Với sự đồng hành của các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, nhiều nông dân, HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã phát huy, lan toả quảng bá những giá trị đặc trưng của sản phẩm OCOP đến với cộng đồng, thị trường.
Tự hào trái dứa Hương Sơn, phát huy lợi thế địa phương
HTX dứa sạch Hương Sơn ở thôn Kép 11, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024 được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn và biểu dương.
Chị Nguyễn Thị Phương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Sơn cho hay: Hương Sơn là xã miền núi nằm ở phía bắc huyện Lạng Giang, có gần 60% dân số là người dân tộc thiểu số (Tày, Nùng…).. Do các yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng của núi đồi ban tặng nên dứa Hương Sơn rất đặc biệt, là niềm tự hào của người nông dân Hương Sơn. Nhiều năm nay, người nông dân Hương Sơn đều tần tảo, gắn bó với những đồi dứa.
Để phát triển cây dứa và thực hiện Đề án phát triển sản phẩm OCOP có hiệu quả, Hội Nông dân xã Hương Sơn đã hỗ trợ người dân trên địa bàn để thành lập HTX Dứa sạch Hương Sơn. Với sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp tỉnh Bắc Giang, Ban Giám đốc HTX cùng các thành viên đã chủ động lên kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh một cách khoa học hợp lý nhất.
Ông Hoàng Văn Tiến – Giám đốc HTX Dứa sạch Hương Sơn cho biết: Trước đây, nông dân trong xã trồng dứa theo kiểu mạnh ai người đấy làm, không có sự liên kết gắn bó với nhau. Khi được Hội Nông dân hướng dẫn thành lập HTX, chúng tôi đã liên kết trồng và phát triển dứa theo đúng tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, từ khi sản phẩm quả dứa tươi của HTX Dứa sạch Hương Sơn đạt tiêu chuẩn OCOP, đã không chỉ giúp nâng cao thu nhập mà còn lan toả những giá trị, câu chuyện sản phẩm của người trồng dứa đến với cộng đồng, khách hàng.
Ông Tiến cho biết thêm: HTX Dứa sạch Hương Sơn đang liên kết với 3 tổ nhóm gồm 50 hộ nông dân, trong đó có 20 hộ nông dân là đồng bào dân tộc với diện tích gần 50ha hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ngoài sản phẩm là quả dứa tươi, HTX Dứa sạch Hương Sơn cũng đã mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm từ dứa như: Dứa sấy dẻo, trà dứa.
Trong 3 năm trở lại đây, Hội Nông dân xã Hương Sơn đã hỗ trợ các chủ thể để xây dựng thành công 3 sản phẩm OCOP: Sản phẩm Dứa Hương Sơn đạt OCOP 2022, sản phẩm xôi sắc màu đạt OCOP 2023, sản phẩm trứng gà đạt OCOP 2024.
Chia sẻ thêm về sản phẩm OCOP xôi sắc màu, lãnh đạo Hội Nông dân xã Hương Sơn cho biết: Xôi sắc màu là món ăn không thể thiếu mỗi dịp lễ Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số xã Hương Sơn. Sản phẩm chất lượng đặc sắc nhưng chưa được nhiều người biết tới.
Để phát triển sản phẩm cũng như lan toả giá trị văn hoá, Hội Nông dân xã Hương Sơn đã hướng dẫn người dân thành lập Tổ hợp tác ẩm thực dân tộc Hương của Núi với 36 thành viên đại diện cho 11 dân tộc thiểu số xã Hương Sơn để phát triển sản phẩm “Xôi sắc màu”.
