BẮC GIANG – Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Hiệp Hòa luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Qua đó góp phần nâng cao ý thức giữ gìn các di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt ATK II, bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước trong nhân dân.
Vào những ngày cuối tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp trở lại quê hương cách mạng Hiệp Hòa, tình cờ gặp cô giáo Nguyễn Thị Vân, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hoàng Vân cùng em Dương Hoàng Linh, học sinh lớp 9A vừa thi xong phần thuyết trình tại hội thi giới thiệu về du lịch của huyện năm 2023 do UBND huyện tổ chức.
Học sinh Trường THCS Hoàng Vân tìm hiểu lịch sử đình Vân Xuyên, xã Hoàng Vân. |
Ở hội thi này, hai cô trò tham gia thuyết trình với chủ đề: “Tham quan di tích cấp quốc gia đặc biệt ATK II đình Vân Xuyên”. Cô giáo Vân chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào được tham gia hội thi. Qua đó lan tỏa giá trị của các di tích ATK II đến với mọi người không chỉ ở huyện mà còn tất cả những người yêu lịch sử truyền thống cách mạng trên mọi miền đất nước”.
Được biết, cô Vân là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) “Yêu lịch sử quê hương Hiệp Hòa” của Trường THCS Hoàng Vân. CLB thành lập từ năm 2018 dưới sự chỉ đạo của thầy Hiệu trưởng Giáp Xuân Duy. Lúc đầu, CLB chỉ có hơn 10 học sinh, đến nay lên đến hơn 60 em ở tất cả các lớp học. Đây là những hạt nhân tích cực tham gia các phong trào của nhà trường, qua đó lan tỏa đam mê tìm hiểu lịch sử quê hương cho học sinh nhà trường nói riêng và thế hệ trẻ trên địa bàn huyện nói chung.
Trên những tuyến đường trục chính ở xã Hoàng Vân những ngày này rợp bóng cờ hoa kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đón chúng tôi ở đình Vân Xuyên, đồng chí Chu Văn Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Vân niềm nở giới thiệu về các điểm di tích lịch sử trên địa bàn như một hướng dẫn viên thực thụ.
Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Vân, cả huyện Hiệp Hòa có 8 điểm di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt ATK II thì Hoàng Vân có 5 điểm di tích, tiêu biểu là đình Vân Xuyên, nơi diễn ra nhiều cuộc họp của cán bộ cách mạng từ năm 1940 – 1945. Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã luôn quan tâm lãnh đạo, triển khai các biện pháp giáo dục truyền thống cách mạng trong các tầng lớp nhân dân. Theo đó, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhà trường tích cực tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương; giữ gìn, bảo vệ các di tích không bị xâm hại…
Rời xã Hoàng Vân, chúng tôi đến xã Xuân Cẩm – nơi có đình Xuân Biều, di tích cấp quốc gia đặc biệt ATK II. Cách đây 78 năm, ngày 12/3/1945, tại đình Xuân Biều đã diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp cơ sở đầu tiên trong cả nước theo tinh thần Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” do đồng chí Lê Thanh Nghị, Chính trị viên chỉ đạo phong trào chống Nhật tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, Trưởng Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang tổ chức.
Gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ, đảng viên và người dân thôn Xuân Biều, chúng tôi được biết, bà con trong thôn đang háo hức bàn chuyện đặt tên cho con đường dài 1,7 km nối từ cổng làng về đình Xuân Biều vừa được Nhà nước đầu tư mở rộng lên 8 – 12 m trải nhựa áp phan, tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Có hai phương án được đưa ra để chọn lựa gắn với mốc son cũng như tinh thần cách mạng của người dân nơi đây, đó là “đường 12/3” hoặc “đường Khởi nghĩa”.
Tuyến đường từ cổng làng về đình Xuân Biều, thôn Xuân Biều đang được mở rộng. |
Đồng chí Ngô Công Chính, Bí thư Chi bộ thôn Xuân Biều cho biết, phát huy truyền thống cách mạng năm xưa, ngày nay, các cán bộ, đảng viên và người dân thôn Xuân Biều vẫn luôn sắt son theo Đảng, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định, phong trào của địa phương. Trong đó, các cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu đi đầu, làm gương cho quần chúng noi theo.
Đơn cử như trong việc mở rộng tuyến đường từ cổng làng vào đình Xuân Biều, 100% cán bộ, đảng viên tự nguyện hiến đất, phá bỏ tường rào, công trình phụ mà không cần bồi thường. 2 năm gần đây, Chi bộ thôn Xuân Biều đều được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Hiện nay, huyện Hiệp Hòa có 23/25 đảng bộ xã, thị trấn hoàn thành tái bản, chỉnh lý, bổ sung lịch sử đảng bộ địa phương đến năm 2020; Đảng bộ xã Thanh Vân đang biên soạn, sẽ hoàn thành trong năm 2023; Đảng bộ xã Bắc Lý, Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện triển khai biên soạn lịch sử Đảng bộ, dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành. |
Thực tế cho thấy, không chỉ xã Hoàng Vân hay Xuân Cẩm mà các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, nhất là những xã thuộc ATK II cùng các cơ quan, đơn vị của huyện Hiệp Hòa luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân.
Đồng chí Bùi Huy Khánh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: “Ban Thường vụ Huyện ủy luôn coi trọng việc phát huy giá trị truyền thống cách mạng trên địa bàn huyện. Qua đó nâng cao ý nghĩa, vai trò của các điểm di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt ATK II nói riêng, truyền thống yêu nước của người dân trên địa bàn huyện nói chung”.
Theo đó, hằng năm, Ban Tuyên giáo Huyện ủy ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo đảng ủy các xã, thị trấn, các chi bộ trực thuộc triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ huyện, lịch sử địa phương; chỉ đạo các chi bộ cơ sở lồng ghép nội dung tuyên truyền lịch sử địa phương vào trong các buổi sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt truyền thống và sinh hoạt cộng đồng nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn.
Huyện đoàn cũng tích cực phối hợp với tổ chức Đoàn các xã, thị trấn và tổ chức đoàn, đội ở các nhà trường, nhất là các xã, thị trấn có di tích ATK II triển khai các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức học và kết nạp Đoàn, Đội tại các khu di tích lịch sử, văn hóa của địa phương và của huyện; tổ chức các cuộc thi: “Theo dòng lịch sử”, “Em yêu lịch sử nước nhà”, rung chuông vàng; chào cờ, sinh hoạt lớp gắn với tìm hiểu về lịch sử địa phương…
Những hoạt động phong phú, đa dạng này đã giúp cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ có những hiểu biết cơ bản về truyền thống lịch sử văn hiến, truyền thống cách mạng của huyện và các địa phương. Từ đó, giáo dục mọi người dân lòng yêu mến, tự hào về quê hương, đất nước, sẵn sàng học tập, lao động và cống hiến để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam
Dấu ấn ở đảng bộ vùng ATK
(BGĐT) – Mấy năm gần đây, Đảng bộ xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) nổi lên là một trong những địa phương điển hình trong công tác xây dựng Đảng; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, an toàn khu (ATK) II trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Góp sức gìn giữ di tích ATK II
(BGĐT)- Trong 8 điểm của Di tích Quốc gia đặc biệt ATK II (Hiệp Hòa – Bắc Giang) thì hơn nửa là đền thờ, đình làng. Nhiều người cao tuổi đã tình nguyện trông coi, chăm sóc nơi thờ tự của làng, góp phần bảo tồn, lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc.
tin tức bắc giang, bắc giang, di tích ATK II hiệp hòa, huyện hiệp hòa, di tích lịch sử, thế hệ trẻ, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương