỷ XIII – XIV (thời Trần) đến thế kỷ XVII – XVIII (thời Lê Trung Hưng) và đầu thế kỷ XX (thời Nguyễn).
Kết quả khai quật đã thu được một khối lượng tương đối các loại hình di vật, tập trung chủ yếu là đồ thờ tự, đồ sinh hoạt, góp phần bổ sung cho việc nghiên cứu và giám định niên đại của di tích qua các thời kỳ lịch sử. Ngoài ra, qua quá trình mở rộng khảo sát, khai quật còn phát hiện thêm nhiều địa điểm có dấu tích kiến trúc cổ phân bố trong khu vực chùa ở núi Bát Nhã, giúp ích cho quá trình nhận thức và định hướng nghiên cứu, quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo trong thời gian tới.
Cuối năm 2021 được sự quan tâm của UBND tỉnh, Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, các sư chùa Ba Vàng, các nhà hảo tâm và Nhân dân địa phương… ngôi chùa được phục dựng giai đoạn I trên khuôn viên xưa cũ và năm 2022 hoàn thành với diện tích khuôn viên được bảo tồn là 9.000 m2. Từ năm 2023, chùa chính thức chọn ngày Rằm tháng Giêng hằng năm để khai hội gắn với Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh.
Việc phục dựng, khôi phục, duy tu, tôn tạo chùa cổ Bát Nhã (Bình Long) và hoạt động khai hội là dịp để du khách gần xa đến với Bát Nhã, đến với Lục Nam – quê hương Sông Lục, núi Huyền. Đây còn là hoạt động để phát huy, bảo tồn, tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa, di sản đặc sắc của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử gắn với con đường Hoằng dương Phật Pháp.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam Dương Công Định đánh trống, Đại đức Thích Trúc Thái Minh thỉnh chuông khai hội; các đại biểu, chư tôn, đức tăng ni, Nhân dân xã Huyền Sơn cùng du khách thập phương thành kính dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an./.
Hạnh Nguyên