BẮC GIANG – Sáng 24/1, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.
Đồng chí Mai Sơn phát biểu chỉ đạo. |
Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và UBND các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế.
Hội nghị được nghe đại diện lãnh đạo các Sở: Lao động – Thương binh và Xã hội; Xây dựng; Ban Dân tộc tỉnh và UBND các huyện báo cáo tình thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023; đề xuất phương hướng thực hiện nhiệm vụ năm 2024.
Theo đó, nhìn chung công tác triển khai các Chương trình MTQG của tỉnh đã thu được nhiều kết quả tích cực. Về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã huy động được tổng nguồn vốn thực hiện hơn 428 tỷ đồng.
Tỉnh đã đầu tư thực hiện cải tạo nâng cấp 5 tuyến đường giao thông liên xã và 2 công trình trạm y tế (đang thi công). Thực hiện 8 công trình sửa chữa, duy tu đường giao thôn liên thôn, trạm bơm, cứng hóa kênh mương.
Tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn 12.558 hộ, chiếm 2,63%, giảm 5.388 hộ so với năm 2022 (tỷ lệ giảm 1,18%); 16.215 hộ cận nghèo, chiếm 3,4%, giảm 3.584 hộ so với năm 2022 (tỷ lệ giảm 0,8%). Toàn tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng.
Đến hết năm 2023, có 103 hộ trên tổng số 652 hộ được xây mới nhà ở theo “Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo Sơn Động thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, 37 hộ chưa được phân bổ vốn ngân sách nhưng đã triển khai xây dựng nhà.
Đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh báo cáo tại hội nghị. |
Về Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tổng vốn ngân sách T.Ư và ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2023 hơn 748,6 tỷ đồng.
Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến phân tích, đánh giá, đề xuất phương án giải quyết các vấn đề còn vướng mắc như: Các huyện gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn còn thiếu để hoàn thiện các dự án đầu tư xây dựng đường đến trung tâm xã, đường liên xã, đầu tư xây dựng các trường nội trú, trường bán trú do nguồn thu ngân sách huyện hạn chế.
Việc triển khai thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở tại cấp xã còn lúng túng, do đó các công việc như: Nghiệm thu, hoàn công và giải ngân kinh phí chậm hơn so với tiến độ xây nhà của hộ dân.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tại một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt. Một số nơi chưa gắn trách nhiệm người đứng đầu với việc đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chương trình. Một số cán bộ chưa tích cực nghiên cứu văn bản, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại dẫn đến khó thực hiện…
Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến của các sở, ngành và UBND các huyện, đồng chí Mai Sơn ghi nhận kết quả thực hiện các Chương trình mà các địa phương, đơn vị đã thực hiện thời gian qua.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tiếp tục nghiên cứu, vận dụng chính sách đặc thù về nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG, nhất là nguồn vốn của tỉnh để chủ động điều chỉnh, ưu tiên cho các huyện khó khăn phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, trường học.
Đồng chí phê bình nhiều địa phương vẫn chưa nghiên cứu kỹ các văn bản, chính sách, hướng dẫn đã có để kịp thời triển khai nhiệm vụ.
Sự tham gia, vào cuộc của người dân chưa thực sự tích cực, chủ động. Bởi nhiều người vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên và hỗ trợ của Nhà nước. Dẫn đến việc triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở, đào tạo, chuyển đổi nghề… đạt kết quả chưa cao.
Đại diện lãnh đạo huyện Sơn Động phát biểu tại điểm cầu của huyện. |
Để triển khai các Chương trình MTQG trong thời gian tới đạt hiệu quả, đồng chí đề nghị các sở, ngành liên quan chủ động giao vốn sớm cho các nội dung, chương trình cụ thể; tiếp tục chủ động nghiên cứu Nghị quyết của Quốc hội vừa thông qua về cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện chương trình MTQG, văn bản hướng dẫn thực hiện của Chính phủ và bộ, ngành T.Ư về Nghị quyết này. Từ đó, đưa ra các bước triển khai, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tồn tại trong việc thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.
Các sở, ngành, UBND các huyện chủ động tham mưu các nội dung còn vướng mắc thuộc thẩm quyền cấp tỉnh để trình UBND tỉnh kịp thời giải quyết.
Liên quan đến quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án cây dược liệu quý thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Sơn Động, giai đoạn 2021-2025, đồng chí Mai Sơn yêu cầu ngành Y tế cần báo cáo, đồng thời đề xuất ngay các nội dung cần điều chỉnh, đưa ra tiêu chí mới rõ ràng hơn, cụ thể hơn, có tính khả thi hơn nhằm thực hiện thành công dự án này.
Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG, đặc biệt là các đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo cấp huyện cần tích cực đi cơ sở, kịp thời nắm bắt các khó khăn để tháo gỡ.
Các huyện cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ liên quan để thanh, quyết toán kinh phí khi thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần, đề án thuộc các Chương trình MTQG theo đúng kế hoạch.
Riêng nội dung liên quan nhà ở, các huyện cần tập trung cao, đặc biệt là huyện Sơn Động, chủ động bố trí đất xây nhà cho hộ dân chưa có đất ở. Bảo đảm người dân có nơi an cư lâu dài theo đúng chủ trương, chính sách hiện hành của Đảng và Nhà nước. Nếu có khó khăn phải báo cáo, đề xuất với tỉnh bằng văn bản cụ thể để được hỗ trợ, giải quyết.
Tin, ảnh: Bảo Lâm
chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo, hỗ trợ nhà ở, Bắc Giang, Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế, triển khai nhiệm vụ, xóa đói giảm nghèo