BẮC GIANG – Năm học mới đã cận kề, các địa phương trong tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
Mỏi mắt tìm giáo viên
Huyện Yên Dũng là địa bàn “nóng” bởi tình trạng thiếu giáo viên. Đối chiếu với quy định tỷ lệ tối đa là 2 giáo viên/lớp mẫu giáo và 2,5 giáo viên/lớp nhà trẻ, huyện mới đạt tỷ lệ 1,84 giáo viên/lớp, còn thiếu 571 giáo viên. Tương tự, bậc tiểu học mới đạt tỷ lệ 1,28 giáo viên/lớp, so với chỉ tiêu tối đa là 1,5 giáo viên/lớp thì còn thiếu 710 chỉ tiêu.
Cô và trò Trường THCS Đại Lâm (Lạng Giang). |
Những địa bàn thiếu nhiều giáo viên là các xã: Yên Lư, Hương Gián, Tân Liễu, Đồng Phúc, Quỳnh Sơn. Ông Phan Thế Đông, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện cho biết: “Tình trạng thiếu giáo viên ở huyện Yên Dũng xảy ra nhiều năm, nhất là từ khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực yêu cầu tuyển dụng giáo viên văn hóa tiểu học phải có trình độ đào tạo đại học đã khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng không đủ điều kiện ứng tuyển. Đối với bậc mầm non, những trường ở địa bàn xa trung tâm, việc đi lại không thuận tiện thường xảy ra biến động trong đội ngũ do giáo viên chuyển đến, chuyển đi”.
Tại huyện Lạng Giang, cấp tiểu học mới đạt 1,32 giáo viên/lớp, thiếu hơn 110 giáo viên; bậc THCS thiếu 120 giáo viên. Huyện còn xảy ra tình trạng mất cân đối giáo viên bộ môn; bậc tiểu học thiếu giáo viên văn hóa, Tin học, Ngoại ngữ, Thể dục và thừa giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật bậc THCS. Năm học tới, Trường Tiểu học Hương Sơn có 32 lớp, hơn 1,1 nghìn học sinh.
Cô giáo An Thị Nga, Hiệu trưởng bày tỏ: “Hương Sơn là địa bàn “vùng trũng” của huyện, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Năm học trước, nhà trường đã phải tìm mọi giải pháp để bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp thì vừa rồi lại có 3 giáo viên nghỉ (nghỉ việc, nghỉ thai sản, chuyển trường). Vì vậy, năm học tới sẽ thiếu 8 giáo viên văn hóa và 2 giáo viên môn chuyên Tiếng Anh, Âm nhạc”.
Tháng 8 là giai đoạn cao điểm chuẩn bị năm học mới thế nhưng nhiều trường học vẫn trong trạng thái… chờ kết quả xét tuyển giáo viên của tỉnh. Hiệu trưởng một trường học trên địa bàn tỉnh cho biết, đến ngày 31/8, nếu được bổ sung đủ giáo viên theo nhu cầu, nhà trường bắt tay ngay vào phân công nhiệm vụ. Trong trường hợp không đủ biên chế, Ban Giám hiệu lúc ấy lại phải xoay xở tìm nguồn giáo viên hợp đồng, gấp gáp điều chỉnh, sắp xếp lại kế hoạch khi ngày khai giảng đã rất gần.
Ưu tiên địa bàn khó khăn
Thống kê từ Sở GD&ĐT, năm học mới toàn tỉnh có 720 trường, hơn 14 nghìn lớp với hơn 463 nghìn học sinh; tăng so với năm học trước. Bên cạnh nguyên nhân do quy mô học sinh tăng thì điều kiện bắt buộc khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Điều này dẫn đến tỉnh thiếu hàng nghìn giáo viên, tập trung nhiều ở bậc tiểu học.
Ông Nguyễn Quang Đông, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng giải bài toán thiếu đội ngũ là việc làm thận trọng, từng bước, không thể làm ồ ạt. Dù tỉnh đang thiếu đội ngũ song giữ vững quan điểm tuyển nguồn nhân lực có chất lượng. Đối với giáo viên mầm non yêu cầu tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên chuyên ngành giáo dục mầm non; giáo viên tiểu học môn văn hóa phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm giáo dục tiểu học.
