Sông Hồng tụt đáy ảnh hưởng rất lớn đến cấp nước sản xuất nông nghiệp, cần làm sớm hai đập dâng Xuân Quan, Long Tửu, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.
Tại Hội nghị công bố quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 diễn ra ngày 21/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay các dòng sông trên cả nước đều có hiện tượng tụt đáy. Nghiêm trọng nhất là sông Hồng, tiếp đến là các sông ở Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Sông Nhuệ tại điểm giao cắt sông Hồng. Ảnh: Ngọc Thành |
“Sông Hồng mỗi năm bình quân giảm 1 cm, 10 năm tụt cả mét nước. Càng ngày lòng dẫn sông càng hạ xuống, tất cả công trình gắn liền đều đang trơ đáy, không lấy được nước”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp nói. Ông Hiệp dẫn chứng 10 năm trước, thủy điện chỉ cần xả khoảng 3 tỷ m3 nước là đủ phục vụ vụ Đông Xuân. Nhưng từ cách đây ba năm, ngay cả khi lượng nước được xả gấp đôi cũng vẫn không lấy được nước tưới tiêu do lòng sông bị hạ thấp và hệ thống bơm dẫn ở vị trí cao.
Để cung cấp nước cho vụ Đông Xuân năm nay, ngành thủy lợi buộc phải làm lại gần như tất cả trạm bơm, nối dài ống để chủ động lấy nước từ sông Hồng. “Nếu đợi xả thì 6 hay 7 tỷ m3 cũng không thể lấy được nước”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói và cho rằng tình trạng khô cạn còn gây ra ô nhiễm cho phía hạ du.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp nêu hai nguyên nhân khiến lòng sông Hồng bị hạ thấp là thượng nguồn làm nhiều công trình thủy lợi, hồ chứa nên làm hạn chế phù sa và khai thác cát không kiểm soát.
Đánh giá đây là “vấn đề rất lớn”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói cần sớm nghiên cứu nâng cao đáy sông hoặc dâng mực nước. Giải pháp đầu tiên là làm các đập dâng, nhưng sẽ khó tránh khỏi tác động không mong muốn như dòng chảy thay đổi, kéo theo một loạt vấn đề môi trường, trong đó có chất lượng nước và hệ vi sinh.
Dù vậy, ông Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định “không thể không làm” đập dâng trên sông Hồng để bảo đảm môi trường cho toàn bộ Hà Nội và vùng xung quanh. Khi nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp các sông Nhuệ, Đáy hay thậm chí Tô Lịch có dòng chảy tự nhiên như xưa.
“Hà Nội đã quy hoạch thành phố hai bên sông. Nhưng không thể có sông mà nhìn mãi không thấy nước, phải dâng nước lên để giúp điều này thành hiện thực”, ông Hiệp nói, cho hay Bộ đã giao Viện Khoa học Thủy lợi nghiên cứu đề tài cấp nhà nước xây đập trên sông và nghiệm thu năm 2020.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất UBND TP Hà Nội trước mắt nghiên cứu xây hai đập ở khu vực Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Long Tửu (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), dự kiến khởi công trong giai đoạn 2026-2030.
Tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 847 phê duyệt quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch xác định phương án xây đập dâng và công trình dâng nước trên các sông có biến động lớn về lòng dẫn, đáy hạ thấp, suy giảm mực nước và nguy cơ nhiễm mặn cao như sông Hồng, Mã, Cả, Vu Gia – Thu Bồn…
Trong đó, sông Hồng được quy hoạch xây hai đập dâng là Xuân Quan và Long Tửu, quy mô lần lượt 103.571 và 17.300 hecta.
Theo Vnexpress