BẮC GIANG – Theo báo cáo thường niên kinh tế số (KTS) Việt Nam 2022 vừa công bố, toàn quốc có 5 địa phương có tỷ trọng KTS trên GRDP đạt hơn 20%. Trong đó, Bắc Giang xếp thứ Ba, sau tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên với tỷ trọng đạt 42,13%, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025 là 25% theo Nghị quyết số 111 ngày 11/6/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030.
Phát triển doanh nghiệp số, đẩy mạnh giao dịch điện tử
Cùng với phát triển chính quyền số, xã hội số, phát triển KTS là một trong ba trụ cột chính được tỉnh xác định tại Nghị quyết số 111. Để phát triển KTS, tỉnh tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm là: Phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin (CNTT) sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử (TMĐT) và sản xuất thông minh. Đồng thời tích cực ứng dụng số hóa thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của DN; phát triển DN khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số; hỗ trợ DN kết nối với đơn vị viễn thông để thực hiện các giao dịch hàng hóa… Sau hơn hai năm thực hiện, tỉnh đã xây dựng kế hoạch và nỗ lực triển khai hàng loạt các giải pháp thúc đẩy KTS.
Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology, Khu công nghiệp Vân Trung ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh. |
Kết quả nổi bật là nhiều DN, hợp tác xã (HTX) đã chủ động số hóa nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý. Năng suất lao động, doanh thu cũng như năng lực cạnh tranh của DN từng bước được nâng lên, đóng góp tích cực vào kinh tế của tỉnh. Công ty TNHH Seojin Vina (Khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng) là ví dụ. Ngoài sản xuất, gia công cơ khí, đơn vị này còn lắp ráp cánh tay rô bốt và một số thiết bị điều khiển.
Theo ông Trần Văn Nam, cán bộ quản lý hành chính Công ty TNHH Seojin Vina, năm ngoái, doanh thu của DN đạt gần 5,4 nghìn tỷ đồng; 9 tháng năm nay đạt hơn 4,3 nghìn tỷ đồng, phấn đấu cả năm đạt khoảng 6 nghìn tỷ đồng. Công ty TNHH Nichirin Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu) sử dụng rô bốt trong nhiều công đoạn sản xuất các loại ống, dây dẫn phanh cho xe máy, xe ô tô và vận chuyển hàng hóa… Ngoài hai đơn vị trên, đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.500 DN số. Các DN này góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh 9 tháng đạt gần 382 nghìn tỷ đồng.
Để tăng doanh thu, nhiều DN, HTX còn tham gia sàn giao dịch TMĐT. Từ năm 2021 đến nay, HTX Nông sản sạch Bình Nguyên (Lục Ngạn) tham gia sàn Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Vải thiều của HTX khi thu hoạch được quảng bá rộng rãi, công khai giá bán trên sàn nên tiêu thụ thuận lợi hơn. Vụ vải năm 2023, HTX bán khoảng 60 tấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua sàn. Giá bán 25 nghìn đồng/kg, cao hơn giá bán theo hình thức trực tiếp khoảng 5 nghìn đồng/kg”.
Những năm gần đây, các chi nhánh ngân hàng thương mại cũng quan tâm ứng dụng số hóa trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý. Nổi bật là các ngân hàng đã đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Các chi nhánh ngân hàng thực hiện thu hộ học phí, tiền điện, tiền nước…, hạn chế đáng kể việc sử dụng tiền mặt. Đồng thời tích cực ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số; phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới hiện đại hướng tới phục vụ khách hàng, bảo đảm thuận tiện, an toàn.
Từ năm 2021 đến nay, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bắc Giang ra mắt dịch vụ ngân hàng số BIDV SmartBanking. Dịch vụ này có tính năng định danh điện tử khách hàng trên hệ thống Smartbanking. Khách hàng có thể đăng ký mở mới tài khoản trực tuyến và giao dịch ngay trên Smartbanking thế hệ mới ở mọi nơi, mọi lúc. Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh tỉnh thực hiện nhiều dịch vụ điện tử như: E-mobile Banking, Internet Banking…
Đến nay, toàn tỉnh có 140 nghìn DN, HTX, hộ dân đưa hàng hóa lên một số sàn giao dịch: Postmart.vncủa Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Voso.vn của Tổng Công ty Bưu chính Viettel. Hai năm qua, các sàn TMĐT thực hiện hơn 200 nghìn giao dịch hàng hóa, trị giá gần 100 tỷ đồng.