Để bảo đảm giáo viên cho các lớp học tăng thêm và tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT về nhu cầu biên chế năm học 2023-2024. Trong đó, đề nghị xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung 3.308 chỉ tiêu biên chế giáo viên các cấp học (mầm non 2.424 chỉ tiêu; tiểu học 456; THCS 405; THPT 23 chỉ tiêu). |
Để bổ sung nguồn nhân lực, đầu năm 2023, Sở Nội vụ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức đợt tuyển dụng bổ sung được 91/98 chỉ tiêu giáo viên văn hóa tiểu học. Tỉnh cũng mở rộng đối tượng xét tuyển đối với các thí sinh tỉnh ngoài (yêu cầu cam kết 3 năm công tác tại tỉnh Bắc Giang trong trường hợp trúng tuyển). Dịp này, Bắc Giang tổ chức xét tuyển 692 giáo viên, ưu tiên phần lớn chỉ tiêu dành cho bậc mầm non và tiểu học.
Kết quả, có hơn 500 hồ sơ đăng ký xét tuyển giáo viên mầm non/134 chỉ tiêu. Giáo viên tiểu học có 345 hồ sơ đăng ký/436 chỉ tiêu. Kết quả sẽ công bố trước ngày 31/8 để các địa phương phân công, sắp xếp công việc. Tỉnh đã tổ chức lớp đào tạo hệ đại học liên thông môn văn hóa tiểu học dành cho 94 giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc dôi dư. Đến nay có 39 người hoàn thành chương trình, được bố trí về công tác tại các trường đang thiếu ngay trong năm học 2023-2024. Những trường hợp còn lại dự kiến hoàn thành chương trình trong năm 2024.
Trước khó khăn chung do thiếu giáo viên, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức lại lớp học phù hợp với cơ sở vật chất và đội ngũ hiện có. Khuyến khích các địa phương ký hợp đồng với giáo viên nghỉ hưu có sức khỏe tốt, giáo viên trẻ mới ra trường chưa được tuyển dụng có chuyên ngành đào tạo phù hợp. Đề nghị cán bộ quản lý, giáo viên phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động triển khai mọi giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, không để thiếu giáo viên trong năm học mới.
Tại một số địa phương đã và đang triển khai biện pháp khắc phục tình trạng này. Trong đó, các huyện Việt Yên, Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Nam tiếp tục ký hợp đồng với giáo viên nghỉ hưu, sinh viên tốt nghiệp trường đại học chuyên ngành sư phạm chưa được tuyển dụng. Nhằm động viên đội ngũ, Phòng GD&ĐT huyện Lạng Giang đang tham mưu với Chủ tịch UBND huyện trích ngân sách hỗ trợ tiền dạy thừa giờ.
Thời gian tới, các địa phương tiếp tục quan tâm công tác bồi dưỡng, đào tạo văn bằng hai hoặc liên thông chuyển đổi môn học để điều chuyển giáo viên tại các môn thừa sang giảng dạy các môn thiếu, khắc phục tình trạng mất cân đối cơ cấu giáo viên bộ môn mà không làm gia tăng chỉ tiêu biên chế.
Ngay khi có kết quả xét tuyển giáo viên, phòng nội vụ các huyện tham mưu với Chủ tịch UBND huyện, TP ưu tiên đưa giáo viên mới trúng tuyển về công tác tại các trường đang thiếu. Bên cạnh đó, các trường kiến nghị tỉnh tổ chức các kỳ xét tuyển giáo viên sớm, hoàn thành trong tháng 7 để có thời gian sắp xếp, bố trí công việc đồng thời chủ động phương án ký hợp đồng giáo viên nếu không được bổ sung.
Bài, ảnh: Hải Vân
Bắc Giang: Nhiều trường gặp khó vì thiếu giáo viên
(BGĐT) – Số lượng học sinh tăng cao, tuyển dụng biên chế không đủ so với nhu cầu, nhiều giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu là những nguyên nhân dẫn đến các trường tiểu học tại Bắc Giang đang gặp khó khăn về nhân lực.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, tình trạng thiếu giáo viên, luật giáo dục, giáo viên tiểu học, xét tuyển giáo viên, ngành sư phạm, giáo dục tiểu học, hồ sơ đăng ký thi tuyển