Khi thấy tin giả (fake news) trên không gian mạng, người dùng nên lưu lại bằng chứng, không chia sẻ và báo cáo cho nền tảng hoặc Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC).
Tại Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 và Điều 5 Nghị định số 72 của Chính phủ quy định chi tiết về các hành vi bị cấm khi sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Thông tin về bác sĩ tự xưng làm việc tại Bệnh viện 108 được đóng dấu tin giả từ VAFC. Ảnh: VAFC |
Do đó, khi phát hiện hành vi này hoặc phát tán thông tin sai sự thật trên mạng dưới bất kỳ hình thức nào, người dùng có thể thực hiện các bước sau để góp phần hạn chế vấn nạn này:
Đầu tiên, người phát hiện cần lưu lại bằng chứng như đường link, chụp màn hình tin, bài viết hoặc lưu video nghi là tin giả bằng nhiều hình thức. Sau đó, người dùng cảnh báo cộng đồng, người thân, bạn bè… không chia sẻ thông tin này để tránh gặp bẫy tin giả, chịu hình phạt trước pháp luật (nếu có).
Đồng thời, người dùng có thể cảnh báo đến người đăng tải, chia sẻ về khả năng họ đang lan truyền tin sai sự thật và hậu quả của việc này hoặc báo cáo cho nền tảng mạng xã hội. Hiện, hầu hết các nền tảng như Facebook, TikTok, Youtube… đều có tính năng báo cáo tin sai sự thật.
Cuối cùng, người phát hiện tin giả cần gửi thông tin, bằng chứng tới cơ quan chức năng, trong đó có Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) qua website, email hoặc hotline: 18008108.
Thông tin phản ánh cần thể hiện rõ nội dung, đường link, hình ảnh vi phạm; bảo đảm đầy đủ thông tin của cá nhân, tổ chức và các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương, địa phương khi cần liên hệ (gồm: họ và tên cá nhân, tên cơ quan, tổ chức phản ánh, số điện thoại, email).
Sau khi tiếp nhận, VAFC sẽ tiến hành phân loại. Tin giả liên quan đến cơ quan, tổ chức, địa phương hoặc chuyên ngành quản lý của cơ quan nào sẽ được chuyển đến cơ quan đó hoặc Sở Thông tin và Truyền thông địa phương để xác minh, xử lý và chủ động công bố kết quả xác minh với cơ quan truyền thông, đồng thời, thông báo kết quả về Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) để công bố.
Nếu tin giả thuộc phạm vi quản lý của ngành Thông tin và Truyền thông hoặc thông tin về đời sống xã hội nói chung, VAFC sẽ trực tiếp xử lý và công bố.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố cũng có thẩm quyền tiếp nhận thông tin, xử lý, công bố hoặc chuyển đến VAFC.
Hành động có trách nhiệm trên không gian mạng
Không gian mạng ẩn chứa nhiều rủi ro, cạm bẫy. Do đó, nâng cao nhận thức về tin giả là một trong những cách bảo vệ bản thân, cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tuân thủ pháp luật.
Để làm điều này, người dùng nên thực hiện bốn nguyên tắc sau: Suy nghĩ nhiều lần trước khi chia sẻ, bình luận trong các bài viết, video trên mạng; kiểm tra nguồn tin, tác giả và độ tin cậy của nội dung; tôn trọng suy nghĩ và quyền riêng tư của bản thân và người khác; thông báo cơ quan thẩm quyền khi phát hiện tin giả.
Các tổ chức, cơ quan tổ chức nhà nước cũng chủ động cung cấp thông tin chính xác đến người dân qua nhiều phương thức, đồng thời, xác thực, đính chính để người dân nắm bắt, tạo lòng tin.
Ngoài ra, theo “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” của Bộ Thông tin Truyền thông, các cá nhân, tổ chức phát hành quảng cáo… cũng cần tôn trọng sự thật, có trách nhiệm kiểm soát để không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật và không hợp tác với các trang thông tin, tài khoản, kênh nội dung… phạm pháp.
Hiệp Hòa: Báo tin giả, xử lý thật
BẮC GIANG – Công an huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) vừa xử lý 2 trường hợp báo tin giả, không đúng sự thật đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Theo VneXpress