Sau khi thành lập Tổ hợp tác ẩm thực dân tộc Hương của Núi còn được Hội Nông dân xã Hương Sơn hỗ trợ đồng hành, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tư vấn xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh; hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ phân tích sản phẩm, thiết kế mẫu bao bì, nhãn mác; câu chuyện sản phẩm; hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ công nhận… Chính vì vậy chỉ sau 1 năm thành lập, Tổ hợp tác ẩm thực dân tộc Hương của Núi đã tự tin đưa sản phẩm của mình để tham gia đánh giá phân hạng OCOP và đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Chị Hoàng Thị Thương, Tổ trưởng Tổ hợp tác ẩm thực dân tộc Hương của Núi xã Hương Sơn chia sẻ: Góp phần lan tỏa văn hóa ẩm thực của địa phương, Tổ hợp tác thường xuyên mang sản phẩm đi trưng bày, quảng bá tại nhiều sự kiện ở trong và ngoài xã. Ngoài ra, Tổ hợp tác còn phối hợp tổ chức cho học sinh tại các trường học trên địa bàn trải nghiệm, học cách làm món ăn này trong các tiết học ngoại khóa, giờ học tập gắn liền với lao động sản xuất.
Đưa những sản phẩm nông sản OCOP Bắc Giang đến với thị trường
Năm nay, HTX Thực phẩm sạch Hoàng Gia, thôn Ba (xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang) đưa sản phẩm chè lam tham gia đánh giá, phân hạng OCOP 3 sao. Đồng hành cùng HTX, UBND xã giao cán bộ phụ trách chương trình trực tiếp hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ.
Ông Lương Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Mỹ cho biết: “Hiện trên địa bàn xã có nhiều hộ làm, kinh doanh chè lam lâu năm song chưa xây dựng được sản phẩm OCOP. Để nâng tầm sản phẩm, Hội phối hợp với các phòng chuyên môn của TP tuyên truyền, hỗ trợ HTX tham gia chương trình. Đồng thời tổ chức cho đại diện HTX tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình xây dựng hồ sơ; những khó khăn, vướng mắc đều được hỗ trợ tháo gỡ kịp thời”.
Vùng quê núi rừng Yên Thế cũng được nhiều người biết đến với những sản phẩm nông sản đặc sắc của người nông dân làm ra. Thịt lợn gác bếp Cao Lan của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Cao Lan (bản Nghè, xã Xuân Lương) là một trong số đó.
Anh Hoàng Xuân Mau – Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Cao Lan cho biết: Thịt lợn gác bếp Cao Lan được làm theo bí quyết riêng của dân tộc Cao Lan. Nhờ được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang trong việc tư vấn, hỗ trợ làm hồ sơ, bao bì nhãn mác, thị trường tiêu thụ… năm 2022, anh cùng 8 thành viên khác đã thành lập được Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Cao Lan. Cùng với đó là sản phẩm Thịt lợn gác bếp Cao Lan đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2023 được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, HTX tiếp tục đăng ký và xây dựng sản phẩm OCOP cho Lạp sườn gác bếp Cao Lan và năm 2024 sẽ là sản phẩm muối Cư Chăp Cao Lan.
Ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang khẳng định: Một trong những kết quả nổi bật của Chương trình OCOP là bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc trưng của từng địa phương. Đồng hành cùng hội viên nông dân, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã tham mưu xây dựng và thực hiện Đề án “Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP giai đoạn 2022-2025”.
Qua đó, các cấp Hội chú trọng cải tiến mẫu mã, bao bì, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường; gắn với hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch để tiêu thụ thuận lợi. Đồng thời hướng dẫn nông dân, HTX xây dựng câu chuyện sản phẩm độc đáo, ý nghĩa, đậm đà bản sắc văn hóa địa phương để trước tiên là “bán” câu chuyện, sau đó bán sản phẩm.
“Thời gian tới, Hội Nông dân tiếp tục đồng hành với nông dân, các HTX trong việc định hướng tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, góp phần tạo ra những sản phẩm riêng có mang nét đặc trưng của địa phương. Để khi nhắc tới mỗi sản phẩm đó, người tiêu dùng sẽ nhớ tới đó là sản phẩm của nông dân Bắc Giang”- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang khẳng định.
nguồn: https://danviet.vn/lan-toa-cau-chuyen-san-pham-ocop-hap-dan-nong-dan-bac-giang-tang-gia-tri-nong-san-20241208105107142.htm