Tập trung phát triển ngành nghề cốt lõi
Thời gian qua, nhiều DN, HTX phát huy nội lực, tích cực đầu tư kinh phí để lắp đặt hệ thống máy móc hiện đại; ứng dụng CNTT vào sản xuất, kinh doanh. Có DN đã chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghệ sáng tạo và sản xuất thông minh. Quá trình thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư tạo thuận lợi cho các DN số đăng ký thành lập mới; tổ chức tập huấn cho các DN khởi nghiệp về kiến thức quản trị kinh doanh, chuyển đổi số.
Theo Nghị quyết số 111, Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng KTS chiếm khoảng 25% trên GRDP của tỉnh; KTS từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 15% và có khoảng 800 DN số. Đến nay, hai chỉ tiêu DN số và tỷ trọng KTS trên GRDP đã vượt mục tiêu đề ra. |
Hiệp hội DN tỉnh tuyên truyền, giới thiệu DN tham gia chương trình hỗ trợ chuyển đổi số. Sở Công Thương phối hợp với Cục Thương mại điện tử và KTS (Bộ Công Thương) tổ chức tập huấn về tổng quan TMĐT; phổ biến chương trình ứng dụng TMĐT quốc gia. Riêng năm 2023, Sở hỗ trợ 70 DN, HTX, hộ dân tham gia quảng bá, giới thiệu, livestream bán hàng trên nền tảng số; hỗ trợ nhiều DN đưa sản phẩm lên sàn TMĐT.
KTS bước đầu đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, Bắc Giang đứng thứ 9/63 tỉnh, TP về chuyển đổi số, trong đó KTS xếp thứ 2/63, tỉnh, TP (năm trước đó, KTS của tỉnh xếp thứ 6/63 tỉnh, TP). Kết quả này khẳng định chuyển biến tích cực của tỉnh trong công tác chỉ đạo, hỗ trợ cung ứng các dịch vụ để DN, người dân phát triển KTS.
Để đẩy mạnh các hoạt động KTS thời gian tới, ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển KTS cốt lõi với các ngành sản xuất chính: Điện tử, viễn thông, dịch vụ CNTT. Trong đó, quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng số, các khu công nghệ cao, hỗ trợ DN khởi nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời tập trung phát triển KTS ở từng ngành, lĩnh vực; phát triển TMĐT; hỗ trợ DN ứng dụng CNTT.
Minh Linh
Bắc Giang: Tạo đột phá từ kinh tế số
(BGĐT) – Phát triển kinh tế số là một trong ba trụ cột chính được xác định tại Nghị quyết số 111 ngày 11/6/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Sau hơn một năm thực hiện, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân trong tỉnh đã tích cực ứng dụng kinh tế số, mang lại hiệu quả thiết thực.
Hợp đồng điện tử: Đòn bẩy phát triển kinh tế số
Việc triển khai rộng rãi hợp đồng điện tử thay thế hợp đồng giấy truyền thống là bước đi tất yếu, đem đến nhiều tiện ích cho doanh nghiệp và người dân. Đây được xem là cuộc cách mạng về phương thức giao kết kinh doanh, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đòn bẩy cho kinh tế số ở Việt Nam phát triển.
Bắc Giang tập trung phát triển kinh tế số
(BGĐT) – Nghị quyết số 111-NQ/TU của Tỉnh ủy xác định mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số (KTS) chiếm khoảng 25% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của tỉnh Bắc Giang và là một trong ba trụ cột chính gồm: Chính quyền số, xã hội số, KTS. Để đạt được mục tiêu này, việc chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang KTS đang diễn ra mạnh mẽ.
tin tức bắc giang, bắc giang, kinh tế số, bứt phá, hát triển chính quyền số, xã hội số, năng lực cạnh tranh, công nghệ số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử