BẮC GIANG – Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng một phần với vai trò nhằm khơi dậy các nguồn lực khác. Tại nhiều địa phương, việc đa dạng hình thức huy động kinh phí góp phần quan trọng để hoàn thiện các tiêu chí NTM.
Chung sức xây dựng NTM
Là một trong những xã miền núi về đích NTM sớm của huyện Lục Nam từ gần chục năm trước, năm 2022, xã Đông Hưng được công nhận NTM nâng cao. Để hoàn thành các tiêu chí nâng cao, tổng kinh phí thực hiện lên đến hơn 45 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách T.Ư hỗ trợ hơn 5,6 tỷ đồng; ngân sách tỉnh, huyện, xã là 13,95 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư công 5 tỷ đồng và vốn huy động xã hội hóa, nhân dân đóng góp hơn 20,7 tỷ đồng.
Bức tranh NTM xã Đông Hưng (Lục Nam) ngày càng khởi sắc. |
Theo đánh giá của đồng chí Tạ Quang Mai, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, xuất phát điểm của Đông Hưng là xã miền núi, nhiều dân tộc cùng chung sống, cơ sở hạ tầng còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Trên địa bàn không có khu, cụm công nghiệp, do đó nguồn thu ngân sách rất hạn chế. Mặc dù vậy, xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ lâu dài, trong đó Nhà nước đóng vai trò tổ chức, khuyến khích, hỗ trợ, mọi hoạt động phải dựa trên cơ sở nguyện vọng chính đáng và chung sức của nhân dân. Từ nguồn hỗ trợ của cấp trên, xã đã tập trung tuyên truyền vận động, tạo đồng thuận, huy động sự đóng góp tích cực của người dân, doanh nghiệp (DN) để nâng cao các tiêu chí.
Từ các nguồn vốn kể trên, xã ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thiện tiêu chí về giao thông, trường học, thiết chế văn hóa, vệ sinh môi trường và phát triển sản xuất. Trong đó, nổi bật là đã cải tạo, cứng hóa thêm nhiều tuyến đường trục xã, thôn, ngõ xóm, đường nội đồng với tổng chiều dài gần 20 km.
Một trong những kinh nghiệm ở Đông Hưng đó là tiếp nhận và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ và lồng ghép vốn đối ứng của địa phương. Sử dụng vốn của nhân dân, DN đóng góp đúng quy định, bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Nhân dân trực tiếp quản lý, giám sát việc thực hiện các hạng mục trong đề án đã được phê duyệt.
Đường giao thông nông thôn tại xã Việt Lập (Tân Yên). |
Xã Việt Lập (Tân Yên) cũng có nhiều cách làm sáng tạo trong huy động các nguồn lực để về đích NTM kiểu mẫu năm 2023 về văn hóa. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Bích, hỗ trợ của Nhà nước là sự khích lệ rất quan trọng, còn lại cơ bản là sự đóng góp của nhân dân. Cụ thể, để hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu về văn hóa theo mục tiêu đề ra, ngân sách cấp trên hỗ trợ xã Việt Lập 4 tỷ đồng xây dựng sân vận động. Tuy nhiên, từ các nguồn lực của xã và xã hội hóa trong nhân dân, địa phương đã huy động được khoảng 8 tỷ đồng để xây dựng công trình trên.
Ngoài ra, trong công tác trùng tu di tích, tổng ngân sách tỉnh, huyện, xã hỗ trợ mỗi di tích là 950 triệu đồng, song với sự đóng góp của nhân dân, năm 2023, Việt Lập đã trùng tu đình Kim Tràng với số tiền 4,5 tỷ đồng, chùa Phán Thú 3,8 tỷ đồng. Xã đang trùng tu khu đền Mẫu núi Dành. Công trình này Nhà nước hỗ trợ 7,2 tỷ đồng, nhưng ngay trong giai đoạn 1 vốn đầu tư lên gần 12 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp khoảng 4,8 tỷ đồng.
Người dân là chủ thể
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng vốn đầu tư chương trình xây dựng NTM từ ngân sách T.Ư và tỉnh giai đoạn 2021-2025 là hơn 1,2 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn huy động từ người dân và cộng đồng cho cả giai đoạn chưa được thống kê cụ thể, nhưng tính riêng năm 2023 là gần 200 tỷ đồng. Kết quả này góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Tổng vốn đầu tư chương trình xây dựng NTM từ ngân sách T.Ư và tỉnh giai đoạn 2021-2025 là hơn 1,2 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn huy động từ người dân và cộng đồng tính riêng năm 2023 là gần 200 tỷ đồng. |
Trong tổ chức thực hiện, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để huy động nguồn lực. Theo đó, cùng với nguồn vốn của T.Ư và của tỉnh, các huyện đều dành ngân sách, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án.
Nhiều chính sách đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân nên huy động được nội lực lớn trong nhân dân. Thông qua đó, hệ thống đường giao thông nông thôn tiếp tục được mở rộng và đầu tư theo chuẩn mới, tạo động lực cho phát triển KT-XH tại các địa phương của tỉnh. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã mở mới, cải tạo, nâng cấp và cứng hóa gần 378,5 km đường giao thông nông thôn, cứng hóa thêm hơn 39 km kênh mương nội đồng…
Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Nhận thức của đa số người dân về chương trình xây dựng NTM ngày càng được nâng cao. Vai trò chủ thể của người dân được phát huy, chủ động tham gia đóng góp ngày công, kinh phí. Từ đó góp phần tạo sự chuyển biến lớn và thống nhất nhận thức trong nhân dân theo hướng: Xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, người dân là chủ thể”.
Cũng theo ông Hà Minh Quý, xác định 2024 là năm tăng tốc để hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, việc phát huy các nguồn lực có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Kinh nghiệm cho thấy, để xây dựng thành công các tiêu chí về NTM, sự đồng thuận của người dân là yếu tố quyết định. Vì thế, quá trình thực hiện, mỗi địa phương cần phát huy nội lực, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, huy động vốn đầu tư. Ngoài kinh phí hỗ trợ của cấp trên, cần chủ động huy động nguồn vốn trong nhân dân, DN.
Ngoài ra, chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từng nội dung phải được bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch để tạo ra sự đồng thuận cao.
Các địa phương thực hiện tốt công tác lập kế hoạch, phân bổ vốn kịp thời, đúng quy định và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn. Ưu tiên tập trung nguồn lực để hỗ trợ các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; huyện NTM, NTM nâng cao. Tích cực, chủ động thực hiện nhiều giải pháp huy động, đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện xây dựng NTM; cân đối, bố trí ngân sách địa phương thực hiện chương trình. Lồng ghép hiệu quả với nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án khác. Đẩy mạnh công tác vận động các DN, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp, tài trợ, bảo đảm không huy động quá sức dân và tránh để phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
BẮC GIANG – Diện mạo nông thôn mới (NTM) ở thôn Đại Đồng 2, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) ngày càng khởi sắc; tháng 11/2023, thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đây là thành quả từ việc phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy chi bộ; sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và người dân trong thôn.
Lục Nam: Nông thôn mới khởi sắc
BẮC GIANG – Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, năm 2023, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới (NTM). Diện mạo các làng quê đang đổi thay từng ngày.
Tập trung triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024
BẮC GIANG – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 687/UBND-NN yêu cầu các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG và các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2024.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, Khơi nguồn lực xã hội hóa, xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường giao thông nông thôn, ngân sách nhà nước, vốn đầu tư xây dựng